Thực phẩm sau Tết phong phú, giá ổn định

03/02/2025 11:16 AM

(Chinhphu.vn) - Những ngày đầu năm mới, tại các chợ truyền thống và siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội, hàng hóa thiết yếu được bày bán dồi dào, giá một số mặt hàng đã hạ nhiệt, ổn định hơn so với những ngày giáp Tết.

Thực phẩm sau Tết phong phú, giá ổn định- Ảnh 1.

Giá thịt lợn giảm hơn so với thời điểm trước Tết. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Ghi nhận của phóng viên ngày 3/2 (tức ngày 6/1 âm lịch) tại hệ thống chợ truyền thống như chợ Kim Liên, Ngã Tư Sở (Đống Đa), Vĩnh Phúc (Ba Đình),… cho thấy, các mặt hàng thực phẩm, rau xanh không tăng giá đột biến, thậm chí có nhiều mặt hàng giá giảm hơn so với trước Tết.

Bà Đỗ Thị Thoa, tiểu thương bán rau ở chợ Vĩnh Phúc chia sẻ, trước Tết giá su hào có giá 10.000 đồng/củ nhưng ra Tết chỉ có giá 5.000 đồng/củ, rau cải xanh, cải cúc, rau cần đồng giá 10.000 đồng/kg, cải xoong 20.000 đồng/bó, nấm kim châm 15.000 đồng/gói, dứa 15.000-20.000 đồng/quả,…

Đặc biệt, giá thịt lợn giảm hơn so với trước Tết, nếu như trước Tết 1 kg sườn thăn có giá 200.000 đồng/kg thì hôm nay chỉ còn 170.000-180.000 đồng/kg, các loại thịt ba chỉ, vai, thăn… cũng giảm từ 5.000-10.000 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân khiến mặt hàng rau xanh giảm giá mặc dù sức mua tăng, các tiểu thương cho biết, thời tiết thuận lợi rau xanh được mùa nên giá rau không tăng, mặc dù dịp này sức mua đã tăng mạnh. Bên cạnh đó, phần lớn diện tích rau ăn lá ở các địa phương đã đến thời kỳ thu hoạch, nguồn cung dồi dào khiến giá rau giảm là điều đương nhiên.

Các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích đã mở cửa hoạt động trở lại như BigC, Aeon Mall, Gigamall, Co.opmart, CircleK, Winmart… hoạt động mua bán hầu như trở về bình thường, nhu cầu tiêu dùng đầu năm không cao, chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, rau củ quả tươi, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ vận tải hành khách...

Thực phẩm sau Tết phong phú, giá ổn định- Ảnh 2.

Thời tiết thuận lợi rau xanh được mùa nên giá rau không tăng. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội về thị trường hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua cho thấy, doanh thu bán hàng phục vụ Tết của các doanh nghiệp thương mại tăng 5% so với Tết 2024; một số đơn vị phân phối lớn doanh thu bán hàng trực tuyến chiếm khoảng 25% so với tổng doanh thu bán hàng; số lượng đơn đặt hàng tăng trung bình 15%-20% so với cùng kỳ Tết 2024.

Mặc dù sức mua tăng nhưng giá cả hàng hóa duy trì ổn định bởi hầu hết các doanh nghiệp đã đảm bảo lượng tồn kho hợp lý sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đồng thời, các chương trình giảm giá, khuyến mại... đã được các doanh nghiệp xúc tiến rộng rãi qua đó góp phần giữ giá cả hàng hoá không tăng nhiều so với ngày thường.

Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan cho biết, việc rau xanh, thực phẩm tại chợ truyền thống không xảy ra hiện tượng tăng giá còn bởi tại hệ thống siêu thị đã dự trữ đầy đủ hàng hóa thiết yếu mở cửa bán hàng từ Mùng 1 Tết, thậm chí siêu thị AEON mở bán xuyên Tết.

"Việc các hệ thống siêu thị duy trì hoạt động xuyên Tết đã tác động tích cực đến thị trường, giúp duy trì nguồn cung hàng hóa dồi dào, luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân khi các các chợ truyền thống tạm nghỉ Tết", bà Lan nhấn mạnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, người dân đang dần chuyển sang thói quen mua sắm, chi tiêu hợp lý trong dịp Tết, trong đó không mua ồ ạt và chỉ mua những thứ thực sự cần thiết với nhu cầu của gia đình. Vì vậy, giá cả thị trường Tết tại các địa phương tăng, giảm đan xen, không có đột biến, sốt giá.

Thùy Linh

Top