Tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đưa 05 huyện thành quận

12/08/2024 9:05 AM

(Chinhphu.vn) - Xây dựng, phát triển 05 huyện lên quận là nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2021-2025 của Đảng bộ TP. Hà Nội. Trong năm 2024 các huyện và các sở ngành đã chủ động triển khai, tuy nhiên, hiện nay hồ sơ huyện thành quận chưa đủ điểu kiện để trình theo quy định. Để đạt được mục tiêu đề ra, Thành phố đang tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đưa 05 huyện thành quận- Ảnh 1.

Vành đai 4 đi qua huyện Hoài Đức. Ảnh: VGP/Minh Anh

Một số huyện chưa hoàn thành nhiều tiêu chí đưa huyện lên thành quận

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân, trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Thành phố, các sở, ngành đã tích cực tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án của 05 huyện.

Cụ thể, đến nay, 02 huyện Đông Anh và Gia Lâm đã hoàn thành các tiêu chí (30/31 tiêu chí) và đủ điều kiện theo tiêu chuẩn tối thiểu quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hiện nay, 02 Huyện đang phối hợp với Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Xây dựng xem xét, công nhận các tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập quận, phường, làm cơ sở hoàn thiện Đề án trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án thành lập quận.

Đối với huyện Thanh Trì, huyện Hoài Đức và Đan Phượng, về nhóm tiêu chuẩn "Diện tích tự nhiên" và "Quy mô dân số", cả ba huyện đều đạt của tiêu chí thành lập quận; tuy nhiên, tiêu chí thành lập phường cả 3 huyện đều chưa đạt. Nhóm tiêu chuẩn "Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội" và "Hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị", cả ba huyện cũng chưa đạt 100% tiêu chí thành lập phường, thành lập quận.

Đặc biệt, ở tiêu chí về "Cân đối thu, chi ngân sách" thì cả 02 huyện Thanh Trì, Hoài Đức đều chưa đạt đối với cả cấp huyện và cấp xã (tiêu chí thành lập huyện: huyện Thanh Trì đạt 66%, huyện Hoài Đức đạt 64%).

Riêng với Đan Phượng, đến nay, huyện mới đạt 21/31 tiêu chí cấp huyện, số lượng tiêu chí chưa hoàn thành còn nhiều, phần lớn các xã chưa đạt tiêu chuẩn phường về quy mô dân số, diện tích tự nhiên; Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đan Phượng chưa được phê duyệt; định hướng giao thông trong Quy hoạch chung xây dựng huyện chưa phù hợp với đề án xây dựng huyện Đan Phượng thành quận; các tuyến đường trên địa bàn huyện phần lớn là đường có mặt cắt nhỏ, đường nông thôn qua các khu dân cư, không có khả năng mở rộng đáp ứng tiêu chí đường giao thông đô thị (≥6m mặt đường xe chạy).

Bên cạnh đó, các khu đô thị trên địa bàn huyện chiếm diện tích lớn nhưng một số dự án phát triển đô thị vẫn chưa triển khai đầu tư xây dựng, ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu mật độ đường giao thông đô thị; tiêu chí đất cây xanh công cộng: Các vườn hoa, sân chơi theo quy hoạch trên địa bàn huyện phần lớn có diện tích nhỏ, nằm trong khu dân cư; các dự án công viên cây xanh chiếm diện tích lớn, chưa có nhà đầu tư; Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật…

Về khó khăn, vướng mắc, theo quy định, phạm vi đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đã được công nhận phải trùng với phạm vi dự kiến thành lập đơn vị hành chính đô thị. Hiện tại, thành phố Hà Nội chưa phê duyệt Chương trình phát triển đô thị; Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng vẫn còn diện tích đất nằm ngoài khu vực phát triển đô thị. Trong đó, huyện Đan Phượng là đơn vị khó đáp ứng được yêu cầu quy hoạch đô thị toàn bộ ranh giới huyện. Về thực hiện các tiêu chí, hầu hết các xã của 5 huyện chưa bảo đảm tiêu chí tự cân đối thu, chi ngân sách…

Tập trung giải quyết vướng mắc đưa các huyện lên thành quận 

Tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đưa 05 huyện thành quận- Ảnh 2.

