Thể hiện rõ vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận
(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, Ủy ban MTTQ các cấp TP. Hà Nội và các tổ chức thành viên đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác, thể hiện rõ vai trò trong nhiều lĩnh vực, nhất là công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ đóng góp quan trọng để giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn của địa phương, tạo sự thúc đẩy quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước. Do đó, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Thực hiện nhiệm vụ này, MTTQ TP. Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến góp ý về Luật Đất đai (sửa đổi). Bà Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế (Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội) nhấn mạnh, đây là một bộ luật khó, phức tạp, nhưng vô cùng quan trọng vì liên quan đến mọi người dân và có đến 90% các bức xúc, khiếu kiện, tranh chấp của người dân trong thời gian qua có nguồn gốc từ đất đai.
Do đó, cần có phương pháp thu thập, lắng nghe ý kiến nhân dân, kể cả những người nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh để nắm bắt được các yêu cầu cụ thể. Mặt khác, tạo sự thống nhất và đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai.
Với tinh thần công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của đông đảo các tầng lớp nhân dân, việc tổ chức hội nghị góp ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên tích cực triển khai rộng rãi, thông qua nhiều hình thức như tại hội nghị đại biểu nhân dân ở các thôn, tổ dân phố; tại các hội nghị góp ý do Mặt trận cấp xã, cấp huyện và các tổ chức thành viên tổ chức; lấy ý kiến thông qua hệ thống trang fanpage của MTTQ Việt Nam các cấp và qua tiếp nhận các văn bản góp ý...
Qua đó thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân TP. Hà Nội đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Sỹ Trường cho biết, hầu hết nhân dân được lấy ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết. Dự thảo Luật lần này đã chú trọng giải quyết một số vấn đề tồn tại như: Quy hoạch, sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, bồi thường, tái định cư; bộ máy quản lý đất đai; phân loại đất đai, xác định giá đất, mối quan hệ với thị trường Bất động sản…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến góp ý cho rằng, những điều khoản áp dụng của Luật cần được quy định cụ thể, chi tiết hơn, nhất là các vấn đề về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…nhằm tạo sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng khu Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành và đề nghị các văn bản dưới luật cần nhanh chóng được ban hành ngay sau khi Luật có hiệu lực trên cơ sở góp ý của các tầng lớp nhân dân.
Song song với đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Mặt trận các cấp đặc biệt chú trọng trong những tháng đầu năm là triển khai chuyên đề "Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố tích cực tham gia hiệu quả việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP. Hà Nội".
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường, Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp đã chủ động vào cuộc, phối hợp chặt chẽ chính quyền có tuyến vành đai 4 đi qua gồm các địa phương: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín để tuyên truyền vận động nhân dân nhất là trong việc di dời các phần mộ, góp phần bảo đảm tiến độ chung của cả Thành phố trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã cử cán bộ trực tiếp tham gia là thành viên Ban chỉ đạo triển khai dự án, thành viên Tổ công tác tuyên truyền; phối hợp Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện và xã.
Đáng chú ý, để phát huy vai trò giám sát, MTTQ Thành phố đã xây dựng Kế hoạch giám sát năm 2023 trong đó có nội dung giám sát kết quả, tiến độ thực hiện dự án; việc thực hiện cơ chế chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong quá trình thực hiện dự án để không phát sinh điểm nóng.
Vừa qua, Mặt trận các cấp đã khảo sát việc thực hiện chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng triển khai dự án tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; khảo sát nắm tình hình về việc bồi thường thu hồi đất thực hiện dự án đường Vành đai 4 tại xã Duyên Thái, huyện Thường Tín; tham gia cùng Hội đồng nhân dân thành phố khảo sát tình hình, tiến độ triển khai dự án.
Qua nắm bắt tình hình cho thấy, dư luận đồng thuận với việc triển khai xây dựng đường vành đai 4 và mong dự án sớm được khởi công, hoàn thành, tạo không gian phát triển Thủ đô. Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên cùng hệ thống chính trị đang tích cực phấn đấu tháng 6/2023 bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng và tháng 12/2023 cơ bản bàn giao mặt bằng tổng thể của dự án.
Ngoài ra, MTTQ các cấp cũng chú trọng đến việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân với việc tổ chức, phối hợp thực hiện nhiều cuộc giám sát tập trung vào việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội thông qua các hoạt động ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu.
Diệu Anh