Tháo gỡ ‘nút thắt’ để 5 huyện phát triển lên quận

06/06/2021 10:03 AM

(Chinhphu.vn) - Phát triển 5 huyện thành quận là nhiệm vụ chính trị quan trọng của TP. Hà Nội trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đang nghiên cứu các cơ chế chính sách đặc thù tháo gỡ nút thắt về nguồn lực, giải quyết các cơ chế vướng mắc về đất đai, quy hoạch, hạ tầng… để phát triển 5 huyện lên quận thời gian tới.

Khu Công nghiệp Lai Xá, huyện Hoài Đức. Ảnh: Gia Huy

Đã bố trí trên 10.690 tỷ đồng đầu tư các dự án của 5 huyện

Tháng 9/2018, TP. Hà Nội ban hành đề án phát triển lên quận đối với huyện Hoài Đức với mục tiêu huyện lên quận vào năm 2020 và tháng 10/2019 ban hành đề án phát triển lên quận đối với 4 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng được đặt mục tiêu đến năm 2025.

Thành ủy Hà Nội cũng đã có Quyết định số 949-QĐ/TU vào tháng 4/2021 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của Hà Nội, trong đó Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng Ban chỉ đạo. UBND các huyện cũng đã chủ động, cùng với sự phối hợp, hướng dẫn của các sở, ngành để thực hiện một số nội dung liên quan đến các tiêu chí lên quận.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đến nay có 3 huyện đã đạt tăng thêm được từ 1 đến 3 tiêu chí lên quận. Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách Thành phố đã bố trí trên 10.690 tỷ đồng để đầu tư các dự án trên địa bàn 5 huyện (không tính các dự án giao thông đi qua trên 2 địa bàn).

Về chính sách và bố trí vốn đầu tư, HĐND Thành phố đã quyết nghị cơ chế nguồn vốn đầu tư và cơ chế thu hồi hoàn trả ngân sách Thành phố tương ứng số kinh phí đã bố trí cho 12 dự án hạ tầng khung huyện Gia Lâm. Trong giai đoạn 2016-2020, Thành phố đã phê duyệt đầu tư 6 tuyến đường nhiệm vụ chi cấp Thành phố cho huyện Hoài Đức; đã giao cho huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư đối với 5 dự án nhiệm vụ chi ngân sách cấp Thành phố; giao cho huyện Đan Phượng làm chủ đầu tư đối với 6 dự án nhiệm vụ chi ngân sách cấp Thành phố; giao huyện Đông Anh làm chủ đầu tư và đầu tư bằng Ngân sách của Huyện 4 dự án.

Theo các Đề án đã ban hành, để xây dựng huyện thành quận, có 27 tiêu chuẩn đạt quận, trong đó có 6 tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế xã hội; 21 tiêu chuẩn về trình độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị (gồm 8 nhóm các tiêu chuẩn về hệ thống công trình hạ tầng xã hội, 4 nhóm các tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật đô thị, 05 nhóm các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, 4 nhóm các tiêu chuẩn về kiến trúc cảnh quan đô thị).

Tuy nhiên cho đến nay, cả 5 huyện đều có từ 3 đến 6 tiêu chí chưa đạt; cả 5 huyện đều chưa đạt 2 tiêu chí quan trọng là cân đối thu, chi ngân sách và mật độ đường giao thông đô thị.

Huyện Đan Phượng ngày càng phát triển và đổi mới. Ảnh: Gia Huy

Tháo gỡ khó khăn cho các huyện để thực hiện mục tiêu lên quận

Tại huyện Hoài Đức, theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hoàng Trường, đến nay, thực hiện đề án phát triển lên quận,  huyện đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để triển khai một số dự án hạ tầng khung như: Xây dựng 8 tuyến đường giao thông khung với chiều dài 40,52km; xây dựng 9 tuyến đường trục chính, đường bao các khu dân cư với chiều dài 16km; xây dựng mới 18 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp 16 trạm y tế, xây dựng mới 15 bãi trung chuyển rác thải. 100% số xã, thị trấn có hệ thống cung cấp nước sạch, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 90%... Hiện đã đạt 22/27 tiêu chí để trở thành quận.

