Tháo gỡ những ‘điểm nghẽn’ để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra

06/07/2022 11:08 AM

(Chinhphu.vn) - Các đại biểu đề nghị, TP. Hà Nội cần tháo gỡ những “điểm nghẽn” dẫn đến nhiều bất cập, chậm trễ, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố; đồng thời tăng cường sự phối hợp, quy rõ trách nhiệm để thực hiện các nhiệm vụ tốt hơn.

Tháo gỡ những ‘điểm nghẽn’ để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch thường trực Phùng Thị Hồng Hà điều hành phiên thảo luận tại hội trường sáng 6/7. Ảnh: VGP/TL

Sáng 6/7, tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND Thành phố thảo luận tại hội trường về: Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của Thành phố; phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế-xã hội trên địa bàn Thành phố; về giao kế hoạch vốn đầu tư công và kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của Thành phố; về tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Thành phố.

Cần cải thiện quy trình, quy rõ trách nhiệm

Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ đại biểu huyện Mê Linh) đề cập đến việc phân cấp quản lý trên địa bàn Thành phố. Đại biểu cho rằng đây là định hướng đúng. Để việc phân cấp phát huy hiệu quả cần có sự tham gia sự đánh giá cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và các quận, huyện.

Đối với vấn đề giao kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu cho rằng, việc giải ngân còn thấp, do đó, cần có quy trình rà soát năng lực cán bộ điều hành.

Liên quan đến việc triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất của Thành phố, đại biểu đề nghị cần làm rõ kết quả đấu giá so với kế hoạch về cả số lượng và số tiền thu để đánh giá mức độ thực hiện. Đồng thời, phải làm rõ vì sao có quận, huyện đấu giá đất đạt kết quả đạt cao trong khi có quận, huyện đạt kết quả thấp, thậm chí là 0%.

Tháo gỡ những ‘điểm nghẽn’ để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra - Ảnh 2.

Đại biểu nêu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: VGP/TL

"Xây dựng Thủ đô kế hoạch 2030, tầm nhìn 2050 có rất nhiều mục tiêu lớn. Đây là một trong những định hướng quan trọng của Thành phố. Rất cần các thế hệ lãnh đạo đột phá, dám chịu trách nhiệm với Thành phố để xây dựng Hà Nội thành Thành phố đáng sống, bền vững, thông minh. Đó là yêu cầu, mong muốn của người dân và là di sản để lại cho thế hệ sau", Đại biểu Phạm Đình Đoàn nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Quang Thanh (Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn) cho rằng, 6 tháng đầu năm được sự quan tâm của Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quốc hội thông qua Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây được kỳ vọng sẽ là 2 động lực lớn để tạo điều kiện phát triển Thủ đô trong dài hạn.

Nêu một số tồn tại được chỉ ra trong báo cáo, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh cho rằng, công tác phối hợp giữa các phòng, ban, đơn vị trên địa bàn Thành phố chưa thực sự hiệu quả. Đây là điểm nghẽn lớn dẫn đến nhiều bất cập, chậm trễ, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố. Do đó, đại biểu đề nghị cần tăng cường sự phối hợp, cải thiện quy trình, quy rõ trách nhiệm và cải cách thủ tục liên quan việc ra quyết định để việc thực hiện các nhiệm vụ của Thành phố tốt hơn.

Đề cập đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Bí thư Huyện uỷ Sóc Sơn Phạm Quang Thanh đánh giá, 6 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân thấp và phần lớn do nguyên nhân chủ quan như quy trình, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, dịch bệnh… Do đó, cần có giải pháp, điều hành linh hoạt hơn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công phục vụ việc phát triển chung Thành phố.

Nêu vấn đề công tác đấu giá đất để thu ngân sách địa phương còn chậm…, đại biểuTrịnh Xuân Quang (Tổ Thanh Xuân) cho rằng, Thành phố đã xác định tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về chính sách pháp luật, những nút thắt cần phải tháo gỡ trong xác định giá đất khởi điểm, song nhiều đơn vị tư vấn e ngại.

Nguyên nhân sâu xa là từ những vướng mắc về chính sách pháp luật, phương pháp xác định giá. Thành phố đã có nhóm các giải pháp, trong đó có kiến nghị Trung ương sửa đổi các chính sách đất đai... Đại biểu cho rằng đây là những đề xuất trúng và đúng. Đồng thời đề nghị, trong quý III/2022, Thành phố cần tập trung hiện thực hóa những đề xuất này để bảo đảm hiệu quả thu ngân sách cho Thành phố…

8 nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến công tác điều hành

Tháo gỡ những ‘điểm nghẽn’ để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Thành phố Hà Minh Hải phát biểu giải trình tại kỳ họp. Ảnh: VGP/TL

Phát biểu giải trình về các ý kiến đại biểu nêu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải đã chỉ ra 8 nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến công tác điều hành của Thành phố, trong đó có những nguyên nhân qua nhiều thời kỳ, có những nguyên nhân mới.

