Tháng 8: Thị trường UPCOM sôi dộng, thị trường phái sinh sụt giảm

12/09/2022 1:26 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), thị trường UPCoM tháng 8/2022 có diễn biến giao dịch sôi động với sự gia tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị giao dịch, còn thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục có diễn biến sụt giảm.

Tháng 8: Thị trường UPCOM sôi dộng, thị trường phái sinh sụt giảm  - Ảnh 1.

UPCOM: Khối lượng giao dịch tăng 22,61%

Khối lượng giao dịch (KLGD) bình quân đạt xấp xỉ 55,03 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch (GTGD) bình quân đạt hơn 941 tỷ đồng/phiên, tăng lần lượt 22,61% về khối lượng giao dịch và 26,81% về giá trị giao dịch so với tháng trước.

Trong đó, phiên giao dịch ngày 26/08 được ghi nhận là phiên có KLGD cao nhất trong tháng với 87,65 triệu cổ phiếu được giao dịch, tăng 25,7% so với mức cao nhất của tháng trước và phiên giao dịch ngày 11/08 có GTGD cao nhất tháng đạt hơn 1,2 nghìn tỷ đồng.

Chỉ số UPCoM Index tăng điểm mạnh ngay trong tuần đầu của tháng, đạt mức cao nhất 93,59 điểm vào ngày 25/8/2022 và đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng đạt 92,44 điểm, tăng 3,16% so với tháng trước.

Về giá giao dịch của các cổ phiếu, tăng giá mạnh nhất là mã chứng khoán  CFV của CTCP Cà phê Thắng Lợi với giá đóng cửa cuối kỳ đạt 22.700, tăng hơn 183% so với giá đóng cửa đầu kỳ. Đứng thứ 2 trong danh sách tăng giá là mã chứng khoán BTH của CTCP Chế tạo Biến thế và Vật liệu điện Hà Nội với giá đóng cửa cuối kỳ đạt 22.500, thay đổi tăng hơn 136%. Ngoài ra trong nhóm những mã chứng khoán tăng giá mạnh nhất còn có các cổ phiếu nổi bật khác là DXL của CTCP Du lịch và Xuất nhập khẩu Lạng Sơn, TAW của CTCP Cấp nước Trung An, HD2 của CTCP Đầu tư Phát triển nhà HUD2.

Về khối lượng giao dịch, 5 cổ phiếu được được giao dịch nhiều nhất tháng 8 là BSR, SBS, VHG, C4G, OIL với khối lượng giao dịch lần lượt là 242 triệu, 79 triệu, 62 triệu, 41 triệu, 39 triệu cổ phiếu.

Về đối tượng nhà đầu tư tham gia thị trường, trong tháng 8, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm mạnh với tổng KLGD đạt 26,5 triệu cổ phiếu, giảm 16% so với tháng trước, GTGD đạt hơn 929 tỷ đồng, giảm 9% so với tháng trước. Trong đó, giá trị mua vào đạt 365 tỷ đồng và bán ra 594 tỷ đồng, tính chung trong tháng 8/2022, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 228 tỷ đồng. Các cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất là QNS, ACV, LTG, BSR, VEA với KLGD lần lượt là 1,3 triệu, 1,1 triệu, 827 nghìn, 747 nghìn, 651 nghìn cổ phiếu. Các cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài bán nhiều nhất là BSR, QNS, VEA, QTP, CSI với KLGD lần lượt là 11,9 triệu, 3 triệu, 549 nghìn, 317 nghìn, 300 nghìn cổ phiếu. Hoạt động tự doanh của các CTCK thành viên trong tháng 8/2022 có GTGD đạt 129 tỷ đồng, trong đó giá trị mua ròng đạt 26 tỷ đồng.                    

Thị trường UPCoM tháng 8 đón nhận thêm 8 doanh nghiệp ĐKGD mới, đồng thời cũng có 07 doanh nghiệp hủy ĐKGD, tại thời điểm cuối tháng 8/2022, tổng số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường đạt 858 doanh nghiệp, giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 390 nghìn tỷ đồng. Giá trị vốn hóa thị trường tại ngày 31/8/2022 đạt 1,22 triệu tỷ đồng, tăng 1,82% so với tháng trước.

Thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục có diễn biến sụt giảm

Thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục có diễn biến sụt giảm trong tháng 8/2022. Khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng VN30 đạt 195.967 hợp đồng/phiên, giảm 15,87% so với tháng trước, tương ứng giá trị giao dịch (theo danh nghĩa hợp đồng) bình quân đạt 25.014 tỷ đồng, giảm 12,31% so với tháng trước. Trong đó, phiên giao dịch ngày 31/08/2022 có khối lượng giao dịch đạt mức cao nhất trong tháng, đạt 261.372 hợp đồng.

Đáng chú ý, mặc dù khối lượng giao dịch giảm, nhưng khối lượng mở (OI) hợp đồng tương lai vẫn tăng 4,99% so với tháng trước, đạt 42.241 hợp đồng tại phiên giao dịch cuối tháng 8/2022. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 17/8/2022 có OI đạt 65.760 hợp đồng, đây là mức OI cao nhất kể từ khi thị trường đi vào hoạt động.

Trong tháng 8/2022, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng nhẹ so với tháng 7/2022, chiếm 1,71% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.

Đối với sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, loại sản phẩm kỳ hạn 5 năm có KLGD 760 hợp đồng, tương ứng giá trị giao dịch theo danh nghĩa 810,15 tỷ đồng, loại kỳ hạn 10 năm không có giao dịch. Khối lượng OI hợp đồng tương lai TPCP tại thời điểm cuối tháng 8/2022 là 0 hợp đồng.

Các giao dịch hợp đồng tương lai TPCP trong tháng 8 đều được thực hiện bởi các nhà đầu tư tổ chức, trong đó tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chiếm 50%. 

Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh vẫn tiếp tục tăng so với tháng trước. Tại thời điểm cuối tháng 8/2022, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 1.081.386 tài khoản, tăng 2,53% so với tháng trước. 

Huy Thắng

Top