Tập trung nguồn lực quy hoạch, đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao

25/04/2022 2:30 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao; ban hành các cơ chế chính sách cho các thiết chế văn hóa, thể thao với thực tế.

Tập trung nguồn lực quy hoạch, đầu thư thiết chế văn hóa, thể thao - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng - Ảnh: VGP/Hòa An

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết tại phiên giải trình HĐND TP. Hà Nội (sáng 25/4) khi làm rõ nội dung liên quan đến lộ trình, giải pháp cụ thể để đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa còn thiếu, chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn.

Tại phiên giải trình, đại biểu Nguyễn Thanh Bình, tổ đại biểu quận Tây Hồ nêu thực trạng, mặc dù trong những năm qua, HĐND Thành phố có những cơ chế đặc thù, các quận cũng hỗ trợ các huyện khó khăn để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, tuy nhiên, nhiều mục tiêu xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở chưa hoàn thành.

Cụ thể, nhà văn hóa thôn làng mới đạt 97% so với yêu cầu 100% vào năm 2020; 5 đơn vị chưa có nhà văn hóa cấp huyện;

Bênh cạnh đó, Hà Nội còn 50,5% nhà văn hóa thôn, tổ dân phố chưa đạt chuẩn, nhiều nhà văn hóa xuống cấp không chỉ ở các huyện khó khăn, mà còn ở các quận... Đại biểu Nguyễn Thanh Bình đề nghị UBND Thành phố chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp và lộ trình để khắc phục, có cần xây dựng một Đề án riêng cho lĩnh vực này.

Các đại biểu cũng phản ánh một số thiết thế văn hóa thể thao chưa đồng bộ, xuống cấp, nhiều năm chưa được quan tâm đầu tư cải tạo, như Cung Văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội (Tăng Bạt Hổ) và Nhà văn hóa học sinh sinh viên (37 Trần Bình Trọng)… Đại biểu đề nghị UBND Thành phố nêu nguyên nhân chậm triển khai và giải pháp thời gian tới. Ngoài ra, một số khu chung cư tái định cư trên địa bàn Thành phố hiện chưa bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng, đại biểu đề nghị Thành phố nêu lộ trình giải quyết.

Giải trình liên quan đến các nhà sinh hoạt cộng đồng trong khu chung cư tái định cư, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, toàn Thành phố có 187 tòa chung cư tái định cư. Trong đó có 175 tòa chung cư tái định cư và 12 tòa có diện tích tái định cư nằm trong các chung cư thương mại.

Hiện nay, Sở đã rà soát, trong 175 tòa chung cư tái định cư, 81 tòa có thiết kế nhà sinh hoạt cộng đồng, 94 tòa không có thiết kế diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng. Trong đó, 70/81 tòa đã bố trí và bàn giao nhà sinh hoạt cộng đồng cho ban quản trị; 11 tòa chưa thành lập ban quản trị nên chủ đầu tư chưa bàn giao để phục vụ mục đích nhà sinh hoạt cộng đồng.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, hiện nay huyện còn 3 thôn mới chia tách nên chưa có nhà văn hóa. Trong đó, 1 nhà văn hóa đã được đấu thầu để triển khai, 2 nhà văn hóa còn lại đã phê duyệt chủ trương và chuẩn bị đầu tư. Đối với nhà văn hóa huyện, hiện đã đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn, với quy mô trên 10 nghìn m2, tổng mức đầu tư trên 80 tỷ đồng.

Còn tại huyện Mê Linh, Chủ tịch UBND huyện cho biết, khi mới về Hà Nội, hạ tầng của huyện còn thiếu, đến nay huyện đã hoàn thành xây dựng nhà văn hóa tại 84/99 thôn; 15 nhà văn hóa còn lại huyện sẽ hoàn thành trong năm 2022. Ngoài ra, đối với nhà văn hóa xã, thị trấn, huyện đang tập trung chỉ đạo trong 6 tháng cuối năm 2022, năm 2023 và 2024 sẽ hoàn thành xây dựng 12 nhà văn hóa xã; 6 nhà văn hóa xã còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2025.

Đối với 94 tòa không có diện tích bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng, Sở đã rà soát, bố trí, thu hồi phần diện tích kinh doanh dịch vụ để chuyển đổi công năng sang nhà sinh hoạt cộng đồng. Hiện nay, 73 tòa hoàn thành việc bố trí chuyển đổi. 8 tòa đang tiếp tục rà soát để bố trí chuyển đổi và hoàn thành chậm nhất trong quý IV/2022...

Trả lời về nhóm nội dung này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Thành phố đã tăng thêm 60 nhà văn hóa cấp xã, 508 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Hiện còn thiếu 40 nhà văn hóa, trong đó 23 nhà văn hóa vướng mắc chưa có địa điểm triển khai, 17 nhà văn hóa chưa có thủ tục bố trí vốn để triển khai dự án.

Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng cho biết, tuy được quan tâm, nhưng còn một số đơn vị thiếu thiết chế văn hóa, trong khi công tác quản lý, sử dụng các thiết chế còn một số bất cập.

Nguyên nhân là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền đối với việc hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao chưa thực sự quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành Thành phố cũng chưa tích cực, dẫn đến chậm tiến độ. Ngoài ra, kinh phí đầu tư từ Thành phố đến cơ sở cũng hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi việc thu hút nguồn lực xã hội, nhất là ở các huyện còn khó khăn...

Để hoàn thành các mục tiêu theo yêu cầu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng cho biết sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp.

Trong đó, tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy các kết quả đạt được, tập trung thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở; rà soát cập nhật quy hoạch văn hóa Hà Nội vào Quy hạch chung của Thành phố. Tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn Thành phố.

Tập trung ban hành các cơ chế chính sách cho các thiết chế văn hóa thể thao, phù hợp với thực tế. Chú trọng khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư các thiết chế văn hóa; ban hành quy chế quản lý, khai thác và hoạt động của các nhà văn hóa cấp xã, thôn, tổ dân phố; ban hành hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn...

Hòa An

Top