Thực hiện đồng bộ, hiệu quả quy hoạch tài nguyên nước
(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả quy hoạch tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, tác hại do nước gây ra.
UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch thực hiện Quyết định số 161/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, chính sách, giải pháp gắn với trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện quy hoạch, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung của quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt hướng tới quản trị ngành nước trên nền tảng công nghệ số; bảo đảm sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả quy hoạch tài nguyên nước.
Về thực hiện quy hoạch, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu: Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có khai thác, sử dụng nước; rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng thể chế, chính sách; xây dựng và vận hành hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước và giám sát tài nguyên nước; điều hòa, phân phối, phát triển tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả sử dụng nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, tác hại do nước gây ra.
Ngoài ra, thực hiện chương trình an toàn đập, hồ chứa nước; áp dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; tuyên truyền nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực.
Để thực hiện tốt kế hoạch quy hoạch trên, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhóm giải pháp về pháp luật, chính sách; tài chính, đầu tư; khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế; tuyên truyền nâng cao nhận thức; đào tạo, tăng cường năng lực và tổ chức, giám sát thực hiện quy hoạch.
UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan báo cáo đánh giá thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố theo quy định; rà soát, tổ chức xây dựng, điều chỉnh danh mục nhiệm vụ, dự án trong từng giai đoạn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy trình vận hành đập, hồ chứa thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi và công trình thủy lợi khác bảo đảm sử dụng nguồn nước hiệu quả, tổng hợp, đa mục tiêu, đảm bảo các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.
Tổ chức rà soát các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có liên quan đến khai thác, sử dụng nước thuộc lĩnh vực được phân công quản lý bảo đảm đồng bộ, phù hợp với các quy hoạch khác có liên quan theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch.
Tiếp tục rà soát, góp ý sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, sử dụng các loại hóa chất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản để giảm thiểu việc gây ô nhiễm nguồn nước.
Các sở, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, đào tạo, tăng cường nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên nước và các nội dung khác có liên quan của quy hoạch.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu việc thực hiện phải phù hợp với nguồn lực tài chính, nhân lực, điều kiện phát triển kinh tế của thành phố; đồng bộ giữa kế hoạch với nguồn lực, giải pháp, chính sách thực hiện; bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong triển khai thực hiện quy hoạch.
Trước đó, ngày 1/7/2024 đã đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước, khi Luật Tài nguyên nước 2023 được Quốc hội XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 chính thức có hiệu lực.
Với nhiều điểm mới, Luật thể hiện một bước tiến lớn trong tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước, bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật (điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt, lập và ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh...).
Thùy Chi