Thách thức trong phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt

25/03/2018 1:16 PM

(Chinhphu.vn) – Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hiện vẫn được coi là một trong những giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội. Trang tin điện tử Thủ đô Hà Nội xin đăng tải nghiên cứu và đề xuất của TS. Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm Giao thông đô thị và nông thôn- Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải và TS. Vũ Ngọc Trụ, Trường Đại học Xây dựng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho loại hình vận tải này.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê đến năm 2017, Hà Nội có dân số là 7,6 triệu người, chưa kể dân vãng lai theo ước tính lên đến 1,7 triệu người. Hệ thống đường giao thông trong khu vực vành đai 1 chủ yếu là đường phố hẹp, mặt cắt ngang dưới 7m chiếm trên 70%. Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông vận tải, tỷ lệ đường có khả năng lưu thông xe buýt khoảng 1.947km/3.974km toàn Thành phố. Hiện có 1.546 xe buýt các loại đang vận hành khai thác hàng ngày trong đó xe buýt loại vừa và lớn chiếm 96%, loại nhỏ (24 chỗ) chiếm 4%.

Trong tương lai, sự hoàn thiện dần của các tuyến đường sắt đô thị sẽ giảm bớt sức ép lên mạng lưới xe buýt và kỳ vọng giải tỏa ùn tắc giao thông trên diện rộng cho thành phố Hà Nội. Sự hiện diện của những luồng xe buýt cỡ lớn trong các tuyến phố nhỏ chật hẹp gây nên sự ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên nhiều tuyến phố do đó cần có những giải pháp tháo gỡ phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trong nội thành Hà Nội. 

Trong những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã chú trọng hơn đến việc cải tạo các nút giao thông nội đô, xây dựng các cầu vượt nội thị nhằm giải tỏa ách tắc giao thông cục bộ như nút giao trên các tuyến đường Láng, Láng Hạ, Trần Khát Chân…  

Bên cạnh việc đầu tư mạnh mẽ cho phát triển kết cấu hạ tầng, cùng với đó là phát triển hệ thống vận tải gồm thay thế các xe lambro, xe khách, xe buýt cũ nát những năm thập niên 90 với sản lượng rất thấp 10.000-12.000 khách/ngày bằng các xe buýt hiện đại đạt tiêu chuẩn EURO 2, 3, 4. Các luồng tuyến cũng đã được cơ cấu đa dạng, điều chỉnh tần suất và thời gian hoạt động linh hoạt phù hợp nhu cầu đi lại của từng nhóm đối tượng. phạm vi hoạt động của xe buýt cũng rộng hơn, kết nối không chỉ nội đô mà cả với các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên. Với những cải cách toàn diện, trong những năm gần đây sản lượng VTHKCC bằng xe buýt đạt khoảng 1,2 triệu HK/ngày. Tuy nhiên để phát triển hệ thống VTHKCC trở thành lực lượng vận tải chủ lực, vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức:

Trước hết phải kể đến tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng, số điểm ùn tắc giao thông đô thị gia tăng về số lượng cũng như mức độ (chủ yếu trên 80% tập trung trong khu vực trung tâm thành phố), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến  tần suất phục vụ và thời gian phục vụ trên các luồng tuyến xe buýt.

Sản lượng VTHKCC bằng xe buýt sụt giảm qua các năm gần đây với tốc độ khoảng 5%-6%/năm cho thấy tính hấp dẫn của VTHKCC bằng xe buýt đã giảm dần. Cụ thể giai đoạn 2000-2009 sản lượng tăng mạnh nhất từ 10,69 triệu HK/năm đến 2009 đã đạt 413,1 triệu HK/năm (gấp khoảng 38,6 lần). Giai đoạn 2010-2015 tăng từ 462 triệu HK/năm lên 468,9 triệu HK/năm và nhiều năm tăng lên giảm xuống trong giai đoạn trên cho thấy sản lượng giai đoạn này có nhiều bất ổn. Từ 2016 đến nay, sản lượng cũng vẫn tiếp tục có xu hướng giảm [1]. Điều này cho thấy những nỗ lực của Chính quyền Thành phố trong việc giảm dần sự tham gia của phương tiện xe cá nhân là chưa đạt hiệu quả.

