Tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, cấp quyền sử đụng đất

30/10/2021 11:18 AM

(Chinhphu.vn) - Trong 5 năm, việc thực hiện các nội dung liên quan nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội đã có sự thay đổi tích cực. TP. Hà Nội hiện đang triển khai giám sát các nội dung này để tháo gỡ khó khăn, khắc phục những hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm sau quá trình thực hiện.

Các sở, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến lĩnh vực giải phóng mặt bằng

Bố trí tái định cư trên 6.800 hộ, giao đất cho trên 40.500 hộ

Năm 2016, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15/9 về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” và Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1/9 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Ngay sau khi Nghị quyết số 08-NQ/TU được ban hành, UBND TP. Hà Nội đã có kế hoạch triển khai với mục đích nhanh chóng đưa Nghị quyết vào thực tiễn, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực thi công vụ tại UBND cấp huyện và các sở, ngành và kết quả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại mỗi dự án; bảo đảm tốt hơn lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi phải đi chuyển, giải phóng mặt bằng. Đồng thời giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tại các dự án có quy mô thu hồi đất lớn, thời gian thực hiện kéo dài, hạn chế khiếu kiện thi tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng.

Sau 5 năm triển khai, Thành ủy Hà Nội đã thành lập các đoàn giám sát để kiểm tra thực hiện nội dung Nghị quyết và Chỉ thị tại các sở, ngành, địa phương. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng đoàn giám sát số 1 cho biết, qua các cuộc giám sát để Ban Thường vụ Thành ủy tổng hợp, đánh giá lại kết quả 5 năm triển khai thực hiện và phát hiện những tồn tại, hạn chế để tháo gỡ cho các sở, ngành, địa phương.

Sở Tài chính Hà Nội là đơn vị được giao chủ trì cùng các sở liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho các quận, huyện, thị xã được trích lại một phần tiền sử dụng đất thu từ đấu giá quyền sử dụng đất để tạo quỹ đất, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tổ chức đấu giá tiếp; cùng các sở, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế hỗ trợ bằng tiền cho người dân tự lo nhà ở tái định cư… Đến nay, Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ngành, quận huyện tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng đối với các dự án trọng điểm nhưu: Khu liên hợp xử lý rác thải Sóc Sơn; Dự án đường vành đai 1, 2, 3 và mở rộng đường Phạm Văn Đồng... Kết quả, giai đoạn 2016 - 2020, các quận, huyện thị xã đã thu hồi đất và giải phóng mặt bằng đối với trên 148.400 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. 

Đối với xây dựng và bố trí tái định cư giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã thực hiện tái định cư cho trên 6.880 hộ (gồm trên 2.500 hộ tái định cư bằng đất, trên 1.300 hộ tự lo tái định cư bằng tiền, treeb 2.900 hộ tái định cư bằng nhà chung cư).

Về giao đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp, tính đến hết tháng 8/2021, trên địa bàn Thành phố đã giao đất cho trên 40.500 hộ (tăng trên 18.100 hộ so với giai đoạn 2006 - 2015), với diện tích đất đã giao là trên 403 ha (đạt 80,42%) và số hộ chưa giao cho trên 9.800 hộ, tương ứng với diện tích 139 ha.

Nhiều kết quả khả quan của các địa phương

Quá trình giám sát tại các địa phương cho thấy, trong 5 năm qua, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng trên địa bàn một số quân, huyện đạt nhiều kết quả khả quan. Trong quá trình giải phóng mặt bằng đều tổ chức họp dân thông báo kế hoạch và phổ biến chính sách, quy định của Nhà nước; công khai dự thảo phương án, tiếp thu ý kiến của người dân về dự thảo phương án, khi có quyết định phê duyệt phương án đều niêm yết công khai tại trụ sở UBND các xã, thị trấn, nhà văn hoá các thôn, tổ dân phố và gửi trực tiếp đến từng hộ gia đình, các nhân có đất bị thu hồi.

Tại địa bàn huyện Quốc Oai, thực tiễn phát triển của huyện trong những năm qua cho thấy có tốc độ đô thị hóa nhanh, quy hoạch phát triển đô thị ngày càng được mở rộng. Số dự án phải thực hiện thu hồi đất, tiến độ thực hiện dự án trên địa bàn huyện là 75 dự án, số diện tích hơn 740 ha; trong đó số dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng là 48 dự án, diện tích 86,9 ha; số dự án đang thực hiện giải phóng mặt bằng là 27 dự án với diện tích trên 653 ha, đã thực hiện trên 437 ha, đang thực hiện 216 ha.

Đến nay, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở của huyện Quốc Oai từ 70% năm 2016, đến nay lên 87,5% so với tổng số thửa đất (52.106/59.580 thửa đất) và 95,6% số thửa có khả năng đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận (52.106/54.468 thửa đất), cấp giấy chứng nhận đất nông nghiệp cơ bản đã hoàn thành. 

