Thấy gì từ những liên kết chăn nuôi
(Chinhphu.vn) – Trong sức nóng của dịch tả lợn Châu Phi, nhìn lại tổng thể ngành chăn nuôi chỉ có thể bền vững khi biết tạo những mối liên kết chắc chắn. Không chỉ tại Hà Nội mà rất nhiều địa phương trên cả nước đang gồng mình chống chọi dịch bệnh và cũng chính những địa phương đó đã nhìn nhận rõ chỉ có liên kết chặt chẽ trong chăn nuôi mới giúp ổn định được thị trường này.
Liên kết trong chăn nuôi tạo được môi trường phát triển bền vững cho người sản xuất và tiêu dùng - Ảnh: An Khuê |
Nở rộ nhiều mô hình liên kết
Trong những năm vừa qua, trước những bất lợi về giá cả thị trường biến động, dịch bệnh xảy ra thường xuyên và diễn biến phức tạp, các trang trại chăn nuôi đã liên kết nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất như: hỗ trợ vốn sản xuất; mua vật tư đầu vào khối lượng lớn và giá rẻ; gắn sản xuất chăn nuôi với giết mổ, chế biến và tiêu thụ hình thành chuỗi sản phẩm... điều này đã làm cho giảm giá thành sản phẩm, tăng giá sản phẩm và chăn nuôi có lãi.
Điển hình trong liên kết hỗ trợ vốn sản xuất, mua vật tư đầu vào như: Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây-Hà Nội) đã liên kết nhiều hộ chăn nuôi cùng mua giống, thức ăn, lập qũy hỗ trợ cho vay vốn trong hợp tác xã và xuất bán sản phẩm, tham gia quảng bá, xây dựng thương hiệu tại các hội chợ… Liên kết chuỗi sản phẩm điển hình là các mô hình chăn nuôi gia công của các doanh nghiệp nước ngoài (CP, JAPFA, ....) và một số doanh nghiệp trong nước như DABACO, Ba Huân, San Hà, ĐTK, Anh Kim (Cây Thị), Trần Nguyễn Hồ, Hương Việt...
Ngay trong liên kết tiêu thụ nông lâm thủy sản của Hà Nội với các địa phương cũng nhìn ra những chuỗi liên kết hết sức bền vững.
Điển hình như mô hình hợp tác sản xuất, chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Yên Thế - Bắc Giang. Đơn vị này được thành lập năm 2010, với quy mô 800 hội viên trong lĩnh vực sản xuất chăn nuôi gà đồi Yên Thế chất lượng cao. HTX thực hiện nhiệm vụ chính: Tập trung vào lĩnh vực hoạt động vì lợi ích hội viên (đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho hội viên; cung cấp thông tin và tổ chức tham quan mô hình thực tiễn; kiến nghị và đề xuất chính sách tạo thuận lợi cho các hội viên để phát triển sản xuất; tổ chức tốt mối liên kết 4 nhà trong chăn nuôi gà đồi Yên Thế chất lượng cao)…
Đối với các liên kết chuỗi gà thịt, gà trứng tại các tỉnh, thu nhập bình quân/lao động dao động từ 3,5 đến 4,0 triệu đồng/lao động/tháng (Hải Dương, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế…) lên tới 5-6 triệu đồng/lao động/tháng (Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình…).
Các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi gà theo báo cáo từ các địa phương được nêu cụ thể như sau:
Thứ nhất là liên kết với doanh nghiệp (chăn nuôi gia công). Với hình thức liên kết này các doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và nhận tiền công theo hợp đồng ký kết. Các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết chăn nuôi gia công như: Công ty CP Việt Nam, Công ty Japfa, Công ty Emivest, Công ty TNHH MTV Bình Minh… Hình thức liên kết này được triển khai ở một số địa phương như: Hà Nội, Yên Bái, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Đồng Nai, Sóc Trăng…
Liên kết chăn nuôi theo hình thức nuôi gia công cũng đã góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển tại các địa phương trong thời gian qua.
Liên kết chăn nuôi - tiêu thụ là liên kết giữa các trang trại chăn nuôi gia cầm (giống, thịt, trứng gia cầm) và thị trường tiêu thụ là các siêu thị, nhà hàng, chợ và các bếp ăn tập thể. Chuỗi liên kết này được phát triển nhiều tại các tỉnh như Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An…
Điển hình là liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi của 4 doanh nghiệp để xuất khẩu thịt gà đi Nhật Bản: De Heus cung cấp thức ăn – Bel gà cung cấp con giống – Hùng Nhơn chăn nuôi – Koyu giết mổ và chế biến để xuất khẩu.