Mạng lưới tuyến xe buýt hiện nay cũng tồn tại nhiều bất cập, chức năng của các tuyến buýt hiện nay chưa được định hình rõ ràng như: tuyến xuyên tâm, tuyến hướng tâm, tuyến vòng tròn… Hệ số trùng tuyến của mạng lưới cao, khả năng tiếp cận trong bán kính tối ưu của người dân khu vực trung tâm với bán kính tiếp cận từ 1,3km-1,5km là chưa thu hút nhu cầu sử dụng. Sự gia tăng mật độ dân số tại các khu đô thị mới là một trong  các lý do cần phải điều chỉnh mạng lưới, bố trí tăng cường các tuyến buýt gom khai thác trong khu vực các tuyến phố nhỏ hẹp của Hà Nội tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Đồng thời, số km đường bố trí xe buýt chạy/km đường đủ điều kiện khai thác buýt chỉ đạt khoảng 48,9% bình quân chung toàn thành phố. Riêng đối với khu vực Trung tâm (nội đô) chỉ đạt khoảng 34% tức là còn rất nhiều không gian để phát triển các tuyến buýt gom khu vực trung tâm.

Sự hạn chế về quỹ đất trong nội đô dẫn tới việc cải thiện tính tiện nghi và an toàn cho các điểm dừng, đỗ xe buýt,… là rất khó khăn. Ở nhiều vị trí không bố trí được nhà chờ cho khách ở các điểm dừng, nhiều tuyến đường hẹp nên không bố trí đủ các vạch sơn phân làn, phân luồng cho các phương tiện khi xe buýt dừng đỗ, gây ùn tắc cho dòng giao thông và gây nguy hiểm cho người lên xuống xe buýt.

Về cơ cấu phương tiện, chủng loại phương tiện chủ yếu là phương tiện cỡ lớn, cồng kềnh ít thích hợp với những tuyến phố hẹp. Kích cỡ xe buýt cũng cần phải điều chỉnh cho hợp lý để tương đồng với mật độ và tình trạng đường đô thị hiện hữu theo xu hướng phát triển các tuyến buýt trục chính, tuyến vòng cung với xe buýt sức chứa lớn và điều chỉnh các xe buýt trung bình và buýt nhỏ tham gia kết nối trong khu vực nội đô lịch sử và phù hợp với điều kiện hạ tầng đường xá chất hẹp và giảm ùn tắc giao thông.

Theo số liệu thống kê của Sở GTVT Hà Nội thì số lượng xe buýt là 1.546 xe (7/2016) và nhiều xe cũ tuổi đời trên 10 năm (chiếm 34%). Trong xu hướng nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng, thì việc đầu tư phương tiện mới thay thế xe cũ, chuyển đổi loại nhiên liệu thân thiện môi trường và giảm thiểu phát thải khí nhà kính cũng tạo nên những áp lực cần thiết cho chính quyền thành phố và các bên liên quan. Cơ cấu phương tiện còn bất hợp lý, trong tổng số 1.546 xe có 96% là xe buýt sức chứa trung bình và sức chứa lớn, còn lại số xe buýt có sức chứa nhỏ chiếm thấp 4% và là sức chứa trên 24 chỗ. Như vậy, có thể thấy rằng các loại xe buýt nhỏ hơn (mini bus hoặc micro bus) là chưa có trong cơ cấu đoàn phương tiện hiện nay và cần xem xét với các dạng đô thị phụ thuộc xe máy, hệ thống đường nhỏ hẹp như nội đô thành phố Hà Nội.

Do vậy, để thực hiện được chủ trương phát triển VTHKCC của Đảng bộ, Chính quyền thành phố Hà Nội đặt ra thì cần có những giải pháp đa dạng trong việc định hình và phát triển hệ thống xe buýt nhằm đáp ứng được chỉ tiêu phát triển VTHKCC đảm nhận 25%-35% vào năm 2020 như trong Quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô đề ra.

Bài tiếp theo: Minibus – Sẽ hiệu quả nếu quản lý tốt

TS. Phạm Hoài Chung - TS. Vũ Ngọc Trụ

 

Top