Thụy Ứng-Vùng quê phát triển trù phú từ nghề lược sừng

15/07/2021 7:00 PM

(Chinhphu.vn) - Làng nghề làm lược sừng ở xã Thụy Ứng, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội được hình thành cách đây hơn 400 năm vào giữa thế kỷ XVI, do vị Tổ nghề họ Trần truyền dạy. Những chiếc lược sừng trâu, bò vừa bền, vừa tiện dụng, thẩm mỹ cao, được xuất khẩu đi nước ngoài và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.

Từ những chiếc sừng thô sơ, qua bàn tay tài hoa của người thợ đã cho ra đời những chiếc lược tinh xảo, đẹp mắt. Ảnh: Thiện Tâm.

“Hỡi cô thắt áo lưng xanh

Có về Thụy Ứng với anh thì về

Thụy Ứng có nghiệp có nghề

Có ao tắm mát có nghề lược thưa”

Nghề làm lược ở làng Thụy Ứng đã có từ xa xưa, gắn liền với vị Tổ nghề họ Trần được phụng thờ trong đền thờ Tổ nghề (công nhận là di tích cấp tỉnh Hà Tây năm 2008).

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội, Hà Nội là đất trăm nghề, trong đó có nhiều nghề cho đến nay vẫn phát huy được thế mạnh và sức sống bền bỉ qua hàng trăm năm. Chính vì vậy, để giúp nghề truyền thống phát triển và tạo điều kiện cho người dân nông thôn làm giàu trên chính mảnh đất của mình, thời gian qua Chi cục phát triển nông thôn Thành phố Hà Nội đã định hướng, quan tâm và tạo mọi điều kiện hỗ trợ, sát sao để phát triển làng nghề lược Thụy Ứng. Bên cạnh đó cùng với sự giúp đỡ, ủng hộ của các cấp, ngành và đơn vị, nghề lược sừng Thụy Ứng đã từng bước “thay da đổi thịt”, bảo tồn phát triển bản sắc văn hóa, giá trị cốt lõi của làng nghề, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Dấu ấn sản phẩm thủ công truyền thống

Lâu nay, lược sừng đã trở thành một món hàng được nhiều nơi ưa chuộng. Vì vậy, nhiều người dân ở Thụy Ứng cho biết, đã có thời điểm, hàng lược sừng khan hiếm trên thị trường do làng nghề sản xuất không đủ để cung cấp cho thị trường. Nghề làm lược sừng nhờ vậy cũng giữ chân được nhiều người sống với nghề, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương và vùng lân cận.

Ngày nay, để hiện đại hoá trong mọi khâu trong sản xuất, người thợ Thụy Ứng đã áp dụng sản xuất theo dây chuyền công nghiệp hiện đại để có những vật dụng giá trị cao. Từ chiếc lược có hình vuông lúc sơ khai, sau đã cải tiến thành hình cong như múi bưởi, chiếc lược không những đẹp hơn mà còn có độ bền lâu.

Có thể thấy nguyên liệu làm lược cũng thay đổi theo giai đoạn và thị hiếu của khách hàng. Ngoài chế tác lược sừng, theo nhu cầu thị tường, làng Thụy Ứng ngày nay còn chế tác nhiều sản phẩm khác từ sừng như thìa, đót giày, đồ trang sức bằng sừng...

Theo ông Vũ Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho biết: Hầu hết các hộ ở Thụy Ứng đều làm lược và chế tác đồ mỹ nghệ, khoảng 80% số hộ làm nghề lược sừng, 20% làm lược gỗ, trong đó có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất lớn. Thời điểm hiện tại, làng Thụy Ứng có khoảng 600 hộ gia đình (chiếm 60%) tổng số hộ làm nghề sừng. Có thể thấy nghề làm lược sừng ngày càng phát triển đã thu hút nhiều nhân công.

Người dân ở các làng lân cận như Vân Trai, Văn Phú, Văn Xá, Đỗ Hà… thường đến Thụy Ứng để làm những công việc lúc nông nhàn mà không yêu cầu quá cao về kỹ thuật. Ngoài ra, các hộ sản xuất cũng gửi nguyên liệu đi gia công ở các tỉnh, thành phố khác bởi người thợ địa phương liên kết đều có tay nghề chạm khắc rất tốt, có thể điêu khắc ra những sản phẩm vô cùng tinh xảo như lược khắc rồng phượng, tranh sừng…

Trước đây, một ngày người thợ làm lược sừng Thụy Ứng chỉ làm được  tối đa 30-40 sản phẩm nhưng hiện nay nhờ có sự hỗ trợ của máy móc có thể hoàn thành 70-100 sản phẩm. Một chiếc lược trơn xuất xưởng có giá thành giao động từ 20.000đ-40.000đ/chiếc.  Các loại vòng sừng giá thành giao động từ 100.000đ-200.000đ/chiếc.  Trung bình thu nhập của người thợ thủ công trong khoảng 150.000đ-500.000đ/ngày công tùy thuộc tay nghề và thời vụ. Đời sống của các hộ gia đình làm nghề sừng ở Thụy Ứng ngày càng khá giả.

