Thí điểm nhiều chủ trương về công tác cán bộ

29/04/2021 2:35 PM

(Chinhphu.vn) - Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Hà Nội đang xây dựng Nghị quyết chuyên đề với nhiều nội dung thí điểm để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư duy khoa học, đổi mới, có phương pháp, kỹ năng, phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp; phòng ngừa tiêu cực, tránh sức ỳ, phát huy sự đổi mới, tích cực của đội ngũ cán bộ.

* Hà Nội xây dựng Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo. Ảnh: Gia Huy

Tạo môi trường để cán bộ phát huy năng lực

Tại hội nghị lần thứ 4 BCH Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, đội ngũ cán bộ các cấp từ Thành phố đến cơ sở của Hà Nội được xây dựng cơ bản bảo đảm về số lượng, cơ cấu, chất lượng, trình độ, năng lực, phẩm chất, kỹ năng, phương pháp công tác. Tuy nhiên, nhận thức của một số cấp ủy, địa phương, đơn vị, nhất là của người đứng đầu về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong đó, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, còn biểu hiện hình thức, nể nang; các trường hợp yếu kém về năng lực, trì trệ chậm được thay thế. Quy hoạch cán bộ, nhất là việc giới thiệu nguồn cán bộ quy hoạch cấp chiến lược cho Trung ương chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng của Thủ đô; chưa bảo đảm phương châm “động” và “mở”, thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương, chất lượng quy hoạch chưa cao.

Vì vậy, Dự thảo Nghị quyết về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo có mục tiêu kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục có hiệu quả các hạn chế, khuyết điểm. Đồng thời đổi mới, đột phá trong xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp của Thành phố với cách làm thận trọng, khoa học, chặt chẽ, bài bản và hiệu quả. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ phát huy năng lực, sở trường, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô; nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Mục tiêu cụ thể đặt ra là đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ diện Ban Thường vụ các cấp ủy quản lý đạt tối thiểu 15%, cán bộ nữ đạt tối thiểu 15%; 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đạt trình độ thạc sỹ, tiến sỹ; 100% cán bộ cấp sở, ngành, đảng bộ trực thuộc quản lý có trình độ chuyên môn đại học, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý được bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới.

Hoàn thiện đồng bộ, đầy đủ, thống nhất hệ thống các quy định, quy chế, quy trình công tác cán bộ đảm bảo khoa học, khách quan, dân chủ, minh bạch, chặt chẽ từ thành phố đến cơ sở. Thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp bảo đảm tính kế thừa, liên tục, phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư duy khoa học, đổi mới, có phương pháp, kỹ năng, phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp; được bố trí đúng vị trí việc làm, khung năng lực, tiêu chuẩn chức danh.

Thí điểm nhiều chủ trương về công tác bộ

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, một trong những giải pháp Hà Nội đặt ra để đạt được các mục tiêu nêu trên là triển khai thí điểm một số chủ trương công tác cán bộ theo tinh thần nghị quyết Trung ương 7 như: Đề án thi tuyển một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng; Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; Quy định người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình; Bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ cấp ủy và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình; Phân cấp, giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cán bộ cấp trưởng cấp dưới trực tiếp theo các quy trình, quy định về công tác cán bộ. Đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong thực hiện các khâu của công tác.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ qua việc thực hiện có hiệu quả công tác đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, người lao động; sửa đổi Quyết định số 3814-QĐ/TU, ngày 16/5/2018 của Thành ủy cho phù hợp với tình hình thực tiễn, bổ sung tiêu chí đánh giá, lượng hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân; thực hiện đánh giá đa chiều, liên tục, bảo đảm nguyên tắc và quy trình dân chủ, khách quan, chính xác, công khai, minh bạch; kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, lãnh đạo, quản lý phải dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của tập thể.

50% bí thư, chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương

Theo ông Vũ Đức Bảo, một trong những khâu đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong thực hiện các khâu của công tác cán bộ là công tác quy hoạch cán bộ. Theo đó, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải bảo đảm nguồn quy hoạch “động” và “mở”; bảo đảm hệ số, cơ cấu 3 độ tuổi, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cơ cấu đúng chuyên môn đào tạo, theo vị trí việc làm, theo khối, lĩnh vực và kinh nghiệm công tác gắn với phát hiện nhân tố mới, cán bộ trẻ qua thực tiễn, có thành tích nổi trội, có năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và có chiều hướng, triển vọng phát triển tốt; quy hoạch phải bảo đảm tính khả thi. Phát hiện, lựa chọn những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc của Thành phố để giới thiệu Trung ương quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.

Cụ thể, thực hiện luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao

Thực hiện nghiêm nguyên tắc luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử phải trong quy hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định, cơ bản phải kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp dưới và hoàn thành tốt nhiệm vụ; kiên quyết không xem xét đề bạt, bổ nhiệm đối với những trường hợp không đủ tiêu chuẩn điều kiện; quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ theo quy định.

Tăng cường luân chuyển cán bộ, thực hiện luân chuyển dọc, luân chuyển ngang giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị; luân chuyển giữa các vị trí công tác trong cùng một đơn vị. Đến 2025, hoàn thành việc bố trí bí thư cấp uỷ cấp huyện không là người địa phương.

"Từng bước bố trí chức danh chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương. Bố trí, sắp xếp trên 50% bí thư, chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương", ông Vũ Đức Bảo cho biết.

Gia Huy

Top