Thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

09/07/2025 6:33 PM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội thông qua Nghị quyết hỗ trợ sản xuất nông nghiệp với mức hỗ trợ cụ thể theo từng loại cây trồng, vật nuôi và thiệt hại. Chính sách nhằm giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sớm ổn định cuộc sống và tái sản xuất hiệu quả.

Chiều 9/7, tại Kỳ họp thứ 25, HĐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết quy định chi tiết chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhằm kịp thời giúp nông dân và các tổ chức sản xuất khôi phục sản xuất tại các vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.

Hỗ trợ đúng đối tượng, rõ ràng theo mức độ thiệt hại

Theo nội dung Nghị quyết, đối tượng được hưởng hỗ trợ là các cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ (cơ sở sản xuất) có hoạt động trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội bị thiệt hại do thiên tai hoặc dịch hại thực vật gây ra.

Nghị quyết nêu các mức hỗ trợ chi tiết, được phân loại rõ ràng theo đối tượng cây trồng, vật nuôi, giai đoạn sinh trưởng và tỷ lệ thiệt hại. Mức hỗ trợ được tính bằng tiền hoặc quy đổi tương đương bằng giống cây, con, hiện vật.

Thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp- Ảnh 1.

Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua các nghị quyết trong phiên họp chiều 9/7.Ảnh: VGP/GH

Cụ thể, về hỗ trợ cây trồng là lúa, mức hỗ trợ tăng dần theo thời gian sinh trưởng và mức độ thiệt hại. Cao nhất là 15.000.000 đồng/ha khi lúa sau gieo trên 45 ngày bị thiệt hại hơn 70%. Đối với diện tích mạ bị thiệt hại, mức hỗ trợ khá cao, lên tới 45.000.000 đồng/ha nếu thiệt hại hơn 70%.

Đối với cây hằng năm khác (rau màu, ngô...), thành phố phân theo 3 giai đoạn (cây con, đang phát triển, cận thu hoạch). Mức hỗ trợ cao nhất ở giai đoạn cận thu hoạch là 22.500.000 đồng/ha (thiệt hại >70%).

Đối với cây lâu năm (cây ăn quả, công nghiệp...), thành phố phân biệt theo thời kỳ (kiến thiết cơ bản, kinh doanh). Mức hỗ trợ cao nhất (45.000.000 đồng/ha) áp dụng khi cây ở thời kỳ kinh doanh bị chết hoặc không phục hồi được, hoặc là vườn cây đầu dòng. Đặc biệt, cây giống trong vườn ươm từ nguồn vật liệu cây đầu dòng bị thiệt hại được hỗ trợ rất cao với mức 90.000.000 đồng/ha (thiệt hại >70%).

Đối với cây cảnh, cây giá trị kinh tế cao, thành phố có quy định riêng, trong đó nổi bật là hỗ trợ 90.000.000 đồng/ha cho cây quất cảnh bị thiệt hại trên 70%; 60.000.000 đồng/ha cho cây đào cảnh, cây phật thủ kinh doanh và một số loại cây cảnh khác (mai trắng, phát lộc, nhài nhật, hoa giấy, hoa trà, mai tứ quý, lan tiêu, hoa mộc, nguyệt quế, mai vạn phúc, mẫu đơn, tường vi, hoa đại). Cây khoai tây, khoai lang, hoa lily, hoa lan được hỗ trợ tối đa 30.000.000 đồng/ha.

Hỗ trợ lâm nghiệp và thủy sản theo chu kỳ sản xuất

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, mức hỗ trợ được xác định dựa trên chu kỳ sinh trưởng và loại rừng. Đối với cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ theo chu kỳ khai thác (dưới hoặc trên 1/2 chu kỳ) và loại rừng trồng gỗ lớn, thành phố xác định mức cao nhất là 22.500.000 đồng/ha. Vườn giống, rừng giống được hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha (thiệt hại >70%).

Đối với cây giống trong vườn ươm, thành phố phân theo nhóm cây sinh trưởng nhanh (60.000.000 đồng/ha) và chậm (90.000.000 đồng/ha) nếu thiệt hại trên 70%.

Về hỗ trợ thủy sản, đối với trường hợp nuôi bán thâm canh, thâm canh trong ao/đầm/hầm, thành phố hỗ trợ 90.000.000 đồng/ha diện tích bị thiệt hại. Nuôi trong bể, lồng, bè được hỗ trợ 45.000.000 đồng/100 m³ thể tích bị thiệt hại. Nuôi theo hình thức khác được hỗ trợ 22.500.000 đồng/ha.

Ngoài ra, thành phố còn quy định cụ thể các mức hỗ trợ vật nuôi (chết, mất tích do thiên tai), quy định rất chi tiết theo loài, độ tuổi.

Chính sách thiết thực, tạo nền tảng cho phục hồi nông nghiệp bền vững

Để triển khai Nghị quyết một cách chủ động và hiệu quả, UBND cấp xã được giao thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện từ nguồn dự phòng ngân sách cấp mình. Trường hợp nhu cầu vượt quá 50% nguồn dự phòng của xã, UBND cấp xã phải tổng hợp, báo cáo Sở Nông nghiệp và Môi trường thẩm định, trình UBND thành phố xem xét bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách cấp thành phố hoặc các nguồn tài chính hợp pháp khác. Cơ chế này bảo đảm tính linh hoạt và kịp thời của nguồn vốn hỗ trợ.

Cùng với đó, UBND thành phố có trách nhiệm vụ tổ chức thực hiện Nghị quyết, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân, và đặc biệt là tổ chức hỗ trợ trực tiếp, đúng đối tượng, đúng mức quy định.

Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố có trách nhiệm giám sát việc thực hiện.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội cũng được đề nghị phối hợp tuyên truyền và tham gia giám sát, tạo sự đồng thuận và minh bạch trong quá trình thực hiện.

Việc ban hành Nghị quyết với các quy định hỗ trợ cụ thể, chi tiết và mức hỗ trợ được nâng lên đáng kể so với trước đây thể hiện sự quan tâm sâu sát, kịp thời của chính quyền thành phố Hà Nội đối với những khó khăn, mất mát mà người nông dân và các tổ chức sản xuất nông nghiệp phải gánh chịu do tác động của thiên tai và dịch bệnh.

Đây không chỉ là nguồn động viên về vật chất mà còn là sự động viên tinh thần to lớn, giúp người sản xuất nhanh chóng ổn định cuộc sống, tái sản xuất, góp phần duy trì và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay.

Sự chủ động trong nguồn kinh phí và cơ chế giám sát đa chiều là cơ sở để chính sách này sớm đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực cho ngành Nông nghiệp và người dân Hà Nội.

Thùy Chi

Top