Thị trường nội địa: Chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp

25/06/2020 5:11 PM

(Chinhphu.vn) – Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới còn chịu tác động bởi dịch bệnh COVID-19 thì việc xuất khẩu của doanh nghiệp gần như “đứng im”, do đó chuyển hướng khai thác tại thị trường nội địa chính là hướng đi đúng đắn, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh thời kỳ hậu COVID-19.

Thị trường nội địa “chỗ dựa” để doanh nghiệp duy trì sản xuất, khai thác. Ảnh: Diệu Anh

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) cho biết, trong thời gian qua, nhiều chương trình được liên kết, đưa các đặc sản vùng miền vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart - Haprofood - Intimex. Nhiều doanh nghiệp của các tỉnh đã tìm kiếm được các đơn hàng cung ứng cho người tiêu dùng Thủ đô qua các hệ thống phân phối lớn.

Theo ông Sơn, thị trường nội địa nói chung, Hà Nội nói riêng là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp và còn nhiều dư địa phát triển. “Hapro chủ trương phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích bám theo khu vực dân cư và khu vực ngoại thành. Việc triển khai hệ thống phân phối, liên kết chuỗi với các nhà cung ứng sẽ tạo được thị trường ổn định, người dân bán được sản phẩm và người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý, giảm bớt áp lực về tiêu thu nông sản xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp”, ông Sơn cho biết.

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, hơn 80% sản phẩm thời trang từ lụa của Công ty cổ phần thương mại HANHSILK đều xuất khẩu sang thị trường châu Âu, còn khoảng 20% tiêu thụ trong nước. Bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc HANHSILK cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến việc giao thương xuất khẩu hàng hoá bị đình trệ, hàng hoá không xuất khẩu được, như nhiều doanh nghiệp khác, công ty cũng chịu tổn thất rất lớn. Do đó, ngay lập tức, công ty đã phải lên phương án tập trung vào thị trường nội địa để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Ngay khi quay lại “sân nhà”, đơn vị này đã phát triển mạnh về thương mại điện tử và đã được người tiêu dùng đón nhận.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, Việt Nam là một trong những nước thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên về lâu dài, khi doanh nghiệp hướng về thị trường nội địa, về mặt tổng thể sẽ tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam hơn, doanh nghiệp làm chủ thị trường đất nước, giảm phụ thuộc vào hàng hóa bên ngoài.

Cần nâng cao chất lượng hàng hóa, chú trọng trách nhiệm xã hội

Nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng, sản phẩm nội nói chung không thua sản phẩm ngoại ở chất lượng nhưng thua về “độ phủ” thương hiệu lên nhận thức của người tiêu dùng. Do đó, các chuyên gia cho rằng, trước mắt, để có thể làm tốt việc mở rộng thị trường nội địa, doanh nghiệp cần bảo đảm đạt chuẩn hàng hóa đề giữ uy tín, cũng cần chú trọng tới trách nhiệm xã hội của mình. Trong thời điểm khó khăn, để xây dựng thương hiệu tốt, ngoài chất lượng hàng hóa cũng cần có trách nhiệm xã hội cao. Đơn cử như khi sản xuất không gây ảnh hưởng đến môi trường… Nếu doanh nghiệp chú ý tới điều đó thì sẽ giữ được thị trường.

Về lâu dài, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, muốn phục vụ việc kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh, đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông, các dịch vụ logistics, cần sớm thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm bảo đảm cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch một cách công khai minh bạch trên thị trường, bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, Chính phủ cũng đã có những biện pháp để hỗ trợ khu vực sản xuất kinh doanh mở rộng thị trường nội địa. Trong đó, Chính phủ đã kịp thời đưa ra nhiều gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp; đồng hành chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp bằng những chính sách cơ cấu lại hạn trả nợ, miễn giảm lãi… cho doanh nghiệp;...

Có thể thấy rằng, trong khi tình hình xuất khẩu còn mờ nhạt về tín hiệu hồi phục, thị trường nội địa được đánh giá có độ ổn định và đặc biệt có “sức chống chịu” tốt hơn nhiều so với thị trường xuất khẩu.

Diệu Anh

Top