Với bàn tay tài hoa, khéo léo, tinh tế, tính mỹ thuật cao những người thợ lược Thụy Ứng đã biến chiếc sừng rất cứng thành mềm mại đẹp đẽ với họa tiết, hoa văn tinh xảo vừa phục vụ cuộc sống sinh hoạt đồng thời mang giá trị thẩm mỹ, giá trị nghề thuật cao.

Để làm ra được chiếc lược hoàn chỉnh phải trả qua tới hàng chục công đoạn từ khi mua sừng về cắt thành ống, hơ ép, réo thành khuôn… rồi mới cắt răng, chà lát, đánh bóng. Mỗi công đoạn đều quan trọng, đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay, tinh mắt.

Làm sừng không đơn giản bởi không chiếc lược nào giống nhau do đó, người thợ phải tùy từng chiếc sừng mà hơ, ép, pha, cắt. Sừng móng trâu khi mua về, người thợ phải hong khô hàng tuần, thậm chí cả tháng trời và phân loại cẩn thận trước khi tiến hành sản xuất.

Ngày nay, người thợ Thụy Ứng đã cải tiến công nghệ, lắp thêm một lưỡi cưa ngắn song song với lưỡi cưa chính. Khi lưỡi cưa chính xẻ sâu một rãnh thì lưỡi cưa phụ cũng đã vạch ướm một rãnh khác song song bên cạnh cho lượt cưa kế tiếp. Cứ như vậy, người thợ cưa từ đầu cho đến cuối lược mà răng nào cũng đều tăm tắp.  

Nhìn chung công đoạn để sản xuất ra một chiếc lược sừng ở Thụy Ứng cơ bản vẫn giữ được các bước thủ công, truyền thống,  sự hỗ trợ của  công nghệ và trang thiết bị sản xuất nhằm hoàn thiện sản phẩm nhanh hơn, công năng sử dụng và giá trị nghệ thuật tăng lên.

Khẳng định thương hiệu trên thị trường

Nghề làm lược gắn liền với lịch sử phát triển của làng Thụy Ứng, là niềm tự hào của người nơi đây từ xưa đến nay. Đến nay sản phẩm của làng nghề không chỉ có mặt trong nước mà đã vươn ra thị trường nước ngoài. Các sản phẩm của Làng nghề  Lược sừng Thụy Ứng hiện được bán khắp nơi trong nước, nhất là trong các siêu thị, các cửa hàng mỹ nghệ lưu niệm tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Ðặc biệt, các mặt hàng này hiện đang có thế mạnh trong xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Thái Lan, Anh, Mỹ... và là sản phẩm du lịch độc đáo của Việt Nam. Các nghệ nhân làng nghề đã chinh phục được thị trường Trung Quốc, hằng năm xuất khẩu lược sừng và nhiều sản phẩm khác với số lượng lớn. Khách hàng phương tây cũng đặt hàng khá nhiều.

Thế hệ trẻ làng Thụy Ứng tiếp nối và phát huy nghề truyền thống của địa phương, đã chủ động tìm tòi, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mỹ nghệ từ chất liệu sừng trâu, bò, như: vòng tay, đĩa khay, trâm cài tóc, vật dụng thìa dĩa, vòng tay, khung tranh, các tác phẩm mỹ nghệ, nghệ thuật… để mở rộng thị trường xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới.

Trong hướng đi tiếp theo, người dân làng nghề Thụy Ứng rất mong nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp ban, ngành, đơn vị trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, đặc biệt là xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể vô cùng cần thiết. Đó sẽ là cơ sở pháp lý và là nguồn lực để các cơ quan, đơn vị, các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh lược sừng và các sản phẩm từ sừng trên địa bàn làng, xã căn cứ tổ chức thực hiện một cách hiệu quả; đồng thời giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.

Bên cạnh đó, việc đăng ký bảo hộ thương hiệu tập thể  “Lược sừng Thụy Ứng” còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, nâng cao nhận thức của người dân về truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập quốc tế như hiện nay. Bản sắc văn hóa dân tộc chính là nét đặc sắc, khẳng định thương hiệu riêng của mỗi địa phương, mỗi vùng miền, mỗi quốc gia.

Thiện Tâm

Top