Tập trung cao độ phòng chống dịch-Đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định
(Chinhphu.vn) - Năm 2021 công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm gặp quá nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là vào dịp cuối năm song đến nay tổng đàn gia súc, gia cầm vẫn đảm bảo phát triển, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân Thủ đô.
Hộ chăn nuôi lợn tại gia đình ông Lâm Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: Thiện Tâm |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết: Trong thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố có những diễn biến phức tạp. Công tác tiêm phòng, tổng tẩy uế môi trường, kiểm dịch kiểm soát giết mổ trong thời gian giãn cách gặp quá nhiều khó khăn, nhiều cơ sở giết mổ tập trung phải tạm dựng hoạt động đến nay đã và đang dần trở lại trạng thái bình thường.
Theo số liệu thống kê hiện nay trên địa bàn Thành phố, đàn trâu, bò có 170 nghìn con. Sản lượng sữa tươi 3 nghìn tấn. Đàn lợn khoảng 1,5 triệu con, đàn gia cầm hiện có 39 triệu con; đàn chó mèo 462 nghìn con. Tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn là 1.063 cơ sở và có 732 cơ sở, điểm, hộ giết mổ động vật trên địa bàn Thành phố.
Theo ông Sơn, dự báo thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên Đán nguy cơ xảy ra dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm là rất cao. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do diễn biến dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp, khó lường tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động chuyên môn phòng chống dịch bệnh như: Tiêm phòng, tổng tẩy uế môi trường và đặc biệt là trong hoạt động kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung, nơi có nguy cơ cao về sự lây nhiễm COVID-19.
Nguyên nhân tiếp theo là do thời tiết khí hậu biến đổi bất thường, nhất là dịp cuối năm, mưa phùn kéo dài, nhiều đợt rét đậm rét hại xảy ra đột ngột. Do môi trường bị ô nhiễm nặng nhất là các khu chăn nuôi lớn, các chợ đầu mối, nơi giết mổ tập trung do điều kiện khí hậu ẩm thấp kèm theo mưa phùn mức độ ô nhiễm càng cao.
Thêm vào đó là do nhu cầu sử dụng động vật và sản phẩm động vật trong giai đoạn này cũng tăng cao (thông thường tăng khoảng 20% – 30% so với trạng thái bình thường). Vì vậy, việc vận chuyển lưu thông động vật và sản phẩm động vật là rất lớn do nhu cầu, do người dân, người tiêu dùng có thể tính dự trữ để giành cho những ngày nghỉ, trong dịp Tết. Đặc biệt tại các chợ đầu mối, các cơ sở giết mổ tập trung gia súc, gia cầm từ các tỉnh thành vận chuyển về, việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, hiện tại một số bệnh chưa có vaccine, thuốc điều trị đặc hiệu như bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm chủng mới (Cúm A/H5N8, A/H5N9 ..). Thực tế số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng còn cao (khoảng 55 %), nhất là ở các khu đông dân cư, nhiều hộ chăn nuôi vẫn nuôi trong khu vực gần nhà ở, hộ gia đình nên mức độ lây nhiễm nhiễm rất cao.
Tập trung cao độ phòng chống dịch
Chính vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, để chủ động phòng chống dịch bệnh trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên Đán, mùa lễ hội ngành Chăn nuôi, Thú y Hà Nội đã và đang tập trung cao độ thực hiện tuyên truyền sâu rộng để đảm bảo cho nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn trong tình hình mới vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Đặc biệt đối với hệ thống cán bộ thú y làm nhiệm vụ kiểm dịch, kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung, không để đứt gãy, ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ sở. Tuyên truyền mạnh để người chăn nuôi, chủ các cơ sở kinh doanh (sản phẩm động vật tại các chợ, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...) hiểu, thực hiện, hoặc góp phần vào công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Đây là lực lượng rất quan trọng để thực hiện thành công công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong tình hình mới.
Đồng thời duy trì để các chuỗi cung ứng động vật, sản phẩm động vật tại chỗ và đặc biệt là chuỗi cung ứng từ các tỉnh khác về các chợ đầu mối, về cơ sở giết mổ tập trung thông qua việc phối hợp cung cấp thông tin để không để đứt gãy nguồn cung cũng như việc đảm bào chất lượng khi cung cấp về thành phố Hà Nội. Duy trì tốt hoạt động tại các chốt kiểm dịch đầu mối giao thông tại các chợ Hà Vĩ (Thường Tín), Hải Bối (Đông Anh), Vạn Phúc (Thanh Trì) để kiểm soát chặt chẽ việc nhập gia súc, gia cầm về các địa phương.
Kiên quyết xử lý nhưng vi phạm khi động vật và sản phẩm động vật về thành phố Hà Nội không đủ điều kiện về thủ tục hành chính cũng như chất lượng sản phẩm hàng hóa. "Tuyên truyền để người dân chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ngay chính từ các hộ, chính từ gia đình mình tạo sự đồng thuận, hiệu quả cộng đồng; tạo thói quen thật tốt cho mỗi hộ chăn nuôi, mỗi người kinh doanh góp phần tạo ra sức mạnh cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm", ông Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ngành và các đơn vị liên quan cần thực hiện tốt việc giám sát dịch bệnh, duy trì trực tiếp nhận và xử lý thông tin báo cáo hằng ngày qua đường dây nóng của Thành phố (02433.800115).
Hướng dẫn, đôn đốc thú y cơ sở giám sát dịch bệnh chặt chẽ đến tận hộ chăn nuôi trên địa bàn. Tổ chức tốt việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ cao, đặc biệt đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (Viêm da nổi cục, lở mồm long móng, gai xanh, cúm gia cầm ....).
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 công tác tiêm phòng được cải tiến về thời gian và cách thức tổ chức theo phương thức ở đâu đủ điều kiện tổ chức tiêm ngay, tiêm sớm, thay đổi thời gian để phù hợp, đạt tỷ lệ cao. Những nơi cán bộ bị cách ly bố trí lực lượng từ nơi khác đến thực hiện vì biện pháp tiêm phòng tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm nếu để chậm tiến độ dịch sẽ rất dễ bùng phát và lây lan trên diện rộng.
Thiện Tâm