Thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới

12/02/2019 3:02 PM

(Chinhphu.vn) - Đánh giá thành tựu nổi bật của ngành y tế đã đạt được năm 2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của toàn thể cán bộ y bác sĩ, sự chung tay của cả cộng đồng, ngành y tế đã thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu cán bộ y tế tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng người bệnh. Ảnh: Thiện Tâm

Với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, nhờ vậy, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,7%; trên 1 triệu phiếu khảo sát có 75,6% người bệnh nội trú và 66,3% người bệnh ngoại trú hài lòng; phỏng vấn qua điện thoại sau ra viện với hơn 3.000 người bệnh cũng cho thấy tỷ lệ hài lòng đạt 79,6%...

Để đạt được kết quả trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, Nghị quyết số 20-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, hết sức quan trọng làm kim chỉ nam cho phát triển sự nghiệp y tế. Ngành y tế đã dồn toàn tâm, toàn lực để triển khai thực hiện Nghị quyết, hoàn thành sứ mệnh cao cả: “bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”. Chính vì vậy, hệ thống chính sách, pháp luật y tế ngày càng được hoàn thiện; mạng lưới cơ sở y tế phát triển rộng khắp; nhân lực tăng nhanh; chất lượng dịch vụ được nâng lên; ngăn chặn kịp thời các bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch lớn; tài chính y tế có nhiều đổi mới đột phá; bao phủ bảo hiểm y tế được mở rộng. Công nghệ thông tin từng bước được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực hoạt động của ngành...

Bên cạnh đó, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật y học hiện đại trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cụ thể, Việt Nam tiếp tục được công nhận là một nước trong số ít làm chủ được công nghệ sản xuất vaccine, tự nghiên cứu sản xuất vaccine. Năm 2018, đánh dấu tiếp một vaccine được sản xuất và đủ điều kiện thương mại hóa như vaccine cúm mùa 3 type. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đã ứng dụng công nghệ sinh học vào sàng lọc và chẩn đoán phát hiện nhanh, chính xác các tác nhân gây dịch như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, là cơ sở để không xảy ra dịch trên quy mô lớn như các năm trước đây.

Đặc biệt, ngành y tế cũng tiếp tục khẳng định làm chủ công nghệ ghép đa tạng, ngoài các kỹ thuật thường quy về ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép tủy, giác mạc, năm 2018 thực hiện thành công ghép phổi. Đến nay, hệ thống y tế nước ta đã có 15 cơ sở ghép được tim, thận, gan, tim, ghép giác mạc, ghép tế bào gốc tạo máu… Không chỉ vậy, ngành y tế tiếp tục làm chủ, hoàn thiện đưa nhiều kỹ thuật y học Việt Nam đạt tầm thế giới (can thiệp mạch, phẫu thuật nội soi, hỗ trợ sinh sản); thực hiện chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị như phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ sinh sản, điều trị ung thư máu, nhồi máu cơ tim, bệnh lý xương - khớp, bỏng, phẫu thuật tạo hình; ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh về máu...

Mạng lưới khám, chữa bệnh bao phủ rộng khắp cả nước từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn với hơn 1.400 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế các tỉnh/thành phố và y tế ngành trên toàn quốc, 180.000 giường bệnh, hơn 11.400 trạm y tế. Hàng năm khám và điều trị ngoại trú cho 120.00 lượt người bệnh, điều trị cho hơn 10 triệu lượt người, thực hiện hàng triệu thủ thuật, khoảng 2 triệu ca phẫu thuật phức tạp hàng năm. Bên cạnh đó, mô hình bệnh viện vệ tinh đã giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến đạt từ 65% - 100% số ca chuyển tuyến ở những chuyên khoa thực hiện chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện vệ tinh. Hiện đã xây dựng và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 127 bệnh viện vệ tinh. 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.

Không chỉ vậy, năm 2018, cơ chế tự chủ đã phát huy tính năng động, sáng tạo của các bệnh viện công trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sắp xếp tổ chức lại bộ máy, sử dụng nguồn nhân lực và tài chính một cách có hiệu quả.

Khép lại năm 2018 với nhiều thành tựu nổi bật, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2019, ngành y tế tập trung nâng cao chất lượng y tế cơ sở, chất lượng khám, chữa bệnh kết hợp với đổi mới tinh thần thái độ, phong cách phục vụ người bệnh và đổi mới cơ chế tài chính. Cùng với đó, toàn ngành nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương số 20, 21-NQ/TW khóa XII về công tác y tế, dân số, Nghị quyết 18, 19/NQ-TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, mạng lưới cơ sở y tế, đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập…

Cụ thể, toàn ngành tập trung vào các hoạt động để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, các hoạt động để nâng cao sức khỏe nhân dân, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, tuyên truyền, vận động nhân dân ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất để tránh suy dinh dưỡng, béo phì, hạn chế rượu, bia, không hút thuốc, tăng cường vận động thể lực; chỉ đạo các cơ sở y tế bảo đảm cung cấp các dịch vụ tầm soát, phát hiện sớm bệnh tật, nhất là các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp. Triển khai đồng bộ các giải pháp để các trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quản lý sức khỏe, quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại trạm, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Đồng thời, ngành y tế chủ động phòng chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, thực hiện có hiệu quả các hoạt động của chương trình mục tiêu y tế - dân  số, tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng dân số về thể chất, duy trì mức sinh thay thế, kiểm soát chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh; giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em; đẩy mạnh hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Ngành y tế tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về khám, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ ở các tuyến; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, tăng sự hài lòng của người dân; giảm số lượng ngưởi Việt Nam đi nước ngoài khám, chữa bệnh và thu hút người nước ngoài đến du lịch, kết hợp khám, chữa bệnh ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục thực hiện lộ trình giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí; tăng cường cơ chế tự chủ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho đơn vị tự chủ; giảm tỷ trọng chi trực tiếp từ tiền túi của người dân, hướng tới bảo hiểm y tế và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư trong y tế, tạo điều kiện để y tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Đồng thời, toàn ngành sẽ đẩy mạnh công tác đổi mới công tác đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề y dược. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý quỹ bảo hiểm y tế; hoàn thành việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc; hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân.

Cùng với đó, ngành y tế tăng cường việc mở rộng phạm vi, danh mục đấu thầu tập trung thuốc, vật tư y tế. Phát triển công nghiệp dược, y học cổ truyền. Tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng; quản lý chặt chẽ phòng khám tư nhân, cơ sở bán thuốc; phòng chống thuốc giả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Triển khai đồng bộ các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm an ninh, an toàn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Thiện Tâm

Top