Tạo điều kiện để doanh nghiệp đổi mới, năng cao năng lực sản xuất

06/02/2025 10:21 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa; hướng dẫn, hỗ trợ các hiệp hội và doanh nghiệp khai thác, phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới, giàu tiềm năng…

Tạo điều kiện để doanh nghiệp đổi mới, năng cao năng lực sản xuất- Ảnh 1.

Thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Với những nỗ lực, chủ động, sáng tạo trong quá trình triển khai nhiệm vụ, ngành Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sự phục hồi tích cực của sản xuất công nghiệp, thương mại nội địa, xuất nhập khẩu, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng kinh tế Hà Nội trong thời gian qua.

Theo đó, Sở Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá, thực hiện quyết liệt các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Trung ương và Thành phố trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, xúc tiến xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ;

Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ khởi công, đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn, góp phần tạo mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng đề ra các giải pháp hỗ trợ giảm lượng hàng tồn kho, tăng chỉ tiêu xuất khẩu thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp qua sàn thương mại điện tử...

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về mặt bằng sản xuất, mặt bằng kinh doanh ngày càng đè nặng trên vai các doanh nghiệp nhỏ, do giá đất tăng cao trong khi nguồn lực tài chính có hạn.

Ngoài ra, việc thiếu mặt bằng sản xuất khiến doanh nghiệp mất đi những cơ hội để mở rộng quy mô nhà xưởng, xây dựng chiến lược phát triển... để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu vốn bị đứt gãy từ đại dịch COVID-19 đến nay.

Thực tế, trong nhiều năm qua, việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó, trong khi hạ tầng các cụm công nghiệp đang hoạt động chưa đồng bộ, xuống cấp; tiến độ giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp đang đầu tư xây dựng còn chậm, thủ tục tiếp nhận nhà đầu tư thứ phát chưa thống nhất…

Mặt khác, do chưa kêu gọi được những dự án đầu tư sản xuất lớn, có tính dẫn dắt các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, nên công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ chưa tương xứng với tiềm năng của Hà Nội. Các chính sách hỗ trợ của Thành phố đối với các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực chưa thực sự rõ nét...

Kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài

Bước sang năm 2025, thế giới tiếp tục đối mặt với các bài toán lớn về địa chính trị, kinh tế; áp lực lạm phát toàn cầu được đánh giá sẽ chậm lại nhưng vẫn ở mức cao…, thành phố Hà Nội sẽ chú trọng triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách về lãi suất, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các lĩnh vực ưu tiên... Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng với đó, Thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa; theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, làm tốt thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng; hướng dẫn, hỗ trợ các hiệp hội và doanh nghiệp khai thác, phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới, giàu tiềm năng; đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do, giúp doanh nghiệp nắm rõ cơ hội để thúc đẩy đầu tư sản xuất, liên kết chuỗi.

Đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước. Việc kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài để tìm kiếm đối tác, đơn hàng, thị trường thông qua các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm... cũng là những giải pháp quan trọng được thành phố Hà Nội triển khai quyết liệt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ trên thị trường nội địa, giảm hàng tồn kho.

Năm 2025, Sở Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu: Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp phấn đấu tăng từ 6,95% trở lên; kim ngạch xuất khẩu phấn đấu tăng từ 5% trở lên; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng từ 9% trở lên; chỉ số giá tiêu dùng kiểm soát tăng dưới 4,5%...

Để đạt kết quả trên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở Công thương, các đơn vị trong ngành phải cụ thể hóa, bám sát và tiếp tục thực hiện có hiệu quả năm chủ đề năm "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển" của Thành phố gắn với chức năng nhiệm vụ của Sở, các chương trình công tác trọng tâm của Thành phố giao, 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy và các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố giao cho Sở và các nhiệm vụ của Sở theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, cần có giải pháp hết sức cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp. Trong đó, phát triển công nghiệp ưu tiên, công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư để có những dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất. Tập trung thu hút đầu tư vào 7 cụm công nghiệp đã hoàn thành công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật…

Trong lĩnh vực thương mại cần thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng hóa vào kênh phân phối nước ngoài; Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động " Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"…

Thùy Linh

Top