Tiêm vaccine làm giảm tỷ lệ tăng nặng và hậu COVID-19 ở trẻ

22/04/2022 12:19 PM

(Chinhphu.vn) - Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi là hết sức cấp bách và cần thiết, vì đây là đối tượng nguy cơ, dễ bị tổn thương. Đặc biệt, việc tiêm vaccine sẽ làm giảm tỷ lệ tăng nặng và các triệu chứng hậu COVID-19 ở trẻ.

Tiêm vaccine sẽ làm giảm tỷ lệ tăng nặng và hậu COVID-19 ở trẻ - Ảnh 1.

Tiêm vacicne COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi taị huyện Ứng Hòa. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Hà Nội chưa ghi nhận các phản ứng nặng sau tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi

Chia sẻ với phóng viên, Ths. BS. Hoàng Vũ Long, phụ trách Phòng khám Hậu COVID-19, Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội cho biết, việc tiêm vaccine COVID-19 nhằm mục đích duy nhất là để bảo vệ sức khỏe người dân và để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Từ đó góp phần sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

Tính đến ngày hôm qua (21/4), cả nước đã tiêm được tổng 210.560.185 liều vaccine COVID-19. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 193.157.190 liều (mũi 1 là 71.421.980 liều; mũi 2 là 68.568.543 liều; mũi 3 là 1.505.706 liều; mũi bổ sung là 15.103.741 liều; mũi nhắc lại là 36.557.220 liều). Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.276.166 liều (Mũi 1 là 8.845.785 liều; Mũi 2 là 8.430.381 liều). Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 126.829 liều (mũi 1).

Việc tiêm vaccine COVID-19 đã góp phần giảm bớt tỷ lệ tăng nặng và tử vong ở nhóm tổn thương, đặc biệt là người có bệnh nền hoặc cao tuổi. Bên cạnh đó, nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi cũng là đối tượng có nguy cơ, dễ bị tổn thương do COVID-19. Theo đó, để giảm tỷ lệ nhiễm, vừa qua nước ta đã triển khai tiêm vaccine cho nhóm đối tượng này.

Riêng tại Hà Nội, trong 5 ngày (từ ngày 16 đến 20/4), thành phố đã tiêm được 40.497 mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hiện chưa ghi nhận các phản ứng nặng sau tiêm.

Theo BS. Long, khi bị mắc, trẻ thường khó khăn trong việc diễn đạt các biểu hiện, triệu chứng không rõ rệt, buộc người lớn phải chăm sóc tích cực hơn và tinh ý trong việc nhận biết triệu chứng COVID-19 và hậu COVID-19. Phụ huynh nên cố gắng đưa con em đi tiêm vaccine càng sớm càng tốt để giảm thiểu những diễn biến nặng khi mắc, hoặc ảnh hưởng sau khi đã khỏi bệnh. Trẻ em là nhóm có nguy cơ cao, dễ lan truyền bệnh nhanh, triệu chứng của trẻ thường sốt nhiều và kịch phát hơn so với người lớn. Khi trẻ bị nhiễm COVID-19, phần lớn phụ huynh khá hoang mang do chưa có kế hoạch ứng phó nên đã dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc không đúng cách. Điều đó dẫn đến những hệ lụy trong điều trị bệnh và khắc phục tình trạng hậu COVID-19 sau này.

Đối với nhóm trẻ đã bị bệnh và trong giai đoạn phục hồi sức khỏe, phụ huynh vẫn cần tiếp tục theo dõi từ 3- 6 tháng. Sau giai đoạn này, phụ huynh nên kiểm tra kháng thể cho con, nếu kháng thể đủ mức cần thiết để bảo vệ sức khỏe trước dịch thì có thể không tiêm. Nhưng nếu kháng thể kém thì nên đưa trẻ đi tiêm sớm để giảm bớt những triệu chứng khi tái nhiễm, đặc biệt là biểu hiện hậu COVID-19.

