Thích ứng với thiên tai, ổn định đời sống người dân vùng ngập lụt
(Chinhphu.vn) - Hiện nay mực nước trên sông Tích, sông Bùi thuộc huyện Quốc Oai và Chương Mỹ vẫn trên mức báo động 3. Đây là vùng trũng của Thành phố nên chính quyền địa phương và người dân đã chủ động thích nghi để ứng phó với tình trạng ngập lụt, ổn định đời sống, khắc phục thiên tai.
Theo ông Phạm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, mực nước sông Tích tại Trạm Vĩnh Phúc tính đến 6h30' ngày 18/9 là 8,50 m, trên mức báo động 3 là 0,50 m. Hiện tại, toàn huyện đang vận hành 4 trạm bơm tiêu với 14 tổ máy. Hiện Quốc Oai còn 8 xã có dân cư bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ngập úng là: Cấn Hữu, Phú Cát, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Đông Yên, Ngọc Liệp, Hòa Thạch, Yên Sơn với 1.294 hộ với 5.496 nhân khẩu.
Để đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân vùng lũ Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Quốc Oai đã thông báo và hỗ trợ di dời người dân cũng như tài sản thiết yếu ra khỏi vùng bão lũ nguy hiểm. Đến thời điểm hiện tại số hộ sơ tán 287 hộ với 1.116 nhân khẩu di chuyển về nơi an toàn. Trong đó có 179 nhân khẩu đến khu vực tạm cư tập trung của xã (Trường Mầm non Cấn Thượng 159 nhân khẩu; Xã Phú Cát 20 nhân khẩu) số còn lại về nhà người thân. Bên cạnh đó, hiện có 47 người sơ tán đã quay trở về, cụ thể: xã Ngọc Liệp 15 người, xã Yên Sơn 32 người.
"Ngoài việc giúp người dân sơ tán, thì đối với các hộ bị ngập đến sân, cổng chính quyền địa phương vẫn đảm bảo cung cấp điện, nước sạch đầy đủ. Đối với người dân đến khu tạm cư nhà văn hóa được Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, xã cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm đảm bảo ổn định đời sống", ông Tuấn cho biết thêm.
Để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, Quốc Oai đã huy động tất cả tổ chức chính trị, lực lượng quân đội, công an khoảng trên 10.388 lượt người than gia ứng phó, hỗ trợ nhân dân, khắc phục thiệt hại về do cơn bão số 3 gây ra. Nhất là đối với vùng trũng có trang trại chăn nuôi, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai huyện Quốc Oai đã đề nghị cho vận hành 2-3 tổ máy bơm thuộc Trạm bơm Cấn Hạ để chống ngập. Bên cạnh đó, để kịp thời tiêu úng nhanh cho vùng trang trại ngay trong đêm, lãnh đạo xã Cấn Hữu đã huy động một máy xúc và hơn 30 người là lực lượng xung kích và nhân dân tập trung vớt rác tại trạm Bơm Cấn Hạ để nước được tiêu nhanh.
Đặc biệt, do ảnh hưởng bởi mưa lũ đã gây thiệt hại cho cơ sở trường học trên địa bàn huyện, vì vậy, huyện Quốc Oai đã huy động trên 4.200 lượt người là giáo viên, phụ huynh học sinh tại các cơ sở giáo dục (các trường mầm non, tiểu học, THCS khối công lập) để thu dọn cắt tỉa, xử lý các cây bị nghiêng, gãy, đổ trong trường học. Đồng thời tiến hành dọn dẹp, vệ sinh trường lớp, khắc phục các thiệt hại do mưa bão. Đối với điểm trường mầm non Tuyết Nghĩa, trường mầm non thôn Liệp Mai xã Ngọc Liệp ngay trong đêm 10/9 đã huy động hơn 300 người là giáo viên, phụ huynh học sinh, lực lượng dân quân tự vệ tổ chức di chuyển bàn ghế, đồ dùng học tập của học sinh lên vị trí cao hơn (tầng 2, tầng 3) để bảo vệ tài sản không bị ngập. Thông báo cho các cháu nghỉ học cho đến khi nước rút.
Ngoài ra, huyện Quốc Oai cùng với các đơn vị địa phương đã tổ chức lễ phát động ra quân tổng vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 trên địa bàn 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, với khoảng trên 6.130 người tham gia.
Tương tự, trên địa bàn huyện Chương Mỹ, dự kiến mức nước trên báo động 3 và tình trạng ngập lụt sẽ vẫn kéo dài nhiều ngày và mang nhiều rủi ro, phức tạp.
Dự kiến mức nước cao còn tiếp tục kéo dài nhiều ngày tới, tiềm ẩn rất nhiều phức tạp, có thể mất an toàn bất kỳ thời điểm nào. Vì vậy, huyện Chương Mỹ đã kịp thời triển khai phương án đảm bảo đời sống, cứu trợ nhân dân, phương án hỗ trợ di dời nhân dân. Với phương châm không bỏ sót bất cứ ai ở khu vực nguy hiểm, đồng thời chuẩn bị nơi sơ tán và cung ứng các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân để bảo đảm đời sống mùa mưa lũ, đến nay, các xã trong vùng bị ngập úng đã tổ chức sơ tán 2.112 hộ với 8.860 nhân khẩu đến nơi an toàn. Bên cạnh đó tiếp tục rà soát, tổ chức sơ tán ngay các hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn.
Ngoài ra, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã vận động các tấm lòng hảo tâm để đảm bảo nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân sinh hoạt. Các vấn đề xử lý môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, ổn định sản xuất cũng được đặt ra để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến đang bị ngập sâu, ông Nguyễn Văn Phú đã di chuyển đến nhà người thân ở nơi cao ráo tạm lánh chờ nước rút. Đàn gà trên 3 vạn con cũng được di chuyển ra khỏi vùng nước ngập, tránh thiệt hại.
Ông Lê Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến chia sẻ, tại các vùng ngập hiện có 120 hộ với 102 nghìn gia cầm và trên 2 nghìn con gia súc đã được di chuyển đến nơi an toàn. Hộ gia đình nào có nhu cầu hỗ trợ thì sẽ được chính quyền xã và lực lượng quân đội hỗ trợ di chuyển để đảm bảo tài sản cho nhân dân. Hiện xã đang tiếp nhận sự giúp đỡ từ các tấm lòng hảo tâm để đảm bảo nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con ổn định cuộc sống tại nơi ở tạm tránh lũ.
Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, hiện nay, nước lũ đã đạt đỉnh và đang rút dần tuy rất chậm. Việc thống kê thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ cũng đang được thống kê để thành phố có chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất. Cùng với đó là vấn đề vệ sinh môi trường sau lũ, hạn chế dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm đảm bảo nguồn cung thực phẩm cuối năm.
Điều kiện ăn ở, nhu yếu phẩm cần thiết đã được chính quyền và các tổ chức đoàn thể bố trí đầy đủ cho điều kiện sinh hoạt của nhân dân tại nơi ở tạm, chờ an toàn cho đến khi lũ dữ đi qua để bà con trở về ổn định cuộc sống.
Thiện Tâm