Thêm ‘cú huých’ để xe buýt phát triển

04/11/2020 11:07 AM

(Chinhphu.vn) - Nhiều năm qua, nhằm tăng cường năng lực cho mạng lưới giao thông, không chỉ hệ thống hạ tầng đường sá được xây dựng, mở mang mà mạng lưới xe buýt của Thủ đô cũng được tập trung đầu tư theo hướng chất lượng, hiện đại; góp phần tạo “cú hích” để xe buýt phát triển.

Ảnh minh họa

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện Thành phố đã có 124 tuyến buýt, trong đó có 100 tuyến trợ giá, 10 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận, 2 tuyến City Tour. Mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã và phục vụ đến 453/584 số xã, phường, thị trấn (đạt 78%); 66/71 bệnh viện (đạt 93%); 296/708 các trường THCS, THPT đạt (42%); 32/37 các khu công nghiệp (đạt 86%); 82/85 các khu đô thị mới (đạt 96%).

Xe buýt Hà Nội hiện đã đạt số lượng trên 1.200 chiếc, chủng loại phong phú với xe buýt nhanh (BRT); xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG); xe buýt đạt chuẩn khí thải EURO IV, V; xe buýt 2 tầng (City Tour)…

Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi địa dịch COVID-19, dù thuộc diện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do sụt giảm lượng khách và cắt giảm tần suất hoạt động, nhưng mạng lưới xe buýt của Hà Nội vẫn tạo nên điểm nhấn ấn tượng khi duy trì tốt vai trò chủ công của mình.

Cụ thể, tổng sản lượng vận chuyển hành khách công cộng trên toàn Thành phố 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 596 triệu lượt hành khách, đáp ứng khoảng 17% nhu cầu đi lại của người dân; góp phần hạn chế đáng kể phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Dù là loại hình vận tải công cộng tập trung đông người, nhưng trong suốt thời gian cao điểm của dịch bệnh COVID-19, không có ca lây nhiễm nào xuất hiện trên toàn mạng lưới xe buýt của Hà Nội.

Ông Ngô Xuân Phú, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết, các biện pháp phòng dịch trên xe buýt đã được được thực hiện nghiêm ngặt, hiệu quả, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm,bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách. Đó cũng là một điểm nhấn quan trọng của xe buýt Hà Nội trong suốt thời gian Thành phố căng sức chống lại đại dịch COVID-19.

Theo lộ trình dự kiến, trong năm 2021, các tuyến đường sắt đô thị: Cát Linh - Hà Đông; Nhổn - Ga Hà Nội sẽ đi vào hoạt động. Ngay từ bây giờ mạng lưới xe buýt của Thành phố đã được lên kế hoạch tổ chức lại cho phù hợp với sự xuất hiện của vận tải công cộng khối lượng lớn - đường sắt đô thị. Việc đồng bộ kết nối đường sắt đô thị với các loại hình khác, đặc biệt là xe buýt, vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành công của đường sắt đô thị. Với sự chuẩn bị chu đáo, hệ thống xe buýt Hà Nội đã góp phần tạo nên niềm tin vào sự thành công cho đường sắt đô thị.

Cần chuyển mình nhanh chóng, bắt kịp xu thế mới

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng như các đơn vị quản lý, vận hành xe buýt đã nỗ lực liên tục để vượt khó, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trước mắt là các đơn vị khai thác dịch vụ xe buýt phải có sự chuyển mình nhanh chóng, bắt kịp xu thế của thời kỳ mới. Đối với nhiều hành khách, các tiện ích tăng thêm như: Wifi miễn phí, chất lượng chỗ ngồi, ứng dụng trên thiết bị thông minh giúp tìm xe buýt… đã trở thành tiêu chí để lựa chọn.

Cùng với đó, để thật sự tạo được “cú huých” cho xe buýt phát triển thì còn không ít thách thức. Ông Lê Ðỗ Mười, Phó Viện trưởng Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải cho rằng, Hà Nội từng có 5,6 km đường dành riêng cho xe buýt ở đường Nguyễn Trãi nhưng nay đã bị “xóa sổ” và hiện chỉ còn 1,3 km ở đường Yên Phụ nhưng cũng chưa thật sự là đường dành riêng đúng nghĩa. Trong khi quỹ đất xây dựng hạ tầng phục vụ xe buýt rất thiếu nên hành khách khó tiếp cận và phương tiện không thể di chuyển dễ dàng.

Để giải quyết vấn đề này, ông Mười kiến nghị, trước hết cần tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng, với những giải pháp cương quyết, từ lãnh đạo Thành phố xuống đến các sở, ngành và địa phương.

Còn ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho rằng, cần khôi phục làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số trục tuyến đủ điều kiện bởi trục “xương sống” này chiếm tới 30% số tuyến trên toàn mạng xe buýt của Thủ đô. Trước đây, khi có làn đường riêng, xe buýt có thể vận hành đạt tốc độ 20-21km/giờ, nhưng nay chỉ còn 13km đến 14km/giờ. Nếu có làn đường riêng sẽ an toàn hơn do xe buýt không phải ra vào điểm dừng, cản trở luồng giao thông. Các phương tiện khác sẽ được tạo không gian lưu thông tốt hơn do không bị xung đột với xe buýt.

Ngoài ra, ông Nguyễn Công Nhật cũng chia sẻ, có một viễn cảnh là nếu không có làn ưu tiên cho xe buýt, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khi đi vào vận hành có thể chạy nhanh song khi hành khách chuyển tuyến sang xe buýt vẫn bị chậm thì sẽ khó phát huy hiệu quả.

Có thể thấy, năm 2020 là thời điểm cách mạng công nghiệp 4.0 được thúc đẩy mạnh mẽ, các thành tựu của công nghệ thông tin sẽ quyết định thành bại của nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả vận tải hành khách và xe buýt. Mặt khác, khi có sự xuất hiện của đường sắt đô thị, xe buýt sẽ thay đổi rất nhiều vai trò và cách vận hành của mình. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì mạng lưới, năng lực vận chuyển như hiện nay, xe buýt Hà Nội phải được điều chỉnh hợp lý, tăng cường hơn nữa năng lực giải tỏa khách để phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng với đường sắt đô thị.

Diệu Anh

Top