Thiếu trường công ở Hà Nội: Cần giải pháp căn cơ

13/04/2024 10:49 AM

(Chinhphu.vn) - Trong nhiều năm qua, tình trạng thiếu trường công lập trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là chỉ tiêu đầu vào lớp 10 bậc THPT công lập đã tạo áp lực cho các học sinh cũng như các bậc phụ huynh. Vậy làm thế nào để giải bài toán thiếu trường công ở Hà Nội hiện nay cũng như trong thời gian xa hơn?

Thiếu trường công ở Hà Nội: Cần giải pháp căn cơ- Ảnh 1.

Năm học 2024 -2025, theo kế hoạch phân luồng tuyển sinh vào lớp 10 THPT Hà Nội có khoảng 61% học sinh học tại các trường THPT công lập. Ảnh: VGP/Minh Anh

Khoảng 39% học sinh lớp 10 phải học trường tư

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, trong Kế hoạch phân luồng và Kế hoạch của UBND Thành phố về việc triển khai Đề án "Giáo dục nghề nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" đã đặt mục tiêu phấn đấu 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên vừa đào tạo chương trình trung cấp nghề vừa học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình cấp THCS vào học lớp 10 tại các trường THPT công lập 60%.

Năm học 2024-2025, theo kế hoạch phân luồng tuyển sinh vào lớp 10 THPT Hà Nội có khoảng 61% học sinh học tại các trường THPT công lập, số còn lại khoảng 39 % sẽ được phân luồng học tại các trường THPT tư thục, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng, trung cấp dạy văn hóa kết hợp học nghề theo định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông của Thành phố và Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025".

Theo thống kê sơ bộ, năm học 2024-2025, Hà Nội dự tính có 134.942 học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10, tăng 5.732 học sinh so với năm học 2023-2024.

Như vậy, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tới đây tại Hà Nội dự kiến khoảng 82.000 học sinh đỗ vào các trường công lập, còn lại khoảng 53.000 học sinh không đỗ, phải theo học trường tư hoặc trường nghề.

Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, TS. Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho rằng, thi tuyển sinh vào lớp 10 trường công được nhìn nhận là căng thẳng nhất trong các kỳ thi ở Việt Nam. Phải nói đây là kỳ thi rất khốc liệt đối với không những học sinh, phụ huynh và rộng ra là cả hệ thống quản lý giáo dục phổ thông cũng như bộ phận không nhỏ cư dân trong xã hội.

Những ai từng có con cháu phải qua kỳ thi như "vượt vũ môn" này đều có ám ảnh khó quên với những trải nghiệm và cảm xúc đan xen vừa tích cực và vừa tiêu cực. Từ đó đưa ra những nhận định không đúng bản chất phức tạp về kỳ thi trong xã hội và trong ngành giáo dục.

Trước hết, các địa phương đã thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi và củng cố kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học và THCS rất tốt, dẫn đến số lượng học sinh lớp 9 ổn định và ngày càng đông.

Tuy nhiên, chúng ta lại không có biện pháp thực hiện mục tiêu tiếp theo của Chỉ thị, đó là phải có ít nhất 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề. Đây là nguyên nhân cơ bản mang tính chiến lược, khiến tất cả học sinh học hết lớp 9 chỉ có một con đường là thi tuyển sinh vào 10.

Trong thực tế, tồn tại của hoạt động phân luồng học sinh sau THCS, có từ hai phía: Phía các nhà trường coi nhẹ hoặc làm không đến nơi đến chốn trong việc tuyên truyền, tư vấn nghề cho phụ huynh và học sinh. Cơ cấu lao động qua đào tạo ở Việt Nam rất bất hợp lý. Còn phía các trường nghề còn thiếu đầu tư, chậm đổi mới chưa chú trọng làm mới mình để thực sự cuốn hút học sinh phổ thông…

Cần giải pháp căn cơ

Theo TS. Đặng Tự Ân, để giải quyết những tồn tại trên, chúng ta phải gạt bỏ cách lập luận rằng, thi vào Đại học nếu trượt vẫn có thể đỗ qua xét học bạ hoặc có thể vào Cao đẳng hay đi học chuyên nghiệp, còn trượt vào lớp 10 là số phận đã an bài, cánh cửa vào đời đã đóng lại. Trước hết, hướng nghiệp phải làm rất sớm, từ cấp Tiểu học. Chúng ta phải thay đổi cách nghĩ của nhiều người, vẫn chỉ là hướng cho con học tập trung Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Thực chất là theo đuổi "văn hóa" thi, học thuật hay bằng cấp. Thậm chí ép con học ngày học đêm, tới 12 tiếng một ngày để đi thi với quan điểm "cá chép phải vượt khó khăn mới thành rồng" được.