Đối với huyện Đông Anh, tháng 11/2020, Bộ tiêu chí hợp nhất xây dựng huyện thành quận, huyện Nông thôn mới nâng cao đã được triển khai, áp dụng trên toàn địa bàn gồm 10 nhóm chỉ tiêu với 32 chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, đã hoàn thành 18/32 chỉ tiêu, chưa hoàn thành 14/32 chỉ tiêu. Huyện thống nhất triển khai thực hiện trên địa bàn ngay từ năm 2021 đối với 7/14 tiêu chí chưa đạt để dần hoàn thành các chỉ tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo định hướng quy hoạch, Thanh Trì là khu vực phát triển đô thị phía Nam Thủ đô. Đối với các tiêu chí xây dựng huyện thành quận, Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường, đến tháng 3/2013, Thanh Trì đã đạt 24/27 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt là cân đối thu chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị và đất cây xanh công cộng. Để hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng huyện lên quận vào năm 2023, huyện Thanh Trì phấn đấu tốc độ tăng thu ngân sách huyện bình quân 12%-14% và đến năm 2023, tỷ lệ cân đối thu chi ngân sách của huyện đạt 99,8%, cơ bản đáp ứng tiêu chí của quận.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, để tạo điều kiện phát triển lên quận, cả 5 huyện đều có đề xuất về cơ chế, chính sách và đầu tư. Cụ thể như đề xuất điều chỉnh tỷ lệ phân cấp nguồn thu và tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa cấp Thành phố với cấp huyện, cấp xã theo hướng tăng cường phân cấp cho cấp huyện, cấp xã nhằm sớm hoàn thiện tiêu chí cân đối thu chi và tạo nguồn đầu tư xây dựng các dự án. Đồng thời kiến nghị Thành phố sớm ban hành phân cấp quản lý một số lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn Thành phố, trong đó có cơ chế đặc thù đối với các huyện đang triển khai xây dựng thành quận nhằm tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án…

Bên cạnh đó đề xuất Thành phố sớm triển khai thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các tuyến đường trục chính, tuyến đường hạ tầng khung tạo tiền đề thu hút, xúc tiến đầu tư và đẩy nhanh quá trình  phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Huyện, sớm hoàn thành các tiêu chí còn chưa đạt.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, đến thời điểm hiện nay, để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành các tiêu chí để 5 huyện thành lập quận còn nhiều khó khăn, thách thức. Đối với tiêu chí “Mật độ đường giao thông đô thị”, kết quả tính đến 31/01/2021, một số huyện có mật độ đường giao thông đô thị thấp và nhu cầu phải có thêm số km đường là huyện Đông Anh, Đan Phượng.

Sau khi rà soát đề xuất của 05 huyện, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình tham mưu, đề xuất đến UBND TP về dự kiến xây dựng Danh mục đầu tư công trung hạn 2021-2025; chỉ đạo các huyện Rà soát lại danh mục các dự án đề xuất Thành phố hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025 để đáp ứng các tiêu chí chưa đạt bám sát theo Đề án đã được duyệt, báo cáo cụ thể theo Đề án, các dự án đã được thực hiện, các dự án chưa được thực hiện và đề xuất vào giai đoạn 2021 - 2025.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đang trong quá trình tham mưu, đề xuất đến UBND Thành phố có chỉ đạo 5 huyện xây dựng rõ lộ trình, giải pháp thực hiện để đạt được các tiêu chí còn chưa đạt hiện nay, dự kiến năm nào hoàn thành Đề án. Báo cáo các Sở liên quan theo chức năng, nhiệm vụ về Danh mục dự án; giải pháp, lộ trình để hoàn thành các tiêu chí lên quận chưa đạt để các Sở tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo, UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo. 

Trong cuộc họp gần đây nhất để thúc đẩy 5 huyện phát triển lên quận giai đoạn 2021 - 2025, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã nêu Thành phố cần có những cơ chế chính sách đặc thù tháo gỡ nút thắt về nguồn lực, giải quyết một loạt các cơ chế vướng mắc về đất đai, quy hoạch, hạ tầng, chuẩn bị đội ngũ cán bộ, có lộ trình cụ thể và ưu tiên cho từng huyện, không thể xếp hàng ngang, huyện mạnh hơn sẽ về đích sớm hơn.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng khẳng định, phát triển 5 huyện lên quận là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố trong giai đoạn 2021-2025. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và các huyện trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Tham mưu UBND thành phố tháo gỡ khó khăn cho các huyện để thực hiện mục tiêu 5 huyện lên quận đối với các tiêu chí đã có.

Hòa An

Top