Thăng trầm nghề đàn Đào Xá

09/11/2015 8:13 AM

(Chinhphu.vn) - Một thời nổi tiếng với nghề làm nhạc cụ dân tộc truyền thống, nhưng giờ đây làng nghề làm đàn Đào Xá, xã Đông Lỗ (Ứng Hòa) đang đứng trước nguy cơ mai một. Ước muốn duy trì, gìn giữ "tổ nghiệp" đang trở thành nỗi trăn trở của những người làm nghề độc đáo và công phu này.

 

Nghệ nhân Đào Văn Soạn, người giữ lửa làng nghề làm đàn Đào Xá.

Đến Đào Xá trong những ngày đầu tháng 11, không khí thật yên bình. Khác với sự nhộn nhịp của các làng nghề, đi dọc con đường bê tông của làng thi thoảng mới thấy bóng dáng người, xe. Vừa cẩn thận sửa những phím đàn, nghệ nhân Đào Văn Soạn cho biết: Cách đây ngót 200 năm, cụ Đào Xuân Lan, vốn là thợ mộc nhưng rất say mê sửa chữa và làm ra các cây đàn. Sau bao nhiêu năm bôn ba học nghề làm đàn của người phương Tây, phương Bắc, về làng cụ truyền dạy cho con cháu để lúc nông nhàn có việc làm kiếm thêm thu nhập. Bây giờ người Đào Xá tôn cụ Đào Xuân Lan là "tổ nghề".

Nhờ có nghề, người Đào Xá đi khắp nơi, làm việc ở hầu hết các cơ sở sản xuất nhạc cụ dân tộc của cả nước. Với cái cưa, cái đục, cái bào và nguyên liệu là gỗ, dây đàn, người thợ Đào Xá đã cho ra đời hàng triệu nhạc cụ là đàn nguyệt, đàn đáy, đàn bầu, đàn thập lục, đàn ghi ta, đàn tỳ bà… Tất cả các sản phẩm của làng Đào Xá đều được các nghệ sĩ dân gian, trường dạy âm nhạc truyền thống, đội văn nghệ chuyên nghiệp lựa chọn sử dụng.

Theo nhận xét của các nhạc công, không thể chơi một bản nhạc hay nếu như nhạc cụ kém chất lượng. Nên đối với các nhạc công, chọn được cây đàn chất lượng cũng giống như tìm được báu vật, người bạn tri kỷ. Còn đối với người làm nghề, để cho ra đời cây đàn như ý thì khâu đầu tiên là lựa chọn nguyên liệu. Gỗ làm thành đàn, cần đàn phải là gỗ trắc; gỗ làm mặt đàn phải là gỗ vông (có nơi gọi là cây ngô đồng). Gỗ xẻ ra phải làm khô kiệt nước trước khi sử dụng để tránh co ngót, cong vênh; phím đàn phải làm bằng tre già; sử dụng sơn ta để gắn các bộ phận đàn với nhau…

Hiện nay, máy móc có thể tham gia một số công đoạn nhưng cơ bản người thợ vẫn phải làm thủ công từ vào khuôn làm hộp đàn, ghép cần, làm phím, lên dây... đến khâu cuối cùng là tráng sơn, trang trí họa tiết, hoa văn. Cây đàn đạt yêu cầu chất lượng thì khâu thẩm âm là quan trọng nhất. Nhưng điều lạ là cả làng Đào Xá rất hiếm người biết nhạc lý, tất cả đều thẩm âm bằng kinh nghiệm, bằng niềm say mê…

Nghề làm đàn của Đào Xá hiện đang đứng trước nguy cơ mai một. Một thời, nhiều khách trong Nam ngoài Bắc tìm về Đào Xá mua đàn nhưng bây giờ, lượng người cứ thưa thớt dần. Trước đây, hầu hết số hộ trong làng làm nghề thì hiện nay, số hộ còn sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lý giải về sự teo tóp này, nhiều người Đào Xá cho rằng: Do nhu cầu thưởng thức các loại hình âm nhạc truyền thống đang có xu hướng thu hẹp nên nghề làm đàn cũng bị ảnh hưởng theo. Thêm nữa, lớp trẻ của làng Đào Xá bây giờ cũng không hứng thú học nghề truyền thống do thời gian học kéo dài hàng năm trời, lại gò bó bởi các đòi hỏi kỹ thuật, đến khi thạo nghề lại khó kiếm sống bằng nghề. Một nguyên nhân khác, sản phẩm của làng Đào Xá hiện chưa có thương hiệu nên bị tư thương ép giá. Vì vậy, nỗi lo một ngày nào đó làng nghề làm đàn ở Đào Xá sẽ mai một đang canh cánh trong lòng của những nghệ nhân nơi đây.

Kim Nhuệ (Báo HNM)

Top