Thương mại điện tử: Xu hướng phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

06/06/2022 11:52 AM

(Chinhphu.vn) - Dù còn nhiều thách thức nhưng mức độ phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thủ đô đang được cải thiện, kỳ vọng không chỉ tăng trưởng ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Đây cũng là hoạt động được đánh giá phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thương mại điện tử: Xu hướng phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ảnh 1.

Bán lẻ qua thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh minh họa

Bán lẻ qua thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ

Chia sẻ tại Hội thảo "Chiến lược tối ưu hiệu quả hoạt động thương mại điện tử cho doanh nghiệp SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa)" diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong khi bán lẻ toàn cầu giảm do COVID-19 thì bán lẻ qua thương mại điện tử lại tăng trưởng mạnh mẽ.

Cũng theo ông Nguyễn Thế Hiệp, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng vượt bậc, trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á.

Năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.

Năm 2021, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD, chiếm khoảng 7% tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước; tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến cũng đã tăng lên khoảng 90% (năm 2019 là 77%) với ước tính giá trị mua sắm trực tuyến trung bình của mỗi người tiêu dùng là 270 USD.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Hiệp khẳng định, không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được hiệu quả tích cực khi tham gia vào thương mại điện tử. Có nhiều nguyên nhân và một trong số đó là chưa có hoặc có chiến lược chưa phù hợp khi tham gia vào thương mại điện tử của các doanh nghiệp.

Chia sẻ về các phương pháp và chiến thuật tối ưu website bán hàng thương mại điện tử, ông Tình Nguyễn, Co-founder Ladipage Việt Nam, chỉ ra rằng: "Cá nhân hóa trải nghiệm là một chìa khoá khẳng định sự thành công của các cửa hàng online".

Theo ông Tình Nguyễn, để cải thiện và gia tăng trải nghiệm khách hàng khi truy cập vào các website, landing page, doanh nghiệp cần cải thiện tốc độ phản hồi và tốc độ tải trang nhanh nhất. Đồng thời, cần có phương pháp giao tiếp khách hàng đa kênh thông qua các công cụ marketing automation.

Cần tối ưu hoạt động thương mại điện tử

Trên thực tế, những năm qua, có những doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới và hàng hóa thông qua kênh này đến được các thị trường EU, Mỹ.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ, ngoài kênh xuất khẩu truyền thống bằng các đơn hàng ký kết với các doanh nghiệp thì qua kênh thương mại điện tử, hàng hóa của các doanh nghiệp được quảng bá sâu rộng đến thị trường khắp các nước trên thế giới để người tiêu dùng có thể biết đến và lựa chọn mua sắm các sản phẩm.

Dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù nhận ra lợi ích của việc mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế, nhưng nhiều người bán hàng Việt Nam vẫn còn chần chừ vì chưa thực sự làm quen với khái niệm và thủ tục liên quan đến xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng như thiếu kiến thức lẫn kỹ năng trong lĩnh vực này.

Nguyên nhân do các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô chủ yếu là vừa và nhỏ. Do đó, việc am hiểu các quy định về thông lệ quốc tế, các quy tắc về xuất xứ, xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn cũng như các giấy tờ để chứng minh tính hợp pháp và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp gần như rất ít quan tâm.

Trong khi đó, việc xúc tiến thương mại xuất khẩu thông qua các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới thì việc hoàn thiện hồ sơ chứng từ là vấn đề quan trọng nhằm đảm bảo đúng tiêu chuẩn, tiêu chí theo hệ thống của các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới.

Hiện, thành phố Hà Nội có khoảng 330 nghìn doanh nghiệp, trong đó, 95% doanh nghiệp là nhỏ và vừa. Tỷ trọng doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu chiếm khoảng 25-30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố Hà Nội. Xuất khẩu qua hệ thống thương mại điện tử xuyên biên giới được đánh giá là rất phù hợp với các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Những nỗ lực và khát khao học hỏi để thích nghi với trạng thái bình thường mới của các doanh nghiệp là không thể phủ nhận, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên thương mại kỹ thuật số ngày càng phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ.

Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp thì việc các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ để giúp những người bán hàng Việt Nam đánh thức tiềm năng của chính họ và nắm bắt cơ hội vươn ra thế giới là hết sức quan trọng.

Sở Công Thương kỳ vọng thông qua các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xác định chiến lược, phương pháp tối ưu hoạt động thương mại điện tử, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thành phố có thể đạt được hiệu quả tích cực khi tham gia vào thương mại điện tử, cũng như xúc tiến được sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp mình vào được kênh thương mại điện tử xuyên biên giới.

Về những lưu ý cho doanh nghiệp xuất khẩu thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, Sở Công Thương Hà Nội khuyến nghị, các doanh nghiệp cần hiểu rõ và nắm bắt được các quy trình, thủ tục, các quy định; đồng thời, thường xuyên làm mới các sản phẩm của mình trên hệ thống để luôn luôn gây sự chú ý và phản hồi tích cực của người tiêu dùng trên thế giới nhằm thúc đẩy mặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp.

Động lực phát triển thương mại điện tử thời gian tới đến từ việc các doanh nghiệp, nhà bán hàng, sàn thương mại điện tử không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khiến nhiều người tiêu dùng chuyển mua sắm trực tuyến. Đồng thời, đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn.

Thùy Linh

Top