Thủ công mỹ nghệ Hà Nội: Cần sáng tạo để bắt kịp xu hướng

22/10/2022 2:02 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội sở hữu những giá trị tiêu biểu, trong đó có “tính độc đáo của muôn nghề”. Việc tập trung khơi dậy tinh hoa nghề thủ công mỹ nghệ, khuyến khích sáng tạo ra những mẫu mã sản phẩm mới cho thấy hướng đi đúng của Thủ đô.

Thủ công mỹ nghệ Hà Nội: Cần sáng tạo để bắt kịp xu hướng - Ảnh 1.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội ngày càng nhiều mẫu mã sáng tạo, độc đáo. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội cũng cho thấy, Hà Nội hiện có 308 làng nghề truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng, như: Lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ); thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín)…

Trong đó có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm… cho thấy tiềm năng làng nghề là rất lớn.

Khích lệ sáng tạo mẫu mã mới

Mới đây, tại lễ trao giải Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2022, đã có nhiều mẫu sản phẩm được trao giải thuộc 6 nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tác phẩm "Cành sen như ý" đã đạt giải nhất Cuộc thi nhóm sản phẩm khảm trai, sừng, gỗ mỹ nghệ.

Bà Lê Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Đông Nam Á, Phó Chủ tịch Làng nghề lược sừng Thụy Ứng  (Tác giả của sản phẩm) chia sẻ, cuộc thi giúp khích lệ những nghệ nhân như chúng tôi có động lực liên tục tạo ra những sản phẩm khác biệt để đưa ra thị trường trong nước và quốc tế.

Hay với những thiết kế đương đại phù hợp với nội thất hiện đại, "Bộ tượng Ngũ hổ" của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã đạt giải Nhì trong Cuộc thi nhóm sản phẩm sơn mài. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ, bức tượng con hổ nhưng được thể hiện với những hình khối khúc triết hơn, tạo ra cái nhìn mới mẻ hơn về hình tượng con hổ và thu hút được nhiều người xem. Bên cạnh đó, rất phù hợp với việc đưa vào trưng bày tại những khu vực có nội thất hiện đại.

Hiện, các sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát 70% là xuất khẩu còn lại là tiêu thụ trong nước. Nhiều năm liền tham gia Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho hay: "Các sản phẩm của tôi không chỉ hướng đến tính thẩm mỹ mà còn hướng tới tính thân thiện với môi trường, theo xu thế sản xuất và tiêu dùng bền vững".

Theo các chuyên gia, các sản phẩm được lựa chọn đều thể hiện rõ giá trị văn hóa truyền thống nghề Hà Nội. Sự sáng tạo ở mỗi sản phẩm được tạo ra trên nền tảng giá trị tinh hoa của mỗi nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống lâu đời.

Đáng chú ý, những chất liệu mới đã được các nghệ nhân, thợ giỏi tích hợp hài hòa, tinh tế, độc đáo vào từng sản phẩm, sự kết hợp sáng tạo từ nhiều loại nguyên liệu trên cùng một sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ vào thiết kế, chế tác đã tạo ra những mẫu sản phẩm, tác phẩm vừa mang 'hơi thở' hiện đại vừa có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao, những hoa văn, hoa tiết, hình khối và màu sắc độc đáo tạo sự đa dạng phong phú, ứng dụng trong nhiều mục đích sử dụng.

Tiếp tục có những chính sách cho các hoạt động sáng tạo

Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội cho hay, người nước ngoài thường bỏ ra hàng giờ để ngắm và lựa những món quà đặc sắc được thiết kế hài hòa, tinh tế, chứa đựng nhiều điển tích và chất liệu dân gian.

Tuy nhiên, dù sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh, song ngành thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội, cũng giống nhiều nơi trên cả nước, đang gặp không ít thách thức, khiến nghề này chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn thiếu chiến lược, kế hoạch để thúc đẩy, hỗ trợ và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ. Việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất còn hạn chế, sản phẩm thiếu sự độc đáo, chưa thể hiện rõ bản sắc văn hóa…

Do đó, bà Hà Thị Vinh mong muốn, thành phố Hà Nội sớm có những chính sách đặc thù hỗ trợ cơ sở sản xuất làng nghề như có thể tổ chức một nguồn quỹ khuyến khích giới trẻ học nghề truyền thống, tổ chức các hoạt động sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ đương đại từ tri thức dân gian; các trường đào tạo nghề có chương trình đào tạo kỹ năng chuyên sâu về nghề cho từng dòng sản phẩm…, góp phần tạo nguồn kế cận dồi dào, trí thức cao và sáng tạo.

Có thể thấy, việc TP. Hà Nội tổ chức Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội chính là một sân chơi và cơ hội để các nghệ nhân, doanh nghiệp làng nghề thể hiện sức sáng tạo, độc đáo trong sản phẩm của mình. Đồng thời, ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng Thành phố trong việc hỗ trợ các làng nghề.

Bích Phương

Top