Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ ở HĐND các cấp
(Chinhphu.vn) - Sáng 1/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Đề án số 15-ĐA/TU về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại TP. Hà Nội”.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Hội trường Thành ủy Hà Nội đến điểm cầu 30 quận, huyện, thị xã.
Đưa ra 2 mục tiêu và 7 nhóm chỉ tiêu cụ thể
Triển khai Đề án, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo nhấn mạnh, Đề án đề ra 5 quan điểm chỉ đạo gồm: Tăng cường vai trò lãnh đạo và đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của các cơ quan dân cử; tiếp tục thực hiện phương châm hành động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 "Đổi mới - Sâu sát - Khoa học - Hiệu quả"; bảo đảm HĐND các cấp Thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhất là trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về và các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ về tổ chức thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội; đổi mới nội dung phải thiết thực, xuất phát từ thực tiễn hoạt động của HĐND và yêu cầu nâng cao vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri Thủ đô; thống nhất trong lãnh đạo và chỉ đạo triển khai ở cả 3 cấp HĐND, nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp theo.
Theo đó, Đề án đề ra 2 mục tiêu và 7 nhóm chỉ tiêu cụ thể. Trong đó,100% cấp ủy quận, huyện, thị xã và xã, thị trấn ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của HĐND quận, huyện thị xã và xã, thị trấn; đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai và quán triệt Đề án đến 100% các chi bộ cơ sở trực thuộc và chi bộ, đảng viên.
100% các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, các chương trình, đề án, kế hoạch của Thành ủy và cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 được cụ thể hóa tại các nghị quyết của HĐND các cấp; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
100% đại biểu HĐND các cấp được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hằng năm, đặc biệt quan tâm đến các đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND các cấp, các tổ đại biểu HĐND cấp thành phố và cấp huyện tăng cường hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề bảo đảm số lượng và chất lượng.
100% các đại biểu HĐND thực hiện tiếp công dân theo quy định; 100% các kiến nghị cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến HĐND, đại biểu HĐND được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Hằng năm, Thường trực HĐND, tổ đại biểu HĐND tổ chức ít nhất 1 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề.Hàng quý, Thường trực HĐND thành phố tổ chức giao ban chuyên đề về hoạt động của HĐND các cấp với Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Đề án đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với tổ chức bộ máy và hoạt động của HĐND các cấp thành phố được coi là một giải pháp trọng tâm trong việc thực hiện Đề án. Bởi thực tế, ở đâu có sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sát của cấp ủy thì ở đó HĐND hoạt động rất hiệu quả.
Xác định rõ vai trò, trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn, chức năng chủ yếu của HĐND; tăng thời gian thảo luận, tranh luận tại hội trường và thảo luận tại các tổ đại biểu để phát huy trí tuệ của đại biểu HĐND đối với các nội dung kỳ họp.
Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa HĐND và các cơ quan liên quan trong hệ thống chính trị bằng việc xây dựng và ký kết các quy chế, quy trình phối hợp công tác và quan tâm kiện toàn tổ chức, hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc HĐND, trong đó lưu ý bố trí đủ số cán bộ chuyên trách giúp việc Thường trực HĐND, các Ban HĐND các cấp.
Tại hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị đã phát biểu tham luận, tập trung vào quá trình triển khai thực hiện Đề án tại đơn vị mình; nêu những vấn đề đặt ra khi triển khai thực hiện Đề án, đề xuất các giải pháp thực hiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn...
Tiếp tục quan tâm, kiện toàn tổ chức bộ máy HĐND
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND các cấp Thành phố đã chủ động, năng động, sáng tạo, hoạt động chất lượng, hiệu quả, ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, thực tế là chất lượng hoạt động của HĐND vẫn chưa đồng đều, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ ở cả 3 cấp.
Trước tình hình đó, căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, Chương trình công tác số 01-CTr/TU của Thành ủy về "Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị Thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025", Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Đảng đoàn HĐND Thành phố tham mưu xây dựng Đề án về "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại TP. Hà Nội" nhằm tiếp tục đổi mới, khắc phục các tồn tại, hạn chế; phát huy những kết quả tích cực đã đạt được để tạo sự chuyển biến đồng bộ, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của HĐND các cấp trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu thực tiễn Thành phố.
Để triển khai hiệu quả Đề án, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng nghiên cứu, quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc nội dung Đề án; phải thống nhất cao trong nhận thức về các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án. Xác định rõ đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND hay các đại biểu HĐND; trong đó nhấn mạnh sự lãnh đạo của Đảng giữ vai trò quan trọng, sự chủ động trong hoạt động của HĐND là nòng cốt.
Vì thế, các quận, huyện, thị ủy khẩn trương ban hành kế hoạch và tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện Đề án; định kỳ hàng năm sơ kết báo cáo cấp ủy, HĐND và Thường trực HĐND cấp trên tình hình, kết quả thực hiện.
Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị- phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị, vì mục tiêu chung của Thành phố và các địa phương.
Trong quá trình triển khai, cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp và gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn.
"Nội dung này đỏi hỏi sự chủ động, đổi mới, trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của Thường trực HĐND, các ban HĐND, các tổ đại biểu HĐND và mỗi đại biểu HĐND các cấp", đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Xác định công tác cán bộ là cốt yếu, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các cấp ủy tiếp tục quan tâm, kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở các cấp theo quy định của luật. Ở các quận, huyện, thị xã còn thiếu số đại biểu chuyên trách theo quy định, phải có phương án kiện toàn để tăng cường ngay số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Đối với các quận và thị xã Sơn Tây, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các tổ đại biểu HĐND thành phố, HĐND các quận, thị xã tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của mình trong các hoạt động; tăng cường giám sát triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, các cơ quan chuyên môn của UBND quận, thị xã và UBND, chủ tịch UBND phường.
"Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, Đề án số 15-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy sẽ phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp Thành phố trong thời gian tới, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô", đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Thùy Linh