Thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ các dòng sông
(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội sẽ thực hiện dự án nâng cấp trục chính sông Nhuệ từ Liên Mạc đến đường Vành đai 4 trong giai đoạn 2026-2030; tăng cường kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh để bảo vệ môi trường, tài nguyên nước sông Đáy và dự kiến trong năm 2024 đưa vào khai thác, sử dụng dự án sông Tích.
Tập trung giám sát, thanh tra để bảo vệ sông Đáy
Trước kỳ họp HĐND vào tháng 7, UBND TP. Hà Nội đã có trả lời cử tri liên quan đến các dự án tại sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ.
Theo ý kiến cử tri, hiện nay trên dòng sông Đáy, nước thải sinh hoạt, nước thải của các nhà máy thải ra rất nhiều, nguồn nước sông Đáy đang ô nhiễm nghiêm trọng, nước bơm lên bốc mùi. Đề nghị Thành phố sớm có phương án hồi sinh dòng Sông Đáy để đảm bảo tưới tiêu và phục vụ đời sống của người dân.
Theo UBND TP. Hà Nội, để hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Đáy, trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã triển khai thực hiện dự án "Nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy TP. Hà Nội". Dự án đã được Bộ phê duyệt với quy mô: Chiều dài nạo vét từ Đập Đáy đến phường Yên Nghĩa (chiều dài tổng cộng 23,1km); chiều rộng sông 22m; khôi phục 07 cầu cơ giới tải trọng từ H8 đến H13; và cải tạo, nâng cấp 05 trạm bơm tưới bên bờ sông.
Dự án gồm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1: Nạo vét sông từ hạ lưu đập Đáy (K0+00) đến K8+700 và xây dựng cầu Hiệp Thuận đã hoàn thành.
Còn giai đoạn 2: Nạo vét từ K8+700 đến cầu Mai Lĩnh (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) dài 14,4 km; xây dựng 06 cầu qua sông và nâng cấp 05 trạm bơm ven sông. Đến nay chưa cân đối được nguồn vốn nên chưa được triển khai thực hiện.
Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổng hợp, báo cáo đề xuất Bộ NN&PTNT phân bổ kinh phí để triển khai thực hiện giai đoạn. Sau khi Bộ bố trí nguồn vốn, UBND Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện dự án theo quy định để đảm bảo tiêu thoát nước và vệ sinh môi trường và hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Đáy.
Đối với đoạn sông Đáy từ Yên Nghĩa đến Ba Thá, Sở NN&PTNT đã đề xuất lập dự án, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bằng nguồn ngân sách Thành phố (Trung ương hỗ trợ). Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang thẩm định, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.
Cùng với đó, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm góp phần cải thiện ô nhiễm nguồn nước sông Đáy theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, các sở, ngành, đơn vị liên quan đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế… trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước.
Định kỳ hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng Kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về Bảo vệ môi trường để thực hiện giám sát trách nhiệm tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, y tế, dự án trên địa bàn Thành phố.
Trong đó tập trung chủ yếu vào các khu vực gây ô nhiễm môi trường, qua đó phát hiện các vi phạm, kiến nghị xử lý nghiêm vi phạm của các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép vào môi trường theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu các cơ sở nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ môi trường.
Tiếp tục rà soát, kiểm soát các nguồn thải ra sông Đáy để tham mưu UBND Thành phố các giải pháp thực hiện đồng bộ và yêu cầu đối với các quận huyện thuộc lưu vực sông Nhuệ Đáy thực hiện giải pháp kiểm soát nguồn thải theo quy định.
Đầu tư thực hiện dự án nâng cấp trục chính sông Nhuệ
Cử tri cũng đề nghị Thành phố có phương án nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Nhuệ (đoạn qua địa bàn huyện Thanh Trì) để đảm bảo vệ sinh môi trường và nguồn nước phục vụ sản xuất cho Nhân dân, do tình trạng ô nhiễm nặng, bị bồi lấp gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của dòng chảy.
