Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư

16/08/2022 10:39 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng để các nhà đầu tư kinh doanh thành công và phát triển bền vững.

Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư - Ảnh 1.

7 tháng đầu năm 2022, thu hút FDI của Hà Nội đứng thứ 3 cả nước. Ảnh minh họa

Thu hút FDI đứng thứ 3 cả nước trong 7 tháng năm 2022

Ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho hay, từ đầu năm đến nay, Thành phố thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục khó khăn, phục hồi tăng trưởng, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2022.

Một số chỉ tiêu về kinh tế đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn luỹ kế ước thực hiện đến hết tháng 7 là hơn 213.100 tỷ đồng, đạt 68,4% dự toán, bằng 116,0% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương luỹ kế ước thực hiện đến tháng 7 là gần 38.150 tỷ đồng, đạt 35,7% dự toán đầu năm, bằng 112,4% so với cùng kỳ.

Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu cấp tín dụng và chấp hành các quy định về tỷ lệ an toàn. Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng đến hết tháng 7/2022 đạt hơn 2.833.500 tỷ đồng, tăng 9,58% so với 31/12/2021…

Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1987, TP. Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã đón nhận sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Về kết quả thu hút đầu tư nước ngoài, lũy kế từ 1987 đến nay, thu hút vốn FDI của TP. Hà Nội đạt khoảng 67.811,7 triệu USD, trong đó có 7.619 dự án cấp mới với vốn đăng ký là 35.378,6 triệu USD; 1.851 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm 10.841,24 triệu USD; 4.370 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị góp vốn 21.591,9 triệu USD.

Giai đoạn 2016-2019, Hà Nội chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 26,5 tỷ USD và là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong 2 năm 2018-2019.

Từ năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, thị trường thế giới đối mặt những khó khăn chưa từng có dẫn đến ngưng trệ các hoạt động ngoại thương, đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng chi phí toàn cầu, hạn chế đi lại giữa các quốc gia. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố, tổng thu hút vốn FDI của Hà Nội năm 2020 vẫn đạt 3,83 tỷ USD, đứng thứ 3 toàn quốc.

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thu hút FDI giảm mạnh, với số vốn thu hút đạt 1,524 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, thu hút FDI đạt 979,7 triệu USD, xếp thứ 3 cả nước, trong đó, 201 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 130,54 triệu USD; 109 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 375,7 triệu USD và 242 lượt góp vốn với số vốn góp đạt 473,5 triệu USD.

Cùng với cả nước bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu, rộng với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, TP. Hà Nội đã xác định, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng động doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho sự phát triển và hội nhập của Thủ đô.

Ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng

Triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 23/6/2021 về việc hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn Thủ đô.

Theo đó, Hà Nội đặt ra mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn…

Bên cạnh đó, tiếp cận để nhận đầu tư từ các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ cao, tăng cường đổi mới và tiếp nhận chuyển giao tri thức từ các doanh nghiệp FDI, nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa. Xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm (G7, G8, OECD), các tập đoàn lớn để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của Thành phố; chú trọng và tăng cường thúc đẩy xúc tiến đầu tư tại chỗ; bám sát và hỗ trợ hoạt động của Tổ công tác Thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai; công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư. Đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với các tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước.

Bích Phương

Top