Chiến dịch tiêm vaccine là vấn đề rất cấp bách và cần thiết để bảo vệ trẻ nhỏ. Sau khi tiêm, nhiều nước trên thế giới đã nhận thấy tỷ lệ tử vong cũng như tăng nặng, đặc biệt là hội chứng MIS-C (triệu chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em) cũng giảm đi rất nhiều. Theo báo cáo của một số nước như: Anh, Úc, Hồng Kông… sau khi tiêm vaccine, các triệu chứng về hậu COVID-19 sau này đều giảm đi trông thấy, tỷ lệ tăng nặng cũng giảm. Điều đó cho thấy, tỷ lệ tiêm càng cao thì tỷ lệ tăng nặng sẽ càng giảm và các triệu chứng hậu COVID-19 cũng giảm theo.

Chính vì vậy, để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cho trẻ, TP. Hà Nội cũng như các tỉnh, thành cần phổ biến, tuyên truyền thêm về lợi ích của vaccine để giúp người dân hiểu hơn và cập nhật các thông tin kịp thời. Qua đó thấy rõ được tính an toàn và lợi ích khi cho con em đi tiêm vaccine.

Theo chia sẻ của BS. Long, tại Phòng khám hậu COVID-19, Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội, nhóm bệnh đến khám hậu COVID-19 tại bệnh viện cũng rất đa dạng, trong đó có những trẻ từ 3 tuổi trở lên. Khó khăn khi khám cho nhóm tuổi này chủ yếu là thể hiện triệu chứng của bệnh không biểu hiện ra bên ngoài nhiều. Đến khi thăm khám trực tiếp mới ra được các triệu chứng hậu COVID-19. Vì vậy, sau khi con bị mắc COVID-19, phụ huynh nên cẩn trọng đưa con đến khám để bảo vệ sức khỏe an toàn cho trẻ. 

Hiện nay, tại bệnh viện áp dụng các bài thuốc y học cổ truyền cùng phương pháp xoa bóp, bấm huyệt để bổ trợ thêm các di chứng hậu COVID-19 như: Ho, hụt hơi, ăn kém, làm mất khả năng tập trung…

Tiêm vaccine sẽ làm giảm tỷ lệ tăng nặng và hậu COVID-19 ở trẻ - Ảnh 3.

Kiểm tra công tác tiêm vaccine COVID-19 tại quận Long Biên. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

 Nâng cao tuyên truyền, nhận thức về tiêm vaccine cho trẻ 

Tại cuộc họp BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 mới đây của TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng đã yêu cầu các địa phương lưu ý đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhân thức của người dân trong phòng chống dịch COVID-19. Chú trọng việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi trên địa bàn một cách an toàn, khoa học, tuyệt đối không để xảy ra bất cứ tình huống sai sót nào do chủ quan.

Vừa qua, tại quận Long Biên cũng đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Theo Phó Chủ tịch quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương, trong đợt tiêm lần này, lực lượng ứng trực, thường trực cấp cứu được quận chuẩn bị chu đáo hơn nhằm đảm bảo công tác tiêm chủng được diễn ra an toàn, kịp thời xử lý các sự cố bất thường sau tiêm. 

Ngoài nhân lực tại Trạm y tế, Long Biên còn huy động các tổ cấp cứu (gồm cán bộ y tế và xe cấp cứu) của các bệnh viện, phòng khám đóng trên địa bàn như: Bệnh viện đa khoa Đức Giang; Bệnh viện đa khoa Tâm Anh; Bệnh viện Tâm thần Hà Nội… Bên cạnh đó, quận cũng yêu cầu nhà trường và y tế địa phương tăng cường truyền thông đến phụ huynh học sinh về lợi ích của việc tiêm vacicne COVID-19; cập nhật chính xác và kịp thời thông tin của các đối tượng đã được tiêm lên hệ thống tiêm chủng quốc gia. Chính quyền địa phương mong muốn phụ huynh học sinh đồng thuận, phối hợp với nhà trường để đưa trẻ tới các điểm tiêm chủng, thực hiện tiêm đầy đủ và sớm nhất nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vaccine.

Để đẩy mạnh tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ, quận Thanh Xuân cũng tập trung tuyên truyền đến các giáo viên, phụ huynh học sinh và người dân. Thông qua các bài phát thanh, tuyên truyền, tài liệu, hướng dẫn được UBND quận, phường, các nhà trường truyên truyền qua Cổng/trang thông tin điện tử quận/phường, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của các trường, các phường; tuyên truyền trực tiếp cho các phụ huynh và qua các nhóm lớp để đến từng phụ huynh học sinh biết và phối hợp thực hiện…

Thiện Tâm

Top