Thị trường lao động Hà Nội tiếp tục đà phục hồi và phát triển

10/07/2024 5:19 PM

(Chinhphu.vn) - Trong tháng 6, thị trường lao động Hà Nội tiếp tục đà phục hồi và phát triển theo chiều hướng bền vững trong bối cảnh nền kinh tế Hà Nội xuất hiện nhiều điểm sáng tăng trưởng.

Thị trường lao động Hà Nội tiếp tục đà phục hồi và phát triển- Ảnh 1.

Nhu cầu tuyển dụng lao động trong tháng 6 ở lĩnh vực CNTT chiếm khoảng 8,87% với trên 300 vị trí việc làm trống. Ảnh: VGP/Minh Anh

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong tháng 6, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ước tính nhu cầu tuyển dụng với khoảng 46.061 vị trí. Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin 6.031 việc làm trống của 1.743 doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các nhóm ngành như hoạt động dịch vụ khác chiếm khoảng 46,86%, tiếp đến ngành Công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 9,86%, ngành Giáo dục đào tạo chiếm 9,75%. Về vị trí, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là vị trí nhân viên dịch vụ và bán hàng chiếm 40,13%, tiếp đến là vị trí nhân viên trợ lý văn phòng chiếm 18,39%.

Đặc biệt, ngành Công nghệ thông tin (CNTT) tại Hà Nội đang trở thành một điểm nóng với sự phát triển của các công ty công nghệ địa phương và quốc tế. Nhu cầu tuyển dụng lao động trong tháng 6 ở lĩnh vực CNTT chiếm khoảng 8,87% với trên 300 vị trí việc làm trống.

Thị trường lao động Hà Nội tiếp tục đà phục hồi và phát triển- Ảnh 2.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm trong tháng 6.Ảnh: VGP/Minh Anh

Thời điểm tháng 6 hàng năm là thời điểm mà hoạt động tìm việc diễn ra sôi động do là thời điểm kết thúc năm học và các học viên, sinh viên tốt nghiệp từ các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn Thành phố sẽ bắt đầu tìm kiếm việc làm.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, điều này tạo ra cơ hội tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo ra áp lực cạnh tranh trên thị trường lao động.

Số liệu khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, trong tháng 6, ước tính người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm khoảng 16.563 người. Người tìm việc chủ yếu tập trung ở nhóm tuổi từ 25-34 tuổi chiếm 45,18%, nhóm từ 35 tuổi trở lên chiếm 40,80%; từ 15 - 24 tuổi chiếm 14,02%. Là nhóm lao động trẻ, phần lớn là những người mới ra trường hoặc có ít năm kinh nghiệm, trong nhóm lao động từ 15-24 tuổi chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo (chiếm 2/3 số lao động từ 15 - 24) chủ yếu tìm các công việc như công nhân sản xuất, công nhân lắp ráp, nhân viên bán hàng… Mức lương mong muốn của người lao động chủ yếu là từ 5 đến 10 triệu đồng (chiếm 73,93%), từ 10 - 20 triệu đồng (chiếm 17,14%).

Ông Vũ Quang Thành cho biết, để phù hợp với thị trường lao động Hà Nội hiện nay, người lao động có thể cần thay đổi và phát triển một số kỹ năng. Theo đó, kỹ năng kỹ thuật và công nghệ là cần thiết vì việc nắm vững kỹ năng kỹ thuật và công nghệ mới là quan trọng. Điều này bao gồm sử dụng các công cụ và phần mềm mới, kiến thức về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, và trí tuệ nhân tạo. Có 61,5% nhu cầu tuyển dụng yêu cầu người lao động có kỹ năng CNTT ở mức "Tốt" và 31,6% yêu cầu người lao động có kỹ năng CNTT ở mức "Khá".

Bên cạnh đó, kỹ năng trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng mềm cần được trang bị để đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng.

Nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động

Thị trường lao động Hà Nội tiếp tục đà phục hồi và phát triển- Ảnh 3.

Nhiều hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm trên hệ thống Sàn giao dịch việc làm trên địa bàn Thành phố sẽ được tổ chức để hỗ trợ người lao động. Ảnh: VGP/Minh Anh

Theo ông Vũ Quang Thành, trong tháng 6, Thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm hơn 24 nghìn lao động. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 124,9 nghìn lao động (tăng 10% so với cùng kỳ 2023). Trong đó, Thành phố uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay tổng số tiền 2,1 nghìn tỷ đồng giúp tạo việc làm cho 37,3 nghìn lao động.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng hỗ trợ hơn 2,2 nghìn người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động tại các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Di cư lao động góp phần tăng năng suất lao động nền kinh tế thế giới. Đối với các quốc gia xuất cư, di chuyển lao động ra nước ngoài làm việc sẽ góp phần đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, thúc đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, qua đó, nâng cao năng suất lao động. Kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, lao động đi làm việc ở nước ngoài, sau khi về nước mang những tri thức đã tích lũy được áp dụng vào quá trình lao động sản xuất, nhờ đó thúc đẩy nâng cao năng suất lao động.

Trong tháng 6, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm. Có 616 lượt đơn vị tham gia tuyển dụng với tổng số 11.301 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh. Qua đó có 1.526 lao động được nhận hồ sơ, tuyển dụng thông qua các phiên giao dịch việc làm (giảm 16,4% so với tháng trước). Bên cạnh đó, Trung tâm tăng cường công tác định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động thất nghiệp; tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm trên hệ thống Sàn giao dịch việc làm trên địa bàn Thành phố; … qua đó hỗ trợ công tác giải quyết việc làm cho người lao động.

Nhận định tình hình kinh tế - xã hội Thành phố có nhiều bước tiến quan trọng, hoạt động sản xuất công nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực; thu hút FDI và xuất khẩu tiếp tục là trụ cột tăng trưởng của Thành phố; hoạt động du lịch góp phần quan trọng vào kích cầu nền kinh tế... sẽ tạo điều kiện cho thị trường lao động tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, trong tháng 6, thị trường lao động Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách chung do ảnh hưởng của xung đột địa chính trị ngày càng lan rộng, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gặp khó khăn, áp lực lạm phát vẫn luôn tiềm ẩn. Đây là những hạn chế khiến cho nền kinh tế chưa thể bứt tốc trong 6 tháng đầu năm 2024.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, thời gian tới, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển thị trường lao động góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể là tiếp tục triển khai các kế hoạch, các giải pháp kết nối việc làm, cung cấp đầy đủ các dịch vụ của Trung tâm để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; Hình thành mạng lưới thu thập, xử lý và cung cấp thông tin thị trường lao động từ thành phố tới cơ sở; Tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động và thực hiện các nhiệm vụ của Trung tâm; Nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn giao dịch việc làm và các điểm giao dịch việc làm vệ tinh; Tiếp tục triển khai Đề án tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn giao dịch việc làm thành phố Hà Nội. Đồng bộ tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên toàn bộ hệ thống Sàn giao dịch việc làm; Tổ chức các phiên giao dịch việc làm đặc thù (gồm phiên chuyên đề theo ngành nghề và đối tượng lao động, phiên dành cho lao động khuyết tật, phiên online với các tỉnh trên toàn quốc) và phiên giao dịch việc làm lưu động. 

Minh Anh

Top