Theo Phó Chủ tịch Thành phố, mặc dù Thành phố đã phân công công việc theo hướng "5 rõ" nhưng quá trình thực hiện vẫn còn chồng chéo, dẫn đến nhiều tầng nấc, đầu mối, khiến nhiều việc tiến độ chậm và hiệu quả không cao.

Bên cạnh đó, bộ quy trình, quy chuẩn, định mức, đơn giá và những quy trình, quy chế được thường xuyên rà soát nhưng tính kịp thời, bổ sung, sửa đổi còn chậm, chưa đáp ứng được nguyên tắc thị trường vì còn vướng nhiều đến cơ chế. Về việc này, Thành phố đang tiếp tục rà soát, đề xuất báo cáo Trung ương, để có cơ chế phân quyền, ủy quyền cho Thành phố nhằm triển khai chủ động hơn.

Nguyên nhân do công tác phối hợp ngang dọc. Việc này dù đã được nhận diện qua các thời kỳ, giai đoạn nhưng quá trình triển khai vẫn còn vướng mắc. Điển hình như Thành phố quy định các nội dung phối hợp từ 5 đơn vị trở lên phải có quy trình, quy chế nhưng khi triển khai nhiều quy trình phối hợp chưa rõ, chưa nhịp nhàng, thông suốt.

Tiếp theo là cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT còn là điểm nghẽn. Dữ liệu còn phân tán. Do đó, khi tập trung báo cáo xây dựng, đánh giá... đều phải gửi văn bản đi xin, ảnh hưởng đến thời gian tiến độ phân tích đánh giá. Đây là điểm cho thấy chúng ta cần phải tâp trung quyết liệt khắc phục.

Ngoài ra còn có những nguyên nhân về thể chế, chính sách; về năng lực tư duy, đặc biệt tư duy phản biện của một bộ phận cán bộ còn yếu. Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát trong đó có các khâu chỉ đao của lãnh đạo chưa kịp thời, chưa quyết liệt, hiệu quả…

Làm rõ thêm một số kết quả của Thành phố, Phó Chủ tịch Hà Minh hải cho rằng, về giải ngân vốn đầu tư công, nguyên nhân đã rõ, còn lại chỉ là cách làm. "Chúng tôi sẽ làm rõ vai trò người đứng đầu. Có cơ chế giám sát đôn đốc. Và ngoài cách làm sẽ xem xét cơ chế, để tháo điểm nghẽn, không để năm nào cũng nêu ra".

Về phân cấp, ủy quyền, Phó Chủ tịch Thành phố cho biết, từ nay tới tháng 9, sẽ  giao các đơn vị phân rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, từ quận huyện đến xã phường bảo đảm đúng theo quy định; sẽ phân cấp mạnh mẽ; các nội dung liên quan đến nguồn lực thì báo cáo HĐND phân cấp, những nội dung nào liên quan đến thủ tục hoặc cần thiết làm thí điểm thì  giao các Sở, ngành, quận, huyện có báo cáo để UBND tổng hợp...

Sớm tổ chức đấu giá trực tuyến để công bằng và minh bạch

Tháo gỡ những ‘điểm nghẽn’ để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Trọng Đông giải trình thêm vấn đề liên quan đến công tác đấu giá, xử lý rác thải. Ảnh: VGP/TL

Giải trình thêm vấn đề liên quan đến công tác đấu giá, xử lý rác thải trên địa bàn Thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, các đại biểu e ngại việc Thành phố ủy quyền giao các quận, huyện thực hiện xác định giá sàn theo hệ số K, nhưng thực ra hiệu quả rất tốt, bởi chúng ta không phải thuê tư vấn và có thể chủ động hơn.

Tuy nhiên, việc tổ chức đấu giá cần quản lý chặt, đúng quy trình, thủ tục, số lượng người tham gia đấu giá có thể nhiều…Thời gian tới,Thành phố sẽ sớm tổ chức đấu giá trực tuyến để công khai, công bằng và minh bạch.

Về nội dung đại biểu nêu về tổ chức đấu thầu dự án sớm, Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Trọng Đông cho rằng, những dự án đủ điều kiện thu hồi đất, chúng ta có thể hoàn toàn lập hồ sơ đấu thầu theo đúng quy định…

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Trọng Đông, với nội dung liên quan đến khu xử lý rác thải, hiện nay Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý đã đưa vào vận hành chạy thử với công suất 800 tấn/ngày đêm, thử nghiệm đến tháng 11/2022. Sau đó chạy đủ công suất 4.000 tấn thô/ngày đêm.

Ngoài ra, Thành phố đã tổ chức khởi công Nhà máy Điện rác Seraphin tại Xuân Sơn, Sơn Tây, Hà Nội với công suất 1.500 tấn/ngày đêm. Dự án sau khi hoàn thành sẽ cơ bản xử lý rác trên địa bàn thành phố theo hướng đốt rác phát điện thay cho chôn lấp; góp phần nâng cao chất lượng môi trường.

Hiện, TP. Hà Nội vẫn tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư vào công tác xử lý rác thải, đặc biệt với các dự án đã có quy hoạch như ở khu xử lý chất thải Đồng Ké, dự án Xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong (huyện Chương Mỹ)…

Thùy Linh

Top