Thắp sáng niềm tin cho những 'cầu vồng nhỏ'
(Chinhphu.vn) - Không chỉ là những người thầy giáo dục đặc biệt, họ còn là những người “trao yêu thương, trao niềm hy vọng” với những trái tim rộng mở bao dung, yêu thương vô điều kiện và trao cho các em cơ hội bước vào đời với một niềm tin trọn vẹn.
Niềm vui trong từng bước tiến nhỏ bé
Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Cầu Vồng Xanh (tiền thân là Trường Mầm non Cầu Vồng Xanh) được thành lập từ năm 2009, là đơn vị giáo dục tiên phong phát triển về mảng chuyên môn giáo dục đặc biệt dành cho trẻ rối loạn tự kỷ, chậm nói, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ, down, bại não, Hội chứng Cri du chat…
Giữa hàng trăm câu chuyện tại Cầu Vồng Xanh, hành trình của em Phạm G.H là minh chứng đầy cảm động về sức mạnh của tình yêu và sự đồng hành. Cha mẹ bỏ mặc khi vừa chào đời, G.H lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà nội. Nhưng cuộc đời vẫn chưa thôi thử thách em khi lên hai tuổi, em được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ kèm tăng động.
Suốt 9 năm qua, ông Phạm Ngọc Công (quận Ba Đình) - người ông kiên nhẫn và tận tụy, đều đặn đưa cháu đến trung tâm mỗi ngày. Nhờ tình yêu và sự đồng hành của các thầy cô, G.H đã thay đổi từng chút một. Ánh mắt của em dần linh hoạt hơn, đôi bàn tay nhỏ nhắn đã biết giúp ông bà làm những việc nhà đơn giản, và nụ cười ngày một xuất hiện nhiều hơn.
Ông Công xúc động chia sẻ: "Cô Hương đã miễn toàn bộ học phí cho cháu từ những ngày đầu tiên. Nhờ các thầy cô, cháu tôi đã thay đổi rất nhiều. Điều đó là món quà lớn nhất mà gia đình chúng tôi nhận được".
Giáo dục trẻ đặc biệt không chỉ là một công việc, mà là hành trình dài của sự kiên nhẫn và yêu thương vô điều kiện. Cô Nguyễn Thanh Hương, một giáo viên trẻ tại trung tâm chia sẻ: "Công việc của chúng tôi không chỉ là dạy chữ hay kỹ năng. Đó là đồng hành cùng các em trong từng bước nhỏ, từng giấc mơ nhỏ. Và để đạt được điều đó, tình yêu và sự thấu hiểu là điều không thể thiếu".
Mỗi đứa trẻ bước chân vào trung tâm đều mang theo một câu chuyện riêng. Đó có thể là câu chuyện của sự khác biệt, của nỗi đau hoặc của những giấc mơ tưởng chừng bị lãng quên.
Nhưng trong mắt các thầy cô, các em không bao giờ là "vấn đề" cần giải quyết. Các em là những mầm cây non nớt, cần được chăm bón và yêu thương theo cách đặc biệt nhất.
Cô Hương tâm sự: "Để gắn bó với nghề, chúng tôi phải vượt qua không ít áp lực từ gia đình, xã hội, và đôi khi cả chính bản thân mình. Nhưng khi nhìn thấy các em, tôi hiểu rằng mình không thể từ bỏ. Từng ánh mắt hay nụ cười của các em là động lực để chúng tôi tiếp tục bước đi".
Cô Nguyễn Hồng Sinh, người đã dành 12 năm gắn bó với trung tâm cho rằng, niềm vui lớn nhất trong công việc này không đến từ những điều to tát. Đó là khi một em nhỏ lần đầu tiên vẽ được một bức tranh, khi em cất tiếng gọi "cô" hay đơn giản là một nụ cười nhẹ nhàng nhìn thẳng vào mắt cô.
"Mỗi chiến thắng nhỏ ấy là cả một kỳ tích, là thành quả của những ngày tháng bền bỉ gieo trồng", cô Sinh nghẹn ngào nói.
Cũng 12 năm gắn bó tại trung tâm, thầy Đỗ Hồng Phúc hiểu rõ hơn ai hết những thách thức trong việc giáo dục trẻ đặc biệt. Thầy chia sẻ: "Có những ngày, các em phản ứng dữ dội, từ chối mọi nỗ lực của thầy cô. Những tiếng hét, sự chống đối hay ánh mắt bất hợp tác có thể khiến người thầy dễ nản lòng. Nhưng với chúng tôi, đó không phải là thất bại. Đó chỉ là thử thách buộc chúng tôi phải học cách yêu thương sâu sắc hơn, kiên nhẫn hơn, và hiểu các em hơn".
