Thay đổi từ nhận thức để nâng cao văn hóa giao thông

08/04/2019 7:27 PM

(Chinhphu.vn) - Giao thông đô thị của Hà Nội đang đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó nghiêm trọng nhất đó là tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

* Lộ trình cho một Hà Nội không xe máy

Bên cạnh những nguyên nhân như cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, tăng trưởng “nóng” của phương tiện giao thông, vận tải hành khách công cộng kém phát triển,… thì một nguyên nhân quan trọng là văn hóa giao thông, ý thức người tham gia giao thông còn kém và cần được nâng cao.

Trên đây là ý kiến của ThS. Phạm Anh Tuấn - một chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực giao thông đô thị. Chuyên trang Hà Nội xin đăng tải bài viết của ThS. Phạm Anh Tuấn về vấn đề này.

"Bùng nổ" phương tiện giao thông (đặc biệt là xe máy) tại Hà Nội - Ảnh: Phạm Anh Tuấn

 

Sự bùng nổ phương tiện giao thông cá nhân và vấn đề đối với giao thông đô thị Hà Nội

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng số khoảng 6,5 triệu phương tiện giao thông đường bộ, chủ yếu trong đó là xe máy với trên 5,9 triệu chiếc (chiếm trên 90% số lượng phương tiện giao thông), khoảng 600 nghìn ô tô các loại (trong đó khoảng 400 nghìn ô tô con cá nhân). Tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông cá nhân những năm gần đây luôn ở mức cao: khoảng 7%/năm đối với xe máy và 11%/năm đối với ô tô con.

Theo tính toán, khả năng sở hữu xe máy của người dân thành phố đã dễ dàng hơn gấp 5 lần so với 15 năm trước. Thêm vào đó, với việc thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, trong khi các loại thuế, phí nhập khẩu phương tiện ngày càng giảm (theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - ATIGA áp dụng từ 1/1/2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ còn 0%), dẫn đến nguy cơ tăng trưởng tăng trưởng ô tô con trong tương lai ngày càng cao hơn nữa.

Trong khi đó, hạ tầng giao thông của Thành phố dù đã được quan tâm đầu tư nhưng không theo kịp tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông cá nhân. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có trên 4.000 km đường, trong đó có 2.052 km đường đô thị; diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 8,65% đất xây dựng đô thị, thấp hơn rất nhiều so với quy định (phải đạt từ 16-26%). Tăng trưởng về chiều dài đường chỉ đạt 3,9%/năm, diện tích mặt đường 0,25%/năm, đặc biệt khu vực trung tâm thành phố gần như không tăng.

Sự phát triển “mất cân đối”, cộng thêm với hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thành phố yếu kém dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường diễn ra thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng.

Theo thống kê năm 2018, trên địa bàn thành phố có 31 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, trong đó khu vực trung tâm chiếm trên 80%. Chiếm dụng của phương tiện giao thông đã vượt năng lực đáp ứng của hạ tầng giao thông. Theo tính toán, với 60% số lượng phương tiện lưu thông trong đô thị với vận tốc 20 km/h thì diện tích chiếm dụng mặt đường vượt 134% toàn thành phố và 372% trong khu vực vành đai 3. Dễ dàng nhận ra thủ phạm chính gây ra tình trạng ùn tắc giao thông kể trên do các phương tiện cá nhân, với tỷ lệ chiếm dụng mặt đường lên đến trên 90%.

Phương tiện cơ giới cá nhân gia tăng trực tiếp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ô nhiễm môi trường. Hà Nội thuộc nhóm những đô thị có mức ô nhiễm cao nhất thế giới trong những năm gần đây. Năm 2018, chỉ số chất lượng môi trường không khí AQI trung bình của Hà Nội là 123 (thuộc nhóm không khí chất lượng kém), cao nhất năm 2019 lên đến 197, nồng độ bụi mịn PM 2,5, cao gấp 5 lần ngưỡng trung bình theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Chất lượngkhông khí thuộc loại kém, ảnh hưởng xấu trực tiếp đối với sức khỏe, người dân.

Phương tiện giao thông cá nhân và những vấn đề bất cập trong văn hóa giao thông

Sự bùng nổ tăng trưởng xe máy hiện nay có thể lý giải bởi nguyên nhân chính đó là giá thành phù hợp với thu nhập của người dân và khả năng di chuyển linh hoạt, có thể tiếp cận được tới mọi ngõ ngách của thành phố mà các phương tiện khác không thể làm được. Tuy nhiên, việc sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy trong thời gian dài đã dần hình thành lên văn hóa giao thông mang tính cá nhân nặng nề.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, văn hoá giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng văn hoá giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hoá, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đửc truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông.

Văn hóa giao thông được đánh giá trên 3 tiêu chí. Thứ nhất, về nhận thức và hành động, hiểu biết đầy đủ và tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Thứ hai, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác. Thứ ba, có thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông và tinh thần thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, những tiêu chí trên hầu như không còn được thấy trong văn hóa giao thông của người dân hiện nay.

Trên đường phố, không khó để thấy các hành động như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, chở quá số người quy định, chen lấn làn, đi lên vỉa hè, bóp còi inh ỏi, dừng đỗ giữa lòng đường, đi ngược chiều... Các hành vi nói trên phổ biến đến mức hiếm có ai dám công nhận mình chưa một lần mắc phải.

Bên cạnh đó, dưới áp lực của ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường do khói bụi, tiếng ồn, ai cũng muốn nhanh chóng thoát khỏi dòng phương tiện đó càng nhanh càng tốt. Thói quen bon chen, lấn lướt trên đường ngày càng lớn lên trong mỗi người tham gia giao thông. Ngày qua ngày, càng có nhiều người coi thói quen đó là chuyện hiển nhiên và điều đó đã trở thành văn hóa giao thông kém văn minh, lịch sự trong xã hội.

