Tập trung kiểm tra hậu kiểm, đột xuất an toàn thực phẩm

28/07/2022 8:19 PM

(Chinhphu.vn) - Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm. Đặc biệt tập trung hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất và xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Tập trung kiểm tra hậu kiểm, đột xuất an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Thời gian qua ngành Y tế Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân trên địa bàn thành phố. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Ngày 28/7, Sở Y tế Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.

Theo báo cáo của Sở Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố đã thành lập 699 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Qua thanh tra, kiểm tra 16.294 cơ sở phát hiện 2.966 cơ sở vi phạm và tiến hành xử phạt hành chính hơn 500 cơ sở với số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong 6 tháng năm 2022, thành phố đã xảy ra 2 trường hợp ngộ độc Methanol (cồn công nghiệp), 1 trường hợp hôn mê co giật do dùng cà phê Hoàng Gia hỗ trợ giảm cân có chứa chất cấm; 5 trường hợp gặp sự cố về an toàn thực phẩm (phản ứng với phụ gia thực phẩm). Các vụ việc này đã được điều tra và xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tiếp tục triển khai duy trì các chuyên đề dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện, thị xã; triển khai duy trì và xây dựng mới 20 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 16 quận huyện; kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người tại 288 xã/phường của 20 quận huyện đạt chỉ tiêu theo kế hoạch. Triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể cấp tiểu học tại 5 quận, 5 huyện (215 trường).

Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, thời gian qua, công tác truyền thông về an toàn thực phẩm đã được đẩy mạnh, đổi mới, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời đưa nhiều tin, bài, ảnh về các văn bản mới và thực trạng công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Công tác kiểm tra giám sát, hậu kiểm được tăng cường, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, xử lý các cơ sở vi phạm.

Tuy nhiên, công tác công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do một số chủ cơ sở thực phẩm chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt mà thực hiện các hành vi không đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã đã được tăng cường hơn trước tuy nhiên còn chưa kiên quyết, đa số chỉ nhắc nhở.

Bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở thực phẩm không an toàn.

Tập trung kiểm tra hậu kiểm, đột xuất an toàn thực phẩm - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Tại hội nghị, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, với những kết quả đạt được, từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn. Đặc biệt tập trung kiểm tra hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất và xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm lồng ghép với phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với việc thanh tra, kiểm tra, giám sát ngộ độc thực phẩm, thành phố còn tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án, dự án, mô hình điểm về an toàn thực phẩm như: Các chuyên đề dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện, thị xã; kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người tại 288 xã/phường của 20 quận huyện; quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn trường học.

Thiện Tâm

Top