Thủ đô Hà Nội - 'Những dấu son còn mãi'
(Chinhphu.vn) - Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là mốc son sáng chói trong lịch sử nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.
Ký ức hào hùng của những thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ký ức ngày Giải phóng Thủ đô ấy vẫn sống động trong lòng những thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô, những người từng sống trong không khí rộn ràng và xúc động của một Hà Nội hoàn toàn độc lập - tự do.
Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô được thành lập vào tháng 7 năm 1954 tại đình làng Sòng (xã An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) gồm hơn 300 đội viên là học sinh sắp tốt nghiệp tú tài từ các trường kháng chiến ở Việt Bắc như: Hùng Vương, Tân Trào, Lương Ngọc Quyến.
Đội được chia thành 17 phân đội vào Hà Nội từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 10 để chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Nhiệm vụ của họ là tiếp cận, tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước, giải đáp thắc mắc cho người dân, dọn dẹp, trang hoàng phố phường và tổ chức các hoạt động chào đón bộ đội về Thủ đô.
Chia sẻ với phóng viên, Ông Đoàn Xuân Lộ (sinh năm 1936), là một trong những thanh niên xung phong ngày ấy xúc động kể lại kỷ niệm bản thân cùng đoàn thanh niên tiến vào Thủ đô. Nhớ lại, tiểu đội của ông được giao nhiệm vụ ở khu phố Hàng Bông, Hàng Gai, Đường Thành, nơi họ hăng say tuyên truyền, tổ chức các buổi tập hát, múa cùng thanh thiếu niên, chào đón bộ đội vào tiếp quản Thủ đô.
"Ngày giải phóng, cứ 5 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt trên vỉa hè để tập thể dục toàn dân theo tiếng loa phát thanh và dọn vệ sinh phố xá vào mỗi sáng thứ Bảy. Đó là những ngày tháng sôi động, vui tươi, khi từng người dân chúng tôi thực sự được sống trong niềm tự hào của một nước Việt Nam độc lập", cựu thanh niên xung phong Đoàn Xuân Lộ xúc động nói.
Vẹn nguyên ký ức ngày trở về sau 70 năm
Dù đã ở tuổi 89, ông Nguyễn Văn Khang (sinh năm 1935), Trưởng ban liên lạc của Đội Thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô vẫn nhớ rõ chi tiết về sự kiện cách đây 70 năm. Mỗi khi nhắc lại, ông vẫn bồi hồi và xúc động về ký ức hào hùng những ngày tham gia Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) đã thành lập "Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô" với hơn 300 đội viên ưu tú.
Những chàng trai cô gái khi ấy đều 18 đôi mươi, dưới sự dẫn dắt của đồng chí Đội trưởng Vương Bích Vượng, Ủy viên Thường vụ Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam đã khắc ghi dấu ấn lịch sử bằng lòng nhiệt huyết và tinh thần quyết tâm, sẵn sàng dấn thân vì nhiệm vụ thiêng liêng tiếp quản Thủ đô yêu dấu.
Ông Khang xúc động nhớ lại: Để có những thời khắc hào hùng "Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về"... cần phải có một lực lượng thanh niên trí thức trở về Hà Nội từ trước, âm thầm đảm nhiệm việc tiếp quản và bàn giao các công sở quan trọng như Bưu điện Bờ Hồ, Nhà máy Yên Phụ, bốt nước Hàng Đậu, Bệnh viện Bạch Mai...".
"Đêm 9/10/1954, cả Thành phố gần như thức trắng để hoàn thiện cổng chào, treo cờ, căng khẩu hiệu. Sáng 10/10/1954, loa phát thanh vang lên thông báo: "Đồng bào chú ý, sáng nay có bộ đội vào tiếp quản Thành phố".
Người dân nô nức chuẩn bị, nữ mặc áo dài, nam khoác vest, cầm cờ, hoa và biểu ngữ, đứng chật hai bên đường đón đoàn quân. Tiếng hô "Hồ Chủ tịch muôn năm", "Hoan hô bộ đội về tiếp quản Thủ đô" vang vọng khắp nơi. Khi bộ đội đã ổn định đóng quân, nhân dân và thanh niên xung phong cùng hòa mình vào bài "Yêu hòa bình Tổ quốc ta" như mở ra một trang sử mới cho Hà Nội", ông Khang kể lại.
Đến tháng 4/1955, Đội Thanh niên xung phong hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Một số thành viên được chọn du học tại Trung Quốc, Liên Xô, Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức, số khác tiếp tục tham gia xây dựng đất nước trong nhiều lĩnh vực.
Với những thanh niên xung phong ngày ấy, Hà Nội không chỉ là một thành phố, mà là nơi tình yêu và lòng tin mãnh liệt được thắp sáng, một mảnh ghép không thể thiếu trong ký ức và cuộc đời họ.
Giờ đây, những thanh niên xung phong năm ấy đều đã bước qua tuổi xế chiều, nhưng ký ức về ngày Hà Nội được giải phóng vẫn luôn tươi mới, hiện lên sống động như ngày nào. Những con người đã đi qua mưa bom, bão đạn, sống trong niềm tin vào tương lai, họ nhìn thấy Hà Nội hôm nay là kết quả của những hi sinh không gì có thể thay thế. Mỗi góc phố, mỗi khu di tích trong lòng Thủ đô là một phần của câu chuyện về những ngày tiếp quản.
Đã 70 mùa thu đi qua, nhưng những ký ức về những ngày tiếp quản Thủ đô vẫn mãi rực sáng trong tim mỗi thanh niên xung phong, hòa vào dòng chảy bất diệt của lịch sử dân tộc, như một dấu son không bao giờ phai nhòa.
Thế hệ thanh niên sẵn sàng tiếp bước, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước
Ngày 10/10/1954 đã trở thành một mốc son chói lọi trong lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng của Thủ đô Hà Nội và của dân tộc Việt Nam. Sự kiện trọng đại ấy đã góp phần khắc họa thêm một Hà Nội gan góc, vững vàng, khẳng định bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, khẳng định với thế giới một dân tộc anh hùng, bất khuất với những chiến công oanh liệt trong chống giặc ngoại xâm.
Xuyên suốt các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đã tái hiện lịch sử ngày về chiến thắng, để lại ấn tượng sâu sắc trong trái tim mỗi người dân Thủ đô. Đây không chỉ là dịp để thế hệ trẻ hiện nay được ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, của Thủ đô Hà Nội, mà còn là động lực để tiếp lửa cho tuổi trẻ hôm nay và mai sau.
Sự hy sinh của các thế hệ đi trước đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, cổ vũ, động viên thanh niên hiện nay phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững niềm tin, tinh thần độc lập, ý chí tự cường, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Thủ đô thân yêu và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để phát huy truyền thống Thủ đô anh hùng, thế hệ trẻ hiện nay cần kiên định con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn; không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần; trở thành những công dân "vừa hồng, vừa chuyên"; tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Đồng thời phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam, của Thủ đô Hà Nội thân yêu, tiếp bước thế hệ thanh niên "Ba sẵn sàng", phụ nữ "Ba đảm đang", tuổi trẻ Thủ đô luôn không ngừng nâng cao nhận thức về chính trị, về lịch sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc, luôn tu dưỡng, rèn đức, luyện tài. Bên cạnh đó, phát huy tinh thần tiên phong, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo; nỗ lực trong khởi nghiệp, lập nghiệp; tình nguyện vì cộng đồng; khẳng định sức mạnh, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, góp phần đưa đất nước ta vươn mình trong kỷ nguyên mới, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Minh Thúy