Theo ý kiến của Bộ Xây dựng, thành phố Hà Nội phải rà soát, trình công nhận phân loại đô thị để tháo gỡ khó khăn cho các huyện. Ảnh: VGP/Minh Anh

Trước những khó khăn, vướng mắc, đề xuất của các địa phương về các tiêu chí cụ thể, các thành viên trong Ban Chỉ đạo 05 huyện thành quận của Thành phố đã đưa ra các giải pháp để hoàn thành các tiêu chí, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quy hoạch, cân đối thu chi ngân sách…

Về hồ sơ Đề án thành lập quận, phường của 02 huyện Đông Anh và Gia Lâm, theo ý kiến của Bộ Xây dựng, trong hồ sơ Báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của các khu vực dự kiến thành lập quận, phường, còn thiếu Báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị thành phố Hà Nội với phạm vi nội thành là phạm vi nội thành mở rộng để thành lập quận (gồm 12 quận và 05 huyện thành lập quận). Vì vậy, hiện nay, Sở Xây dựng đang phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và huyện Gia Lâm, huyện Đông Anh hoàn thiện lại hồ sơ đã trình Bộ Xây dựng.

Về rà soát tiêu chí phân loại đô thị thành phố Hà Nội, theo ý kiến của Bộ Xây dựng, thành phố Hà Nội phải rà soát, trình công nhận phân loại đô thị; Bộ Xây dựng đánh giá tiêu chí vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội chưa đạt mức điểm tối thiểu theo quy định.

Hiện nay, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đang khẩn trương nghiên cứu, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở liên quan, rà soát một số nội dung hiện nay Thành phố đang triển khai: Đề án phân loại đô thị thành phố và Báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị,… thuộc nội dung của Đề án phải hoàn thành, được quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi), tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo để hoàn thiện Đề án của huyện Đông Anh và Gia Lâm và các các huyện khác.

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, đối với Đề án của huyện Gia Lâm, theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của huyện đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; phương án thành lập quận và các phường thuộc quận sẽ bị thay đổi từ việc thành lập 16 phường trên cơ sở 22 xã, thị trấn nay sẽ là thành lập 16 phường trên cơ sở nguyên trạng 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Vì vậy, các công việc về tổ chức lấy ý kiến cử tri và thông qua HĐND các cấp sẽ phải thực hiện lại do thay đổi phương án và thay đổi đơn vị hành chính.

Về tiêu chí cân đối thu chi ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho hay, hiện nay, hầu hết các xã của 05 huyện chưa đảm bảo tự cân đối thu, chi ngân sách. Vì vậy Sở Tài chính đang nghiên cứu để tham mưu giải pháp về tiêu chí này. Đặc biệt, đối với Thanh Trì, Hoài Đức thì đây là tiêu chí bắt buộc, 02 huyện đã có các giải pháp tích cực để tăng thu ngân sách: rà soát, đôn đốc các khoản thu, thu hút đầu tư; đang phối hợp với Sở Tài chính, Cục thuế Hà Nội đề xuất với UBND Thành phố các giải pháp phấn đấu dự toán giao năm 2025 cả 02 huyện sẽ đạt tiêu chí này.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 05 huyện thành quận của TP. Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, xây dựng, phát triển 05 huyện lên quận là nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2021-2025 của Đảng bộ Thành phố, trong năm 2024 các huyện và các sở, ngành đã chủ động triển khai; tuy nhiên, hiện nay hồ sơ huyện thành quận chưa đủ điểu kiện để trình theo quy định, do chờ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô. Do đó, trong năm 2024, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh đề nghị các đơn vị tập trung quyết liệt, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Hà Nội phấn đấu ít nhất đến cuối năm 2024 huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm được công nhận thành quận; năm 2025 Thành phố tập trung đưa huyện Thanh Trì và huyện Hoài Đức thành quận.

Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các sở, ngành Thành phố với vai trò đầu mối cơ quan chuyên môn của các Bộ, cơ quan Trung ương để chủ động phối hợp giải quyết những khó khăn, tạo điều kiện cho các huyện hoàn thành các tiêu chí và thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo.

UBND của 05 huyện chủ động phối hợp với các sở, ngành, cung cấp hồ sơ, số liệu phục vụ công tác đánh giá tiêu chí; xây dựng các giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, trong đó chủ động ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách huyện đầu tư xây dựng các công trình, dự án đảm bảo hoàn thành tiêu chí.

Đối với 02 huyện Đông Anh và Gia Lâm phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan hoàn thiện công tác lập hồ sơ Đề án và làm việc với các Bộ, Ngành Trung ương thẩm định. Phấn đấu trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án thành lập quận của huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm vào Quý IV/2024 hoặc đầu Quý I/2025.

Đối với 02 huyện Thanh Trì, Hoài Đức cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án thuộc đối tượng đạt tiêu chí, Đề án; phấn đấu huyện Thanh Trì trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt Đề án thành lập quận vào Quý II/2025 và huyện Hoài Đức vào Quý III/2025. Đối với huyện Đan Phượng, chủ động phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Đề án.

Minh Anh

Top