Theo thầy Phúc, để gắn bó với nghề này, người thầy cần hội tụ ba yếu tố quan trọng. Đầu tiên là niềm đam mê vì chỉ khi yêu thích công việc, họ mới có thể kiên trì với những khó khăn thường ngày. Tiếp theo, tình yêu thương trẻ phải trở thành động lực chính yếu, bởi đây là yếu tố giúp người thầy đồng hành cùng các em trong những chặng đường tưởng chừng không lối thoát. Cuối cùng, yếu tố chuyên môn vững vàng là điều kiện không thể thiếu, giúp thầy cô đưa ra phương pháp đúng đắn và hiệu quả nhất.
"Bản thân tôi cũng từng hoài nghi về cách dạy của mình khi mới bắt đầu. Tôi tự hỏi liệu những phương pháp này có thực sự giúp được các em hay không. Nhưng khi tiếp xúc nhiều hơn, tôi hiểu rằng khó khăn là một phần tất yếu. Quan trọng là phải thấu hiểu nguyên nhân và tìm cách khắc phục từng bước. Khi phụ huynh và giáo viên cùng hiểu được nguồn gốc của vấn đề, chúng ta sẽ tìm thấy cách đồng hành cùng trẻ một cách hiệu quả hơn", thầy Phúc nói.
Thắp sáng những mảnh đời
Thạc sĩ Nguyễn Thùy Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Cầu Vồng Xanh không giấu được xúc động khi nhắc đến hành trình đầy gian nan nhưng cũng tràn ngập tình yêu của các thầy cô nơi đây. Dù điều kiện tài chính còn nhiều khó khăn, phần lớn học sinh ở đây lại có hoàn cảnh éo le nhưng trung tâm luôn cố gắng hỗ trợ học phí hết mức có thể.
Cô Hương chia sẻ: "Các thầy cô gắn bó với trung tâm đều xuất phát từ tình yêu con trẻ, tình yêu nghề. Trong ánh mắt của họ, mỗi đứa trẻ là một cầu vồng nhỏ, cần được nâng niu và dẫn lối. Họ không chỉ làm nghề, mà đang sống với một sứ mệnh lớn lao – sứ mệnh thắp sáng những mảnh đời tưởng chừng như không có tương lai, giúp các em tìm thấy chính mình giữa một thế giới đầy thử thách".
Nghĩ về ngày 20/11, cô Hương bật khóc. Là một người thầy, nhưng hành trình của cô không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy. Với những đứa trẻ đặc biệt, giáo dục là cả một quá trình dài đầy gian nan.
Cô Hương tâm sự: "Nếu điều kiện tốt hơn, tôi mong có thể cải thiện chính sách về tiền lương để hỗ trợ các thầy cô, những người đang âm thầm cống hiến mỗi ngày. Tôi cũng hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều nguồn lực để hỗ trợ các em học sinh, không chỉ trong học tập mà còn có định hướng nghề nghiệp, giúp các em tự tin hòa nhập vào xã hội".
Ông Đoàn Thu Hà, Bí thư Đảng ủy phường Cát Linh (quận Đống Đa) bày tỏ sự trân trọng trước những nỗ lực không mệt mỏi của cả thầy và trò tại trung tâm. Các cô chính là điểm tựa, là cầu nối đưa các em từ thế giới riêng biệt vào thế giới chung của gia đình và xã hội. Thế giới của các em tuy khác biệt nhưng cũng đầy màu sắc tuyệt vời mà cha mẹ cần khám phá. Để làm được điều ấy, vai trò của các thầy cô là không thể thay thế.
Ông Hà cũng nhấn mạnh rằng, hành trình 15 năm của trung tâm Cầu Vồng Xanh không chỉ là một câu chuyện về giáo dục, mà còn là một hành trình nghệ thuật. Đó là nghệ thuật gieo mầm yêu thương, kiên trì, nhẫn nại và dày công xây dựng những mảnh đời nhỏ bé, để từng em có thể tỏa sáng theo cách của riêng mình.
Hành trình của Cầu Vồng Xanh là hành trình thấm đẫm tình yêu thương và sự hy sinh. Mỗi nụ cười của các em, mỗi ánh mắt lấp lánh của những "cầu vồng nhỏ" chính là trái ngọt cho những ngày tháng bền bỉ của các thầy cô.
Dù còn nhiều khó khăn, cô Nguyễn Thùy Hương và đội ngũ của mình vẫn không ngừng ước mơ và nỗ lực, để mỗi đứa trẻ được nhìn nhận, được yêu thương, và được chạm đến những giá trị tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Và ở đó, những người thầy như cô Hương vẫn đang âm thầm thắp sáng từng ngọn nến hy vọng, để không một cầu vồng nào bị bỏ lỡ trên bầu trời cuộc sống.
Văn Hiền