Tập trung lực lượng bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh trong mùa mưa bão

11/05/2023 5:58 PM

(Chinhphu.vn) - Để bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh trong mùa mưa bão, thành phố Hà Nội tập trung lực lượng, chủ động rà soát, lên kế hoạch cắt tỉa cây bóng mát, vừa bảo đảm cảnh quan đô thị vừa phòng, chống thiên tai.

Tập trung lực lượng bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh trong mùa mưa bão - Ảnh 1.

Cắt tỉa cây xanh trên đường Chu Văn An. Ảnh: Thùy Chi

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 1,16 triệu cây bóng mát. Trong đó, cấp thành phố đang quản lý, duy trì khoảng 800.000 cây trên 761 tuyến đường, phố tại 12 quận và các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên tỉnh, đại lộ và 5 công viên lớn.

Số liệu thống kê cho thấy, UBND cấp huyện quản lý khoảng 366.000 cây trên các tuyến đường, ngõ, công viên, vườn hoa, trường học, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, khu di tích và trong các khu đô thị... Trong số các cây bóng mát trên địa bàn thành phố, có đến 20% đã có tuổi đời 80-100 năm.

Thực tế, trong môi trường đô thị, không gian sống của cây xanh bị thu hẹp, dễ bị xâm hại. Vì vậy, nhiều cây phát triển cong queo, lệch tán, nghiêng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt, hiện tượng đảo nhiệt và hút gió bởi bê tông, nhà cao tầng tạo ra những trận lốc xoáy rất khó lường, làm gãy, đổ cây.

Để bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh, hằng năm, Sở Xây dựng Hà Nội đều giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống cây bóng mát đang quản lý, khối lượng cây cần cắt sửa, đồng thời gia cố cọc chống cây mới trồng. Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND cấp huyện chủ động rà soát, cắt tỉa cây nguy hiểm trên địa bàn phân cấp quản lý.

Trong năm 2023, các chuyên gia khí tượng dự báo năm nay sẽ xảy ra hiện tượng El Nino khiến nhiệt độ tăng cao, do đó các cơn bão cũng bất thường hơn và khó đoán định hơn, vì vậy cần đặc biệt chú ý công tác bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh trên địa bàn TP. Hà Nội trong mùa mưa bão.

Các cây ưu tiên cắt sửa là những cây có đường kính, chiều cao lớn, cây nặng tán, lệch tán, cành vươn, dễ bị gãy, đổ khi gặp mưa, bão. Trường hợp cây nguy hiểm, cây sâu, mục, chết khô có khả năng gãy đổ đột ngột, cây có dấu hiệu bị xâm hại sẽ được xử lý ngay. Việc cắt tỉa cây bóng mát bảo đảm yêu cầu nâng cao vòm lá để bảo đảm tầm nhìn, an toàn giao thông; chỉnh hình tán cây bảo đảm cảnh quan; làm thưa tán, hạ độ cao các cây nặng tán, cây có nguy cơ gãy, đổ nhằm phòng, chống thiên tai.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, cây xanh bị gãy, trong năm 2023, qua việc rà soát, thành phố dự kiến cắt tỉa khoảng 348.000 cây xanh đô thị. Trong đó, cắt tỉa vén tán, nâng cao vòm lá khoảng 278.600 cây và cắt tỉa làm thưa tán, thấp tán, hạ thấp độ cao khoảng 69.400 cây. Khu vực thành phố quản lý khoảng 199.500 cây; khu vực cấp huyện quản lý khoảng 148.500 cây.

Thời gian qua, để giảm thiểu nỗi lo cây xanh gãy, đổ Sở Xây dựng đã đầu tư nhiều trang thiết bị, như xe nâng, xe cẩu, máy nghiền cành củi, xe vận chuyển, cưa máy..., cũng như chủ động cắt sửa cây quanh năm nên hiện tượng cây đổ, cành gãy, nhất là trong mùa mưa bão đã giảm rất nhiều.

Là một trong những đơn vị được giao duy tu, duy trì hệ thống cây xanh thuộc cấp thành phố quản lý, đại diện Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, năm 2023, đơn vị dự kiến cắt tỉa 90.381 cây bóng mát, trong đó cắt vén tán, nâng cao vòm lá 79.953 cây; cắt làm thưa tán, thấp tán, hạ độ cao 10.428 cây. Từ đầu năm đến hết tháng 4/2023, Công ty đã cắt tỉa 22.091 cây trên 130 tuyến đường, phố như: Hai Bà Trưng, Bưởi, Lạc Long Quân, Thụy Khuê, Xuân Phương - Miêu Nha, Đại lộ Thăng Long...

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện các đơn vị đã lên kế hoạch, tập trung lực lượng cắt sửa cây nguy hiểm để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, thời gian hoàn thành trong quý II/2023. Khi vào mùa mưa bão, hệ thống cây bóng mát trên nhiều tuyến phố cơ bản được cắt tỉa nhẹ tán, thưa tán, làm thấp tán và hạ độ cao. Với các tuyến đường hệ thống cây chưa thực sự nặng tán, sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá và thực hiện trong quý III và quý  IV/2023.

Sở Xây dựng đề nghị các đơn vị thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và sẵn sàng cắt sửa cây có nguy cơ gãy, đổ trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng kế hoạch ứng trực, giải tỏa trong tình huống cây xanh bị gãy đổ do dông lốc, mưa, bão.

Thùy Chi

Top