Điều mà phụ huynh cần quan tâm sẽ là con cái được học những gì, phát triển theo thiên hướng nào, môi trường nào có thể tạo cơ hội, phát huy tiềm năng tốt nhất của đứa con báu vật của mình. Hãy chọn cho con một môi trường có nhiều trải nghiệm với triết lý giáo dục rõ ràng, học để làm người và bám sát nhu cầu phát triển xã hội, trải nghiệm trên sự tử tế và hướng tới sự trưởng thành của mỗi đứa trẻ mà không ai giống ai.

Song song với đó, các trường nghề cũng phải tự mình hoặc kết nối các trường THCS để quảng bá bản thân, mời chào hấp dẫn, đặc biệt có cam kết có việc làm ngay sau khi học sinh tốt nghiệp ra trường. Các trường THCS tổ chức kết nghĩa, tổ chức trải nghiệm với các doanh nghiệp trên địa bàn từ đó có những thực tế sống động và thuyết phục về chọn nghề hoặc định hướng nghề nghiệp cho bản thân học sinh.

Nhà nước nên có chính sách khuyến các nhà đầu tư vào việc thành lập và phát triển các trường nghề với nhiều ưu đãi tốt hơn khi đầu tư vào các lĩnh vực khác.

Ngoài ra, cần chăm lo tới các Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm giáo dục nghề địa phương. Các địa phương đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, các trung tâm giáo dục không chính quy ở địa phương. Hỗ trợ các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề. Đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh và trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

Bên cạnh đó, tăng số lượng trường tư, từ đó sẽ giảm áp lực thi tuyển sinh. Nếu làm tốt thì không chỉ giải quyết được áp lực kỳ thi mà còn giải quyết được lương của giáo viên… Lúc đó ngân sách tập trung cho trường công hơn, không bị dàn trải. Điều này mang tính chiến lược và xu thế của nhiều quốc gia.

Cuối cùng, TS. Đặng Tự Ân cho rằng, giải pháp căn cơ để có đáp án khả thi cho tuyển sinh THPT vẫn là làm tốt hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề. Các cơ quan hoạch định và quản lý giáo dục các cấp phải thay đổi lớn về tư duy đánh giá học sinh, phải lấy đánh giá nhận xét cả quá trình học của học sinh làm căn cứ chủ đạo để sàng lọc phân luồng học sinh, thi chỉ là một khâu đánh giá. Cần bám sát tinh thần đổi mới giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng để định hướng giáo dục đổi mới. Trong đó, Nghị quyết đã chỉ rõ phải chuyển đổi nhà trường, chuyển đổi giáo dục. Và điểm cốt lõi nhất nằm ở dạy học phát triển năng lực học sinh. Tức là dạy học theo chuẩn năng lực và thái độ kỹ năng sống…

Về phía Sở GD&ĐT Hà Nội, trước thực trạng trên, Sở đã đề xuất, tham mưu, kiến nghị Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố nhiều giải pháp. Cụ thể, phối hợp với các sở ngành, quận, huyện, thị xã tham mưu UBND Thành phố, trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết 02/NQ-HĐND của HĐND Thành phố về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, tham mưu UBND Thành phố để chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tập trung nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thành lập mới, sửa chữa cải tạo các trường theo Kế hoạch số 139/KH-UBND của UBND Thành phố về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo.

Tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo các sở ngành, quận huyện rà soát những ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học các cấp và trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa địa bàn Thành phố, đặc biệt tại những nơi thiếu trường, lớp học;…

Đồng thời, phối hợp các sở ngành xây dựng Quy hoạch mạng lưới trường trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ vị trí ô đất, diện tích, quy mô trường lớp.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội, tiếp tục đẩy mạnh chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân đầu tư xây dựng mới các trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài giảm gánh nặng ngân sách, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường học…

Minh Anh

Top