Thu nhập tăng cao từ mô hình khuyến nông chăn nuôi - thủy sản
(Chinhphu.vn) - 9 dạng mô hình Khuyến nông Chăn nuôi - Thủy sản được triển khai trong năm 202 được đánh giá đạt được các mục tiêu và yêu cầu đề ra, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình khuyến nông nuôi thủy sản cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Thiện Tâm. |
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi - Thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) cho biết, năm 2021, Phòng Khuyến nông Chăn nuôi -Thủy sản triển khai 9 dạng mô hình tại 39 điểm với 163 hộ số hộ tham gia. Trong đó có 4 dạng mô hình thủy sản và 5 dạng mô hình chăn nuôi.
Chương trình đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông và sự phối hợp thường xuyên với các Phòng chuyên môn, Trạm Khuyến nông các huyện, thị xã và các ban ngành, đoàn thể liên quan. Nhất là sự hưởng ứng, mạnh dạn tiếp thu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Thành phố thực hiện giãn cách xã hội do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các mô hình. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ giảm do nhà hàng, bếp ăn tập thể đóng cửa, nhà máy hoạt động cầm chừng, các chuỗi sản xuất đứt gãy, thị trường mua bán chậm nên giá cả cũng bị giảm theo, hiệu quả kinh tế mô hình các sản phẩm từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không cao. Cộng với thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, xen kẽ các trận mưa to, không khí lạnh sớm hơn mọi năm khiến vật nuôi, thủy sản ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, phòng bệnh và sự phát triển vật nuôi, thủy sản của các mô hình.
Nhưng nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị và các hộ thực hiện mô hình, cộng với việc tổ chức tập huấn cụ thể, chi tiết và áp dụng kỹ thuật tiên tiến, đến nay các mô hình được đánh giá đạt mục tiêu và yêu cầu đề ra, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc nuôi một số đối tượng có giá trị kinh tế cao, tốc độ tăng trưởng nhanh và có đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, việc sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo dược vào chăn nuôi - thủy sản đã đem lại hiệu quả cao trong quá trình nuôi, nhờ vào việc xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học hạn chế thay nước, giảm thiểu dịch bệnh từ môi trường bên ngoài, cải thiện môi trường, giảm việc sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi, góp phần phòng bệnh cho vật nuôi. Các mô hình chăn nuôi, thủy sản theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAP, trong quá trình triển khai không xuất hiện dịch bệnh, con nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo chất lượng, tạo ra các sản phẩm an toàn, cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó đã thay đổi nhận thức của người sản xuất trong việc thay đổi phương thức nuôi giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội tạo ra các sản phẩm an toàn. Đồng thời góp phần xây dựng những vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô tập trung, an toàn sinh học, hướng đến xuất khẩu của Thủ đô.
Nhiều mô hình đạt kết quả cao
Trong các mô hình khuyến nông thủy sản, điển hình có mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP. Mô hình có quy mô 10 ha, giống cá Chép V1 thực hiện tại 6 điểm Phượng Dực - Phú Xuyên, Đại Yên - Chương Mỹ, Minh Cường - Thường Tín, Phúc Lợi - Long Biên, Kim Sơn - Gia Lâm, Đông Mỹ - Thanh Trì với 10 hộ tham gia. Đã tổ chức nghiệm thu mô hình, cá trung bình đạt 0,9-0,95 kg/con, tỷ lệ sống đạt trên 80%. Trung tâm phối hợp với đơn vị tư vấn VietGAP đã thu mẫu cá, nước, thức ăn để phân tích đánh giá chất lượng. Đã cấp giấy chứng nhận phù hợp với quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP) cho 5 hộ tham gia mô hình, với quy mô 5 ha. Dự kiến đến tháng 12, khi thu hoạch cá đạt trên 1 kg/con, năng suất trung bình 12 tấn/ha, cho lãi suất 80-100 triệu/ha, cao hơn 10% so với phương pháp nuôi thông thường. Điểm đặc biệt là mô hình sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ, thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường giúp môi trường nước luôn ổn định, dễ kiểm soát dịch bệnh, đàn cá phát triển tốt, cho năng suất cao đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Mô hình còn góp phần xây dựng các vùng nuôi tập trung áp dụng các tiêu chí VietGAP, tạo vùng sản xuất an toàn bền vững.
Hay mô hình nuôi cá Diêu hồng thương phẩm, với quy mô 2 ha, thực hiện tại 02 điểm Vạn Thắng - Ba Vì và Đội Bình - Ứng Hòa, mỗi điểm 01 hộ tham gia. Đến nay mô hình cho năng suất trung bình 21 tấn/ha, cho lợi nhuận khoảng 100-120 triệu/ha. Mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi cá diêu hồng tiên tiến nhất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm thủy sản có dinh dưỡng cao, an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường.
Trong chăn nuôi, tiêu biểu có mô hình nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, với quy mô 50.000 con, thực hiện tại 11 điểm, với 51 hộ tham gia. Đàn gà mô hình sinh trưởng nhanh, đồng đều, mã đẹp, xuất bán (nuôi 5 tháng) cho tỷ lệ nuôi sống trung bình cao đạt 96,5% (cao hơn dự toán 3,5%), trọng lượng bình quân đạt trên 2,2kg/con, cho lợi nhuận đạt 55-60 triệu đồng/1000 con, cao hơn 15-20% so với phương pháp nuôi thông thường. Mô hình đã đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra và đã đem lại những hiệu quả rất rõ nét về kinh tế, xã hội, tạo ra sản phẩm an toàn trong chăn nuôi. Mô hình nuôi gà thả vườn có bổ sung thảo dược có tác dụng giải độc gan, nâng cao sức đề kháng, hạn chế sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi giúp đàn gà khỏe mạnh, sinh trưởng phát triển tốt, tăng tỷ lệ nuôi sống, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mô hình đã đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra và đã đem lại những hiệu quả rất rõ nét về kinh tế, xã hội, tạo ra sản phẩm an toàn trong chăn nuôi.
Với những kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung, mô hình khuyến nông chăn nuôi thủy sản năm 2022 của Thành phố Hà Nội theo kế hoạch. Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các phòng, trạm khuyến nông huyện, thị xã trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao năm 2022 theo đúng tiến độ và kế hoạch.
Thực hiện công tác tham mưu, báo cáo định kỳ và đột xuất những phát sinh vướng mắc với Ban lãnh đạo nhằm giải quyết công việc kịp thời. Nâng cao trách nhiệm, năng lực công tác, trình độ chuyên môn để phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện tốt các mô hình.
Thiện Tâm