Tập trung xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ sản xuất cho nông dân
(Chinhphu.vn) - Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống bà con nông dân. Vì vậy, để chương trình đạt hiệu quả ngày càng cao, Hà Nội cần tập trung rà soát, sớm đề xuất cơ chế, chính sách để hướng tới gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững; khơi thông nguồn lực, hỗ trợ cho hàng triệu nông dân.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, năm 2022 và quý I/2023, cơ quan thường trực chương trình số 04 của Thành uỷ Hà Nội đã tập trung công tác thẩm định huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Theo đó, đến nay Hà Nội có thêm 63 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 38 xã so với kế hoạch Thành phố giao), 15 xã nông thôn mới kiểu mẫu (đạt kế hoạch Thành phố giao).
Ngoài ra, 2 huyện Ứng Hoà và Ba Vì đã đủ điều kiện nên Sở đang tham mưu UBND TP. Hà Nội tổ chức họp Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia bỏ phiếu để trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Huyện Mỹ Đức đã đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ trình Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội để thẩm tra trong tháng 3/2023.
Nhờ thực hiện chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025", đến nay cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế hiện nay. Đối với chương trình OCOP, từ năm 2019 đến nay, Thành phố đã đánh giá được 2.167 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm 5 sao, 14 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao và 780 sản phẩm 3 sao. Tuy nhiên, do thời hạn công nhận sản phẩm OCOP theo quy định 36 tháng nên đã có 296 sản phẩm được chứng nhận từ 2019 đến nay đã hết hạn. Do đó, đến nay Thành phố có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực. Riêng trong năm 2022, Thành phố đánh giá, công nhận được 518 sản phẩm OCOP, tăng 118 sản phẩm so với kế hoạch Thành phố đề ra.
Để tạo điều kiện các sản phẩm OCOP được công nhận, Thành phố cũng quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng. Đồng thời hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP sản xuất kinh doanh đẩy mạnh sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, khuyến khích phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với các loại hình thương mại, dịch vụ điện tử, văn minh hiện đại.
Từ hiệu quả của chương trình xây dựng nông thôn mới nên đến nay, đời sống của người dân nông thôn đã không ngừng được cải thiện. Trong năm 2022 và quý I/2023, Thành phố tập trung giải quyết việc làm cho gần 28.000 lao động, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2022; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 7,5 nghìn người. Công tác đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được các cấp quan tâm thực hiện. Thu nhập bình quân của người nông dân đạt hơn 56,3 triệu đồng/người/năm. Đến đầu năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 0,17%; trong đó, 5 huyện không còn hộ nghèo gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì. Đa số hộ dân có nhà ở kiên cố, khang trang…
Tuy đã đạt được nhiều kết quả nhưng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, đặc biệt là chế biến sâu, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Số lượng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, nên việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Cùng với đó, đời sống của bà con nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, việc đào tạo nghề cho nông dân, nhất là nghề phi nông nghiệp ở những nơi bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo ông Nguyễn Xuân Đại, năm 2023, Hà Nội phấn đấu trình Trung ương công nhận 3 huyện còn lại (Ứng Hoà, Ba Vì, Mỹ Đức) đạt chuẩn nông thôn mới, cũng như hoàn thiện hồ sơ 5 huyện (Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Thanh Oai) đề nghị Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Toàn Thành phố có thêm 61 xã nông thôn mới nâng cao và 33 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tăng trưởng nông nghiệp từ 2,5 - 3%. Thu nhập bình quân của người dân đạt 70 triệu đồng/người/năm.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, trong những quý tiếp theo của năm 2023, các địa phương cần phấn đấu để hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Đối với vấn đề tổ chức sản xuất, đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội tập trung rà soát, sớm đề xuất cơ chế, chính sách để hướng tới gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn và bền vững. Nhất là việc khơi thông nguồn lực, hỗ trợ sát sườn cho hơn 4 triệu nông dân của Thủ đô. Bên cạnh đó, cần căn cứ các nghị quyết của Trung ương, Hà Nội sẽ nghiên cứu, đề xuất HĐND TP. Hà Nội sửa đổi Nghị quyết số 10/NQ-HĐND theo tinh thần là hướng về cơ sở, hướng về người nông dân, để cơ chế, chính sách đi vào thực tiễn.
Thiện Tâm