Thông điệp mạnh mẽ về thích ứng an toàn trong Chỉ thị 22 của Chủ tịch TP. Hà Nội

21/09/2021 8:27 AM

(Chinhphu.vn) - Tối muộn ngày 21/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký và ban hành Chỉ thị 22 về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới với 10 nội dung lớn và hàng loạt các nhiệm vụ cụ thể để bảo vệ an toàn cho người dân, an toàn để phục hồi sau những ngày dài giãn cách và an toàn thích ứng lâu dài với dịch bệnh…

* Từ 6h ngày 21/9: Hà Nội thực hiện Chỉ thị 15, cho phép hoạt động nhiều dịch vụ

Từ 06h00 ngày 21/9/2021, Hà Nội điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo nguyên tắc tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Phú Khánh

“An toàn”

Trong Chỉ thị 22 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cụm từ “an toàn” được nhấn mạnh 25 lần. “An toàn” là để bảo vệ người dân, “an toàn” để thích ứng lâu dài trong trạng thái bình thường mới.

2 trong 3 mục tiêu lớn mà Hà Nội đặt ra trong việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn trong tình hình mới đều có cụm từ này đó là: Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho Thủ đô; điều chỉnh các giải pháp thích ứng an toàn với diễn biến của dịch bệnh, đảm bảo công tác an sinh, xã hội, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ an toàn trên địa bàn Thành phố.

Mục tiêu tiếp tục kiểm soát tình hình trên địa bàn Thành phố trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước; phấn đấu hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng cũng là để hướng tới sự an toàn lâu dài, bền vững.

“An toàn” cũng là yêu cầu được nhấn mạnh nhiều lần trong 8 nguyên tắc thực hiện của Chỉ thị. Đó là an toàn phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn cụ thể của từng sở ngành; địa phương chủ động quyết định các biện pháp gắn với yêu cầu kiểm tra, giám sát thực hiện để đảm bảo hiệu quả, an toàn phòng, chống dịch và chịu trách nhiệm trước Thành phố. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nóng vội, chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch.

Một loạt nguyên tắc: “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn phòng dịch”; cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động phải xây dựng phương án thích ứng an toàn phòng, chống dịch…Các nhà máy, cơ sở sản xuất ngoài Khu/Cụm công nghiệp chủ động phê duyệt kế hoạch sản xuất an toàn đáp ứng tình hình dịch bệnh, gửi UBND xã, phường, thị trấn để quản lý, giám sát, kiểm tra; chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương về công tác phòng, chống dịch của đơn vị…

Yêu cầu và mục tiêu an toàn được lượng hóa bằng 23 nhiệm vụ chi tiết cho từng sở, ban, ngành. Với các quận huyện, thị xã Chỉ thị cũng nêu ra một loạt các nhiệm vụ cụ thể. Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động được liệt kê rõ với yêu cầu an toàn cụ thể. Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất cũng có các nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo an toàn mới được sản xuất…

Chỉ thị cũng có phụ lục cụ thể về các hướng dẫn phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và Hà Nội với: Hộ gia đình, khu chung cư, chợ, siêu thị, vận chuyển hàng hóa, lễ tang... Việc này giúp các cơ quan, đơn vị, hay các doanh nghiệp và cả người dân có thể tra cứu dễ dàng, thống nhất quan điểm và cách thực hiện.

Tất cả nội dung chỉ đạo đều gắn với các căn cứ pháp lý và rất chi tiết với yêu cầu rõ về việc kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm; chịu trách nhiệm của cá nhân, tổ chức...chắc chắn sẽ là “mệnh lệnh” thông suốt, không để vướng mắc ở cơ sở và có thể triển khai mạch lạc, hiệu quả.

“Chiến thuật”

Việc điều chỉnh các biện pháp phòng chống COVID-19 được tập trung cho 2 nội dung: Ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài và kiểm soát chặt chẽ việc nới lỏng bên trong.

Khi nới lỏng, việc ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập có ý nghĩa quan trọng mà ai cũng biết. Vì vậy, Hà Nội tiếp tục duy trì hoạt động 22 chốt tại các cửa ngõ ra/vào Thành phố và 33 chốt tại các quận, huyện, thị xã giáp ranh các tỉnh lân cận để thực hiện kiểm soát người và phương tiện; tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông vận tải dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài và vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội. Tiếp tục tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy: Xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách bằng xe mô tô…

Đây vẫn là “chiến thuật” quan trọng khi dịch bệnh ở nhiều tỉnh thành vẫn đang diễn biến phức tạp. Thủ đô với đặc thù là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục, giao thương thì những chốt chặn cửa ngõ có ý nghĩa sống còn trong việc bảo vệ thành quả chống dịch.

Phía trong Thành phố, Hà Nội yêu cầu tiếp tục duy trì các chốt tự quản tại các khu dân cư, tổ dân phố; kiểm soát chặt di biến động của người dân. Đây là nội dung bám sát chỉ đạo của Thủ tướng bởi không ai bảo vệ người dân tốt hơn chính người dân: “Người dân vừa là trung tâm để cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị phục vụ, vừa là chủ thể của việc phòng chống dịch. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân”.

Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 Quốc gia, Hà Nội đã và đang sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong việc truy vết các trường hợp liên quan đến COVID-19; bản đồ dịch bệnh được cập nhật liên tục…Trong Chỉ thị 22, bên cạnh việc tiếp tục đẩy nhanh tiêm phủ vaccine mũi 2 cho người 18 tuổi, Hà Nội cũng yêu cầu đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch và quản lý, giám sát di biến động trên địa bàn Thành phố.

Tất cả cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động phải yêu cầu toàn bộ người đến mua hàng/sử dụng dịch vụ và khai báo y tế bằng mã QR; người giao hàng phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, khai báo y tế hàng ngày trên ứng dụng VN-eID hoặc website: suckhoe.dancuquocgia.gov.vn…Người dân cũng được yêu cầu, khai báo y tế hàng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone

Đây là “chiến thuật” không mới nhưng từ kinh nghiệm của các nước đã kiểm soát dịch thành công thì rất hiệu quả trong việc giám sát chặt chẽ, nhanh chóng truy vết, ngăn không để các “điểm đỏ” lây lan. Khi việc này trở thành quy định bắt buộc, sau này sẽ giảm thiểu mối lo từ những ca bệnh không rõ nguồn lây…

Hà Nội cũng yêu cầu tiếp tục duy trì việc phong tỏa hẹp, quản lý chặt tại các điểm phong tỏa trên địa bàn thành phố với những yêu cầu rõ ràng với các quận huyện, phường xã. Các giải pháp không phải “đóng đinh” mà được nêu rõ là điều chỉnh các hoạt động phòng dịch linh hoạt, bám sát tình hình thực tiễn…

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, những “chiến thuật” lớn được Thành phố đặt ra trên căn cứ khoa học và trao quyền cho từng “pháo đài” xã, phường, nơi trực tiếp phòng, chống dịch COVID-19. Sự linh hoạt này giúp thành phố theo kịp diễn biến thực tế của dịch bệnh. Nếu Chỉ thị được thực hiện nghiêm túc, chắc chắn Thủ đô sẽ có diện mạo khác trong trạng thái bình thường mới trong những ngày sau.

Phú Khánh

Top