Thiết lập các biện pháp khắc phục và ngăn chặn triệt để vi phạm trật tự xây dựng

29/07/2024 5:39 PM

(Chinhphu.vn) - Trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn thành phố diễn ra nhanh chóng, vì vậy Hà Nội xác định công tác quản lý lĩnh vực trật tự đô thị rất quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô. Quyết tâm ngăn chặn triệt để vi phạm trật tự xây dựng, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tăng cường quản lý trật tự xây dựng và thực hiện nghiêm túc việc quản lý chất lượng công trình, dự án trên địa bàn.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại

Thời gian qua, trên cơ sở tham mưu của Sở Xây dựng Hà Nội, UBND thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng.

Thiết lập các biện pháp khắc phục và ngăn chặn triệt để vi phạm trật tự xây dựng- Ảnh 1.

Nhờ công tác quản lý trật tự xây dựng được tăng cường nên tỉ lệ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội giảm, đặc biệt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2024. Ảnh minh họa: VGP/Thùy Chi

Căn cứ các kế hoạch của UBND thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội đã giao các phòng, ban, đơn vị thuộc sở thực hiện. Thanh tra Sở Xây dựng thường xuyên ban hành các văn bản và tổ chức các buổi làm việc, hướng dẫn UBND cấp huyện, UBND cấp xã, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý vi phạm tại địa bàn.

Từ năm 2021 đến tháng 2/2024, UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị đối với gần 1.000 công trình; trong đó đã hoàn thành xử lý 671 công trình, còn lại đang tiếp tục xử lý. Cũng trong giai đoạn này, Thanh tra Sở Xây dựng đã thanh tra, kiểm tra 31 công trình, dự án, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm về trật tự xây dựng đối với 2/31 dự án.

Tại huyện Hoài Đức, UBND huyện đã lập đường dây nóng 24/24 giờ và công khai trên trang thông tin điện tử của huyện để tiếp thu thông tin phản ánh của nhân dân và báo chí về tình hình quản lý trật tự xây dựng. UBND huyện định kỳ, đột xuất tổ chức hội nghị giao ban về quản lý đất đai, trật tự xây dựng để kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý, xử lý vi phạm trật tự xây dựng và đề ra phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Hoài Đức đã kiểm tra, phát hiện 13 trường hợp vi phạm mới và tiến hành các bước xử lý. Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn cũng từng bước rà soát, tổng hợp trường hợp vi phạm được nêu tại các kết luận thanh tra và xử lý cơ bản dứt điểm nhiều trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp. Theo đó, các địa phương đã xử lý xong 123/174 vụ việc, đang xử lý 51 vụ việc còn tồn đọng.

Còn tại huyện Thạch Thất, khảo sát của Ban Đô thị cho thấy, một số công trình vi phạm chưa được xử lý triệt để. Điển hình là vụ vi phạm tại chung cư mini My House (thôn Phú Hữu, xã Tân Xã, huyện Thạch Thất), do không xử lý quyết liệt ngay từ giai đoạn đầu thi công nên vi phạm hiện hữu của công trình có quy mô khá lớn. UBND xã Tân Xã và UBND huyện Thạch Thất đã, đang tuyên truyền, vận động chủ đầu tư tự tháo dỡ công trình vi phạm, tuy nhiên tiến độ xử lý còn chậm.

Riêng trong 6 tháng đầu năm, nhiều vụ việc vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, kéo dài cơ bản đã được giải quyết. Một số địa bàn báo cáo không phát sinh công trình vi phạm hoặc có tỉ lệ công trình vi phạm thấp (dưới 1%).

Theo số liệu đang được tổng hợp, 100% công trình vi phạm đã được UBND cấp huyện, xã lập biên bản. So với cùng kỳ năm 2023, số công trình vi phạm trật tự xây dựng giảm 119 công trình (tỉ lệ vi phạm giảm từ 2,36% xuống 1,41%). Tỉ lệ công trình vi phạm đang tiếp tục giải quyết giảm 2,26% (từ 58,26% xuống 56%).

UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 313 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, với tổng số tiền gần 6,6 tỉ đồng, thu về ngân sách nhà nước gần 5 tỉ đồng.

7 quận, huyện, thị xã không để phát sinh vi phạm, gồm: Ứng Hòa, Quốc Oai, Hai Bà Trưng, Mỹ Đức, Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn. 8 địa phương có tỉ lệ công trình vi phạm thấp, gồm: Long Biên, Hà Đông, Ba Đình, Hoài Đức, Phúc Thọ, Hoàng Mai, Thanh Trì và Đông Anh.

Ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng ngay từ khi phát sinh

Nhờ công tác quản lý trật tự xây dựng được tăng cường nên tỉ lệ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội giảm, đặc biệt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2024. Nhiều công trình vi phạm bị ngăn chặn ngay từ khi phát sinh. Ngoài ra, ý thức thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức có chuyển biến tích cực... Tuy nhiên, công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương cho biết, điển hình là lĩnh vực quy hoạch, cấp phép xây dựng. Tại Khoản 1, Điều 91 Luật Xây dựng (sửa đổi, bổ sung năm 2020) về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị, quy định: "Phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị thì phải phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành". Tuy nhiên, thực tế hiện nay, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy chế quản lý và thiết kế đô thị trên địa bàn thành phố chưa được phủ kín hoặc các đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt trước đây tại một số địa bàn quận trung tâm không còn phù hợp, do vậy phát sinh khó khăn trong công tác thực hiện cấp giấy phép xây dựng.

Đối với các công trình đề nghị cấp giấy phép xây dựng chưa đáp ứng các điều kiện nêu trên, một số địa phương phải xin ý kiến về thông tin quy hoạch cho từng công trình cụ thể, từ đó mới có cơ sở để cấp giấy phép xây dựng. Tại một số địa phương đã có quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn, việc cấp phép đã thực hiện theo quy định, song việc phê duyệt quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn còn chậm, dẫn đến cơ sở cấp giấy phép xây dựng gặp nhiều khó khăn...

Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND cấp huyện sớm thực hiện các đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, thiết kế đô thị 2 bên tuyến đường (đặc biệt các tuyến đường mới mở…) để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch.

Đối với công tác quản lý trật tự xây dựng, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, đã có nhiều chuyển biến tích cực, song trên địa bàn thành phố vẫn phát sinh một số vụ việc vi phạm chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.

Nguyên nhân một phần là do các đội thanh tra xây dựng (nay là đội quản lý trật tự xây dựng đô thị) là mô hình thí điểm nên tổ chức bộ máy không ổn định; thanh tra viên được bổ nhiệm trước đây, hiện đang công tác tại các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị không được hưởng phụ cấp, không có thẩm quyền xử phạt; các quy định của pháp luật về quản lý trật tự xây dựng chưa rõ ràng, chặt chẽ...

Ông Luyện Văn Phương cho biết, thời gian tới, triển khai Luật Thủ đô năm 2024, UBND thành phố Hà Nội sẽ ban hành, thiết lập các biện pháp ngăn chặn triệt để đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng, bao gồm việc hoàn thiện chính sách, đề ra những chế tài xử lý đủ sức răn đe (ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước)…

Cần có biện pháp mạnh để ngăn chặn triệt để vi phạm trật tự xây dựng

Trước yêu cầu quản lý trật tự xây dựng ngày càng cao, hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn cho người dân, bảo đảm kỷ cương pháp luật, giải pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm đã được quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi). Biện pháp mạnh này được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả, tháo gỡ nhiều vướng mắc phát sinh trong quản lý trật tự xây dựng hiện nay.

Trong Khoản 2, Điều 33, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định, trong trường hợp thật cần thiết, để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép xây dựng, thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy...

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có biện pháp mạnh mới giải quyết được vướng mắc, do vậy việc cắt điện, nước là giải pháp hữu ích, hỗ trợ quá trình giải quyết vi phạm trật tự xây dựng.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự xây dựng; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.

Phó Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Thạch Thất Nguyễn Đức Quân cho rằng, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực, mong thành phố sớm có quy định cụ thể, hướng dẫn việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để ngăn chặn kịp thời các công trình vi phạm, bảo đảm tính khả thi, nghiêm minh của pháp luật. Trên thực tế, công trình vi phạm trật tự xây dựng phát sinh rất phức tạp, đòi hỏi phải có biện pháp phù hợp để giải quyết triệt để".

Trong thực tế, công tác thanh tra trong lĩnh vực quản lý xây dựng đô thị có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, để hoạt động thanh tra thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế, cần đổi mới, hoàn thiện bộ máy và các phương thức thực hiện công tác thanh tra theo hướng tinh gọn, công khai, minh bạch, hiệu quả; đồng thời xem xét có thể chuyển lực lượng thanh tra địa bàn về quận, huyện quản lý sẽ phù hợp hơn. Đi đối với đó, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về các biện pháp xử lý vi phạm đối với các vi phạm hành chính về trật tự xây dựng.

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, với vai trò quản lý lĩnh vực được UBND thành phố giao, các bộ phận chức năng của Sở Xây dựng sẽ có trách nhiệm tham mưu với thành phố xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình xây dựng vi phạm. Giải pháp xử lý quyết liệt này chắc chắn sẽ giúp việc bảo đảm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố phát huy hiệu quả hơn, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc đã tồn tại từ lâu.

Thùy Chi

Top