Thanh toán không dùng tiền mặt: Tiền đề phát triển kinh tế số
(Chinhphu.vn) - Không cần dùng tiền mặt, không cần thẻ, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, khách hàng có thể thực hiện thanh toán đơn hàng nhanh chóng, tiện lợi… Đây là tiền đề để TP. Hà Nội đẩy mạnh việc phát triển kinh tế số nhằm phấn đấu tới năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GRDP của Thành phố.
Mã QR xuất hiện ở mọi nơi
Thanh toán không tiền mặt đã được thực hiện ở mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ và trong đời sống hằng ngày của người dân Thủ đô. Các hàng quán dọc các con phố ở Hà Nội đều xuất hiện những mã QR từ quán cà phê, quán ăn, thậm chí là những sạp hàng nhỏ.
Chị Nguyễn Minh Thu, chủ một quán ăn trên phố Đội Cấn (quận Ba Đình) cho biết, từ sau dịch COVID-19, hầu hết khách mua hàng đều thanh toán không sử dụng tiền mặt, kể cả đơn hàng vài chục nghìn tới vài trăm nghìn.
"Để thuận tiện cho khách thanh toán tôi dã in, dán mã QR Code tại bàn, trước quầy, trước cửa hàng và ở vị trí khách dễ xem nhất, hình thức thanh toán này rất tiện lợi cho cả người bán và người mua", chị Thu vui vẻ nói.
Mới đây, quận Hoàn Kiếm được TP. Hà Nội chọn để thí điểm xây dựng các tuyến phố không dùng tiền mặt, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hướng đến tiêu dùng văn minh, hiện đại.
Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, Hoàn Kiếm là một trong các đơn vị dẫn đầu về thu ngân sách của thành phố với các khoản thu thuần túy là tài chính, thương mại, dịch vụ, vì vậy, việc thanh toán không tiền mặt là nhu cầu tự nhiên của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quận.
"Quận sẽ chọn những tuyến phố đặc thù như phố đi bộ, phố sách, phố ẩm thực, một số trung tâm thương mại, chợ truyền thống… để gắn biển công nhận "tuyến phố không dùng tiền mặt", từ đó nhân rộng trên địa bàn", Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết.
Tại quận Ba Đình, mỗi sạp hàng của tiểu thương tại chợ Vĩnh Phúc đều đặt sẵn mã QR. Chị Trần Thị Mơ, tiểu thương chợ này chia sẻ, gần như toàn bộ quầy hàng, kể cả người lớn tuổi đều đã chủ động mở tài khoản ngân hàng, in mã QR để khách thanh toán.
"Giờ khách hàng chẳng mấy ai trả tiền mặt, mua cọng hành, mớ rau vài nghìn đồng họ cũng chuyển khoản rồi. Tôi thấy hình thức này khá tiện lợi, vì không phải chuẩn bị tiền lẻ nhiều để trả khách hàng như trước", chị Mơ nói.
Tương tự, tại huyện Đông Anh, tuyến phố 4.0 "Thanh toán không dùng tiền mặt" đã được triển khai đồng loạt tại các điểm chợ, siêu thị trên địa bàn xã Vân Hà và xã Cổ Loa. Theo đó, các tiểu thương, hộ kinh doanh được hỗ trợ tạo tài khoản, mã QR thanh toán trực tuyến. Đồng thời, hướng dẫn những kiến thức cơ bản về thanh toán điện tử.
Chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh
Thanh toán không dùng tiền mặt dần trở thành thói quen tiêu dùng mới của người dân. Lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong tiến trình tiến tới kinh tế số, xây dựng thành phố thông minh.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Hà Nội và Sở Công Thương cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua đã diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh.
Một số chỉ tiêu đạt được như tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch điện tử ước đạt 45%; tỷ lệ thanh toán hóa đơn tiền nước không dùng tiền mặt đạt 96,67%; tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 99,9%…
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người dân, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các sở, ngành đã kết hợp với các đơn vị liên quan tổ chức một cách bài bản và toàn diện các chương trình nhằm phát triển thương mại không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố.
Sở Công Thương Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân và tổ chức cá nhân doanh nghiệp hiểu rõ tác dụng của thanh toán không tiền mặt. Trong đó nhấn mạnh vào quyền lợi của người tiêu dùng về việc minh bạch thông tin, mua sắm an toàn theo phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam (15/3).
Cụ thể như việc thanh toán không tiền mặt mang lại nhiều lợi ích. Người tiêu dùng và người bán không lo nguy cơ tiền giả, không mất thời gian tìm tiền trả lại, càng không cần phải cầm nhiều tiền mặt.
Sở cũng khuyến khích các đơn vị niêm yết rõ thông tin sản phẩm, giá bán sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tính năng và hướng dẫn sử dụng, đồng thời giải đáp thắc mắc cho khách hàng; xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, xây dựng nét đẹp văn hóa trong tiêu dùng của Thủ đô ngày càng văn minh.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, với quyết tâm đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu đặt ra của Hà Nội đến năm 2025 là số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20%-25% hằng năm, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nội khoảng 30%.
Theo kế hoạch về việc chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng 2030, Thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực.
Đồng thời, triển khai hiệu quả các kế hoạch phát triển hóa đơn điện tử, biên lai điện tử. Khuyến khích các ngân hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng trên địa bàn thành phố đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển, cung ứng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp…
Bích Phương