Theo UBND. TP Hà Nội, sông Nhuệ đoạn qua địa bàn huyện Thanh Trì có chiều dài là 9,35 km (bờ tả dài 9,35 km; bờ hữu dài 3,90 km) từ khoảng K19+050 đến K29+020. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ, do đã lâu chưa được nạo vét, lòng sông bị bồi lắng cao hơn thiết kế từ 0,5m đến 1,5m, đặc biệt các đoạn bị bồi lắng nghiêm trọng làm giảm khả năng tiêu thoát nước của sông Nhuệ gồm: đoạn K23+500 đến K24+500, đoạn từ K26+500 đến K27+500 và các gầm cầu Hữu Hòa, cầu Tó, cầu Sắt, cầu Mỹ Hưng.
UBND Thành phố đã giao Sở NN&PTNT triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án Nạo vét sông Nhuệ từ Liên Mạc đến đường Vành đai 4 (Dự án đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn Thành phố giai đoạn 2021-2025 được HĐND Thành phố thông qua), Sở đã nghiên cứu lập và trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án với quy mô đầu tư nạo vét bồi lắng đáy sông đoạn từ Liên Mạc đến đường vành đai 4.
Tuy nhiên, hiện nay, do nhu cầu phát triển đô thị dọc hai bên bờ sông Nhuệ rất cao và để đảm bảo khớp nối hạ tầng chung trong khu vực góp phần hoàn thiện hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực dọc hai bên bờ sông Nhuệ, UBND Thành phố giao Sở NN&PTNT đang rà soát để tham mưu UBND Thành phố cho phép đầu tư thực hiện dự án Nâng cấp trục chính sông Nhuệ từ Liên Mạc đến đường vành đai IV trong giai đoạn 2026-2030, gồm nạo vét bồi lắng, kè hai bên mái và làm đường giao thông dọc hai bên bờ sông đảm bảo phù hợp với quy hoạch.
Dự kiến trong năm 2024 đưa vào khai thác, sử dụng dự án sông Tích
Về dự án sông Tích, cử tri đề nghị Thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án sông Tích; đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công. Đồng thời, sớm hoàn trả các công trình thủy lợi, dân sinh và đất mượn cho nhân dân.
Theo UBND TP. Hà Nội, về tiến độ thực hiện dự án Sông Tích, đến 31/01/2024 đã hoàn thành cụm công trình đầu mối, thông dòng đưa nước từ sông Đà vào sông Tích. Phần lòng dẫn đã thi công trên toàn tuyến đạt khoảng 85% khối lượng (đã thi công 27,6/27,6km lòng dẫn, 17/17 cầu giao thông, 62/64 cống tiêu, 4/8 trạm bơm tưới, phai phòng lũ, cống điều tiết Đầm Long, còn lại 4 trạm bơm tưới và trạm bơm Cẩm Yên, 2 cống tiêu), kế hoạch thực hiện hoàn thành trong năm 2024 để bàn giao đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
Trong quá trình thi công dự án Ban quản lý và duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn (đại diện chủ đầu tư), tư vấn giám sát, nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan đã phối hợp chặt chẽ thực hiện đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.
Phần diện tích đất mượn để thi công dự án đã được hoàn trả cho địa phương ngay sau khi thi công hoàn thành đoạn lòng dẫn (đã hoàn trả cho địa phương trên địa bàn các xã Thuần Mỹ, Sơn Đà, Tòng Bạt và đang chuẩn bị hoàn trả các xã Cẩm Lĩnh, Vật Lại).
Đối với việc bổ sung cầu dân sinh Miễu Bạt - Thái Bạt 3 xã Tòng Bạt và rà soát, khớp nối các công trình: Trong quá trình thực hiện lập hồ sơ điều chỉnh dự án, Ban quản lý dự án cùng với đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để rà soát, điều chỉnh, bổ sung hạng mục (cầu dân sinh, cống tiêu) khớp nối các công trình cho phù hợp.
Trong hồ sơ điều chỉnh dự án đã rà soát thống nhất bổ sung 6 cầu dân sinh thuộc đoạn 1 dự án, trong đó có cầu dân sinh thuộc thôn Thái Bạt 3, xã Tòng Bạt theo như đề nghị của địa phương. Hiện nay hồ sơ điều chỉnh dự án đã hoàn thành, sau khi được phê duyệt sẽ triển khai các bước tiếp theo theo quy định.
Gia Huy