Về  giao đất dịch vụ cho các hộ dân, trên địa bàn huyện Quốc Oai hiện có 9 dự án đất dịch vụ (đất ở). Kết quả đến nay, ngoài dự án đất dịch vụ (đất ở) tại xã Đồng Quang chưa triển khai đầu tư hạ tầng kỹ, 8 dự án đất dịch vụ (đất ở) còn lại đã được Thành phố ban hành quyết định thu hồi đất, giao đất để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đã tạm giao đất trên thực địa cho 2.899 hộ gia đình, cá nhân với diện tích trên 100.500 m2 tại các xã: Phượng Cách, Yên Sơn, Ngọc Liệp, Nghĩa Hương, Sài Sơn và thị trấn Quốc Oai.

Trong giai đoạn từ năm 2016-2021, huyện Gia Lâm đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, giải phóng mặt bằng cho 115 dự án, với diện tích 817,5ha, liên quan đến 15.447 hộ dân, số tiền chi trả 5.342,54 tỷ đồng. Các dự án được bảo đảm tiến độ, góp phần quan trọng đối với quá trình đô thị hóa. Về  giao đất dịch vụ cho người bị thu hồi đất trên địa bàn, đến nay đã giao đất cho 205/221 hộ, đang giải quyết 16 hộ.

Về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trên địa bàn huyện Gia Lâm đã đạt tỷ lệ 99,4%, còn 10.036 trường hợp chưa được cấp. Kết quả cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp đạt 98,2%, còn 166 trường hợp không đủ điều kiện cấp đổi.

Tại quận Tây Hồ, đến nay, công tác kê khai đăng ký đất đai lần đầu và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn quận cơ bản được hoàn thành. Từ tháng 10/2016 - 8/2021, tổng số dự án phải thực hiện thu hồi đất trên địa bàn quận là 80 dự án, với diện tích trên 204 ha. Quận đã ban hành 1.673 thông báo thu hồi đất và phê duyệt hơn 4.092 phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện các dự án.

Hạn chế chủ yếu còn tồn tại trong giải phóng mặt bằng

Qua quá trình giám sát của các đoàn kiểm tra, các địa phương cũng nêu lên các khó khăn, trong đó hạn chế chủ yếu còn tồn tại trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng. Trong đó, tại huyện Quôc Oai có việc  giá đất ở để bồi thường cho các hộ gia đình, cá nhân chưa sát với giá thị trường nên chưa có sự đồng thuận của các hộ gia đình, cá nhân có đất ở bị thu hồi.

Làm việc với đoàn giám sát số 1, huyện Quốc Oai nêu trên địa bàn chưa có dự án tái định cư dự trữ để thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án có đất ở bị thu hồi. Khu tái định cư Hòa Phú đã giải phóng mặt bằng được khoảng 50ha, thi công dở dang một số hạng mục, hiện nay dừng triển khai và bàn giao cho UBND huyện quản lý, Tuy nhiên việc quản lý gặp khó khăn do giải phóng mặt bằng không tập trung, toàn bộ dự án nằm trong quy hoạch đô thị Hòa Lạc chưa phê duyệt phân khu nên không có cơ sở đề xuất phương án sử dụng…

Làm việc với đoàn giám sát số 4, huyện Gia Lâm cũng kiến nghị với Thành phố quan tâm, xem xét một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quá trình xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Huyện cũng nêu tiến độ thẩm định, phê duyệt các chính sách về giá đất, vị trí tái định cư chậm, dẫn đến tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án bị kéo dài; công tác phối hợp giữa chủ đầu tư, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và các phòng, ban, ngành có liên quan còn hạn chế.

Ngoài ra là cơ chế, chính sách quy định về giải phóng mặt bằng của Nhà nước và thành phố đôi khi chưa phù hợp thực tế, cụ thể như về giá đất ở, việc giao đất tái định cư, dẫn đến người dân có kiến nghị liên quan đến đơn giá bồi thường đất thấp và đề nghị được giao đất tái định cư, do đó đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng một số dự án trên địa bàn huyện...

Tại các cuộc giám sát, Trưởng đoàn giám sát đều đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến lĩnh vực giải phóng mặt bằng.

Đơn cử như quận Tây Hồ cần nhất quán trong việc xây dựng phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tập trung giải phóng mặt bằng các dự, nhất dự án hạ tầng khung. Huyện Quốc Oai cần hoàn thiện kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, triển khai thực hiện các dự án giải phóng mặt bằng theo đúng quy định… Sở Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến lĩnh vực giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, thu hồi đất, bố trí tái định cư...

Các đoàn giám sát cũng yêu cầu các sơ, ngành, địa phương nếu có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo UBND Thành phố để sớm tháo gỡ; tiếp tục phối hợp tốt với các sở ngành liên quan, các quận, huyện kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhất là đối với các dự án mà Thành phố đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.

Hòa An

Top