Tại Hà Nội đã xây dựng thành công 8 chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn; gà Mía Sơn Tây; vịt Vân Đình, Đại Xuyên; trứng vịt Liên Châu; trứng gà Tiên Viên; trứng sạch 729. Hình thức tiêu thụ của các chuỗi liên kết này chủ yếu là bán lẻ và một số bao tiêu theo hợp đồng (trứng sạch 729).
Cần đầu tư tập trung
Trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang rơi vào khó khăn, việc xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi được cho là giải pháp ổn định và lâu dài. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn Hà Nội mô hình này vẫn còn thiếu và yếu, cần được đầu tư thúc đẩy phát triển.
Theo ông Hà Tiến Nghi - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội, cùng với ban hành cơ chế, chính sách, TP cần tăng cường công tác quản lý hoạt động của chuỗi như hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh. Tăng cường các hoạt động quản lý Nhà nước, thanh tra và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm ATTP để tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các sản phẩm của chuỗi liên kết.
Nhìn vào một mô hình liên kết chăn nuôi khá thành công trên địa bàn Thành phố là mô hình chuỗi GreenFood Hà Nội và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch 3F của Hà Nội có thể thấy được điều này
Chuỗi liên kết chăn nuôi GreenFood Hà Nội hiện nay gồm 30 trại chăn nuôi gà với 60.000 gà đẻ trứng và 35.000 gà thịt/lứa. Đây là chuỗi khép kín cung cấp đầy đủ cho các trại chăn nuôi từ thức ăn có chất lượng, giá hợp lý, cung cấp con giống, các cơ sở giết mổ công nghiệp và hệ thống cửa hàng tiện ích.
Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch 3F được tổ chức bởi Công ty Cổ phần thực phẩm sạch 3F với tiêu chí xây dựng thương hiệu thực phẩm sạch dựa trên hệ thống khép kín từ chăn nuôi trang trại- sơ chế- chế biến đến bàn ăn. Các trang trại vệ tinh thành viên của Công ty gồm 200 trang trại gà lớn nhỏ và hệ thống 15 trang trại lợn rừng và trại giống gốc 750 nái (6.000 đến 10.000 con lợn thương phẩm) kết hợp khu chế biến thực phẩm đóng gói thực phẩm sống (đã qua sơ chế) và thực phẩm chín (đã qua chế biến) với công suất 3 tấn lợn/ngày 2.000 con gà/ngày 100.000 quả trứng/ngày. Hệ thống phân phối tại hơn 100 siêu thị, 250 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định…
Mới đây, Công ty đang mở rộng hệ thống tiêu thụ tại Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh…. và đã được nhận chứng chỉ ISO 9001-2000 và HACCP của tổ chức TQSI (Úc). Các sản phẩm thực phẩm được sản xuất trên quy trình khép kín, sử dụng thức ăn có nguồn gốc tự nhiên, tự canh tác theo tiềm năng vùng miền, sử dụng công nghệ vi sinh trong nâng cao chất lượng thức ăn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Xác định hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi hiện nay là phải gắn với tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo hướng hữu cơ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... thời gian qua Thành phố đã có chính sách đầu tư, thúc đẩy chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP. Đến nay, trên địa bàn Thành phố đang phát triển ổn định 23 mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc động vật. Một số sản phẩm của chuỗi đã tạo được uy tín, được nhiều người biết đến như trứng gà Tiên Viên, thịt lợn sinh học Organic Green, gà đồi Sóc Sơn...
Kết quả thực tiễn từ các mô hình chuỗi trong 2 năm qua đã khẳng định chỉ có phương thức tổ chức chăn nuôi theo chuỗi mới khắc phục được tình trạng bấp bênh, thiếu ổn định trong chăn nuôi và chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Đồng thời công tác quản lý ATTP trong bối cảnh thực phẩm mất an toàn hiện nay mới được triệt để. Do vậy, trong tương lai phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết sẽ là xu hướng tất yếu của ngành chăn nuôi trên địa bàn Thành phố.
An Khuê