Văn hóa giao thông cá nhân tùy tiện, “mạnh ai người ấy đi” cũng dần len lỏi vào trong cuộc sống hàng ngày. Đó là những hành động như chen lấn xô đẩy khi xếp hàng; ồn ào mất trật tự nơi công cộng; vi phạm những quy tắc nơi công sở;chèn ép, thiếu hợp tác trong công việc; thờ ơ với những hành động vi phạm pháp luật hay với những tai nạn của đồng loại… Nguy hiểm hơn, nó còn lưu truyền cho thế hệ sau khi những đứa trẻ chứng kiến người lớn “vô tư” vi phạm các quy định về an toàn giao thông cũng như các chuẩn mực xã hội.

Xây dựng văn hóa giao thông từ nhận thức của người dân - Ảnh minh họa

Như một bộ phận của văn hóa ứng xử, ảnh hưởng của văn hóa cá nhân cũng tác động đến mọi mặt khác của đời sống xã hội, bao gồm cả phát triển kinh tế. Không phải ngẫu nhiên, mà trong nhận xét khách quan của môi trường làm việc quốc tế, ý thức kém của người lao động Việt Nam luôn xuất hiện thường xuyên đến vậy. Hiện nay, Việt Nam chỉ xếp hạng 77/140, dưới mức trung bình,trên thế giới về năng lực cạnh tranh trên toàn cầu, kém xa các nước trong khu vực như Indonesia (45), Thái Lan (38), Malaysia (25) và Trung Quốc (28).

Nhìn ra thế giới, tiêu biểu về phát triển văn hóa giao thông văn minh, lịch sự không thể không nhắc đến Nhật Bản. Không chỉ nổi tiếng về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, Nhật Bản còn cho thấy hình mẫu lý tưởng trong văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông. Khi tham gia giao thông công cộng, người Nhật luôn xếp hàng dài ngay ngắn, trật tự theo quy định và không bao giờ chen lấn, xô đẩy hay tỏ ra khó chịu mỗi khi đi tàu vào giờ cao điểm. Phần lớn mọi người tranh thủ chợp mắt, không ai ăn uống hay trò chuyện và chỉ gửi tin nhắn thay vì gọi điện thoại ảnh hưởng đến người xung quanh. Người Nhật lái xe ô tô rất cẩn thận, họ luôn dừng cách xa người đi bộ đi sang đường hoặc chướng ngại vật từ khoảng cách tối thiểu 5m. Mọi hoạt động đều tuân theo văn hóa xếp hàng, tuyệt đối không có chen lấn hoặc vượt đèn đỏ. Người đi bộ và người đi xe đạp luôn được ưu tiên nhường đường.

So sánh với Nhật Bản, chúng ta có thể thấy rõ nét sự khác biệt trong văn hóa khi tham gia giao thông. Đó là văn hóa giao thông cá nhân và văn hóa giao thông công cộng. Nét văn hóa công cộng này hình thành từ lịch sử văn hóa của Nhật Bản và được phát huy trong môi trường với hệ thống giao thông công cộng là nòng cốt.

Tại Hà Nội cũng đã thấy những nét văn hóa giao thông công cộng dần được hình thành như nhường ghế cho người cao tuổi, lên xuống xếp hàng…, nhưng chỉ được gói gọn trong những chuyến xe buýt. Nét đẹp ấy không ngừng bị chèn ép, phê phán bởi văn hóa giao thông cá nhân là tốn thời gian, chất lượng kém... Một khi phương tiện cá nhân còn chiếm đa số, văn hóa giao thông vẫn sẽ chỉ là văn hóa bon chen, thuần cá nhân. Phát triển giao thông công cộng vì cộng đồng, xây dựng văn hóa giao thông văn minh lịch sự vì lẽ đó gặp không ít trở ngại.

Xây dựng văn hóa giao thông của người dân từ việc thay đổi nhận thức

Văn hóa giao thông thể hiện nét đẹp, sự văn minh của xã hội. Nét văn hóa đó đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội, thủ đô nghìn năm văn hiến của đất nước. Thay đổi văn hóa giao thông như hiện nay cần thực hiện từ việc thay đổi từ nhận thức khi tham gia giao thông của người dân. Đó là phải chuyển đổi từ phương tiện giao thông cá nhân sang vận tải hành khách công cộng. Tương lai của một đô thị văn minh, hiện đại phải là giao thông công cộng.

Năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị quyết 16/2008/NQ-CP về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Chính phủ yêu cầu UBND các thành phố, các Bộ, ngành tập trung thực hiện các giải pháp, trong đó có giải pháp đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông, tổ chức giao thông hợp lý và hiệu quả.

Gần đây nhất, Nghị quyết 12/NQ-CP ngày 19/2/2019 về tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021, trong đó thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ giao cho Hà Nội.

Việc thay đổi thói quen đi lại của người dân từ phương tiện cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng hỏi sự nỗ lực lớn của Chính quyền thành phố và sự ủng hộ của người dân Thủ đô. Việc hạn chế phương tiện cá nhân cần tính toán lộ trình cụ thể, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn. Song song với đó, Hà Nội cần phát triển mạnh mạng lưới vận tải hành khách công cộng với hệ thống đường sắt đô thị và xe buýt văn minh, hiện đại đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Văn hóa giao thông, cũng là một phần của văn hóa dân tộc, là một biểu tượng, có tính truyền thừa (truyền thống và thừa kế) cho thế hệ mai sau, góp phần tạo nên một Hà Nội trong tương lai mịt mờ, đầy khói bụi hay một tương lai tươi sáng, văn minh là lựa chọn của mỗi người cần phải quyết định trong thời điểm hiện tại./.

Top