Thị trường trái phiếu chính phủ tháng 10/2022: Lãi suất huy động qua đấu thầu tiếp tục tăng
(Chinhphu.vn) - Tháng 10/2022, tổng khối lượng trái phiếu huy động thành công đạt 31.450 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ trúng thầu là 55,66%), nâng tổng giá trị huy động trong năm 2022 của Kho bạc Nhà nước đạt 139.432 tỷ đồng, đạt 34,86% kế hoạch và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đạt 12.300 tỷ đồng, đạt 60,29% kế hoạch.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong tháng 10, đã tổ chức 30 đợt đấu thầu Trái phiếu Chính phủ (TPCP) bao gồm 10 đợt đấu thầu TPCP do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành và 20 đợt đấu thầu TPCP bảo lãnh do NHCSXH phát hành.
Trong tổng khối lượng trái phiếu huy động thành công, trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 15 năm tiếp tục chiếm tỷ trọng cao, lần lượt 46,42% và 31,96%. Tuy nhiên, với lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm có mức tăng lần lượt là 100 và 80 điểm cơ bản so với cuối tháng 9, lên mức 4%/năm và 4,10%/năm. NHCSXH huy động thành công trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 5 năm với mức lãi suất lần lượt là 4,7% và 4,8% tại phiên cuối tháng 10.
Trên thị trường thứ cấp tháng 10/2022, thị trường TPCP ghi nhận sự sụt giảm về giá trị giao dịch với mức giảm 40,40%, đạt giá trị giao dịch bình quân 3.847 tỷ đồng/phiên, trong đó giao dịch mua bán thông thường (Outright) giảm 16,49% và giao dịch hợp đồng mua lại (Repos) giảm 57,68%.
Về lợi suất giao dịch, lợi suất giao dịch bình quân của TPCP do KBNN phát hành chủ yếu tăng ở các kỳ hạn từ ngắn đến dài, trong đó tăng nhiều nhất ở các kỳ hạn 25-30 năm, 2 năm và 1 năm (tăng tương ứng 40,56%; 31,16% và 22,49% so với cùng kỳ tháng trước) và hiện đang đạt mức lợi suất bình quân tương ứng khoảng 5,21%; 4,37% và 4,05%, cho thấy xu hướng lợi suất giao dịch công cụ nợ của Chính phủ nói chung diễn ra theo xu hướng tăng.
Về kỳ hạn giao dịch, với giao dịch Outright, kỳ hạn 7-10 năm và 20-25 năm có tỷ trọng giao dịch lớn nhất, lần lượt chiếm 22,30% và 11,57% so với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Đối với giao dịch Repos, các kỳ hạn 7-10 năm và 10-15 năm được giao dịch nhiều nhất, với tỷ trọng giao dịch so với toàn thị trường lần lượt là 13,10% và 11,21%, cho thấy các công cụ nợ trung - dài hạn từ 7 năm trở lên được thị trường quan tâm.
Giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng 66,73% so với tháng trước
Chỉ số VN30 đóng cửa tháng 10/222 tại mức 1.026,84 điểm, giảm 10,86% so với tháng 9/2022. Trên thị trường chứng khoán phái sinh, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 có giao dịch tăng mạnh với khối lượng giao dịch bình quân đạt 423.041 hợp đồng/phiên, tăng 66,73% so với tháng trước, tương ứng giá trị giao dịch bình quân (theo danh nghĩa hợp đồng) đạt 43.566 tỷ đồng, tăng 39,89% so với tháng trước. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 25/10/2022 có khối lượng giao dịch đạt 647.457 hợp đồng, mức lớn nhất trong lịch sử hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh.
Khối lượng mở (OI) tại phiên giao dịch cuối tháng 10 đạt 49.170 hợp đồng, giảm 0,62% so với tháng trước. Ngày 4/10 ghi nhận khối lượng mở OI cao nhất trong tháng, đạt 56.204 hợp đồng.
Về cơ cấu nhà đầu tư, trong tháng 10/2022, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng nhẹ so với tháng 9/2022, chiếm 1,72% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Tỷ trọng giao dịch tự doanh của Công ty chứng khoán chiếm 0,84%.
Đối với sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn 5 năm có 8.630 hợp đồng được giao dịch với giá trị giao dịch (theo danh nghĩa) đạt 8.814 tỷ đồng, loại kỳ hạn 10 năm không có giao dịch.
Khối lượng mở OI tại thời điểm 31/10/2022 là 0 hợp đồng. Các giao dịch hợp đồng tương lai TPCP trong tháng 10 đều được thực hiện bởi các nhà đầu tư tổ chức, trong đó tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chiếm 50%.
Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh vẫn tiếp tục tăng lên. Tại thời điểm cuối tháng 10/2022, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 1.124.522 tài khoản, tăng 2% so với tháng trước.
Anh Minh