Tạo thêm mặt bằng cho phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao

28/12/2021 7:10 AM

(Chinhphu.vn) – Để phát triển các khu công nghệ cao, UBND thành phố Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất, các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN có khả năng triển khai thực hiện và đưa ra khỏi quy hoạch các KCN không có khả năng triển khai thực hiện.

Mô hình KCN cao Hòa Lạc

Hà Nội có 9 khu công nghiệp đã được lấp đầy

Theo quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 06/7/2011 của TTCP), TP. Hà Nội có 31 Khu công nghiệp và 02 Khu công nghệ cao. Sau khi rà soát, còn 26 khu công nghiệp trong quy hoạch. Trong đó có 09 KCN đang hoạt động, 03 KCN đang triển khai, 14 KCN trong quy hoạch chưa thực hiện.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, hiện 9 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.270,5 ha cơ bản đã được lấp đầy (KCN Thăng Long, Nội Bài, Quang Minh I, Phú Nghĩa, Thạch Thất - Quốc Oai, Nam Thăng Long, Sài Đồng B, Hà Nội - Đài Tư, Khu công viên công nghệ thông tin Hà Nội); KCN hỗ trợ Nam Hà Nội giai đoạn 1 (diện tích 76,92ha) đã hoàn thiện hạ tầng và đang tích cực thu hút đầu tư (tháng 12/2021, đã thu hút được 01 nhà đầu tư thứ phát vào KCN).

Số dự án thứ phát đang hoạt động hiện nay là trên 700 dự án, với 303 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn đăng ký gần 6,1 tỷ USD; 399 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký gần 18.000 tỷ đồng; trong năm 2021, thu hút đầu tư được 08 dự án mới, vốn đăng ký 27 triệu USD và 525 tỷ đồng, 32 dự án đầu tư mở rộng vốn đăng ký 164 triệu USD và 2.039 tỷ đồng; tổng mức thu hút đầu tư năm 2021 đạt 300 triệu USD quy đổi, đạt kế hoạch đề ra, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển KTXH thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1081/QĐ TTg ngày 06/7/2011, đến năm 2015, Thành phố Hà Nội dự kiến phát triển thêm 9 Khu công nghiệp và đến năm 2020, định hướng 2030 sẽ xây mới và mở rộng thêm 15 KCN. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn Thành phố mới có 11 khu công nghiệp, trong đó có 09 khu đang hoạt động, đặc biệt có 01 khu đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ 2008 nhưng hiện tại đang thực hiện lập đồ án quy hoạch là KCNC sinh học tại quận Bắc Từ Liêm.

Còn nhiều vướng mắc khi triển khai các Khu công nghệ cao

Như vậy, việc phát triển các KCN trên địa bàn Thành phố còn chậm; trong hơn 10 năm trở lại đây chưa có KCN mới được thành lập và đi vào hoạt động. Một số khó khăn vướng mắc phải kể đến là do một số KCN nằm trong quy hoạch theo Quyết định 1081/QĐ-TTg của TTCP, theo quy định hiện nay là không đủ diện tích theo quy định, không có trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch chung của quận, huyện và không đủ điều kiện xem xét phát triển KCN, cần phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể các KCN ở Hà Nội.

Bên cạnh đó, là do quy hoạch phân khu chức năng 1/2000 chưa được triển khai, theo quy định của Luật Xây dựng phải do cơ quan nhà nước lập quy hoạch, hiện nay Thành phố đang xem xét các căn cứ pháp lý và năng lực để giao nhiệm vụ lập quy hoạch cho Ban Quản lý KCN và CX Hà Nội thực hiện.

Một trong nhưng khó khăn chung là do giá đất đền bù giải phóng mặt bằng ở Hà Nội cao, khó thu hút nhà đầu tư hạ tầng KCN. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, giá thuê đất các tỉnh lân cận cũng tăng lên, các nhà đầu tư cũng bắt đầu quan tâm đến đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp ở Hà Nội.

Về khó khăn vướng mắc cụ thể đối với Khu CNC sinh học Hà Nội liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng, còn khu công nghiệp KCN Quang Minh II và do thay đổi địa giới hành chính năm 2008, Dự án phải chờ rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và quy hoạch phân khu đô thị N2, GN. Để phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị N2, KCN Quang Minh II phải thực hiện điều chỉnh giảm diện tích xuống từ 266,35 ha xuống còn 160 ha.

Để phát triển các KCN trong thời gian tới, UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý các KCN và CX, các đơn vị liên quan rà soát và điều chỉnh quy hoạch các KCN có khả năng triển khai thực hiện và đưa ra khỏi quy hoạch các KCN không có khả năng triển khai thực hiện.

Đồng thời giao Ban Quản lý các KCN và CX cùng các ngành đề xuất đơn vị thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 các Khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư, thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương và lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Minh Anh

 

Top