Tiếp tục chỉnh trang, hiện đại hoá hạ tầng đô thị một cách thực chất

06/01/2022 3:05 PM

(Chinhphu.vn) - Qua một năm thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, Hà Nội đã tiếp tục phát triển đồng bộ, hiện đại hóa và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông đạt 10,21%.

Tiếp tục chỉnh trang, hiện đại hoá hạ tầng đô thị một cách thực chất - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị

Sáng 6/01, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025" tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, trong năm qua, Ban Chỉ đạo đã tập trung nghiên cứu xây dựng nội dung Chương trình để Thành ủy phê duyệt; Xây dựng Kế hoạch; Ban hành Quy chế hoạt động; Phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc; Rà soát, đề xuất kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo đảm bảo kịp thời, thông suốt, hiệu quả.

Năm 2021, trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm được giao, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch, tập trung triển khai thực hiện. Cụ thể, đã hoàn thành phê duyệt 06 đồ án quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử H1) với tổng diện tích 2.710 ha và 01 đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung, 02 đồ án Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị (A6 và S3); 19 đồ án đang trình thẩm định; 02 đồ án đang đẩy nhanh thực hiện.

Qua 1 năm triển khai, thực hiện, các chỉ tiêu của Chương trình đã được cụ thể hóa và đang trong quá trình triển khai; công tác xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án được khẩn trương xây dựng; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của chương trình cũng được tổ chức thực hiện, bước đầu đạt được nhiều kết quả.

Ban Chỉ đạo chương trình đã tổ chức thẩm định nhiệm vụ quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục hoàn thiện các đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, 31 quy hoạch phân khu thuộc 05 đô thị vệ tinh.

Cùng với đó, Thành phố tiếp tục tập trung vào công tác chỉnh trang hè, đường phố, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Công tác phát triển đồng bộ, hiện đại hóa và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị tiếp tục được quan tâm. Đến nay, chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông đạt 10,21%. Tập trung phát triển nhanh hạ tầng giao thông, các trục giao thông song hành kết nối đô thị trung tâm-đô thị vệ tinh. Phát triển hệ thống đường vành đai, đường hướng tâm, các cầu qua sông, các tuyến quốc lộ, các trục hướng tâm theo quy hoạch, các nút giao thông. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch. Nhận bàn giao và triển khai kế hoạch vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Tăng cường phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, năm 2021, tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 15,2%.

Tiếp tục triển khai Đề án "Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030" trên địa bàn thành phố Hà Nội; đôn đốc tiến độ, tháo gỡ khó khăn cho 05 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức) đang thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận. Giải quyết được 06/37 điểm ùn tắc giao thông, 19/27 điểm đen về tai nạn giao thông.

Hiện nay, Thành phố tiếp tục chỉ đạo triển khai đầu tư xây dựng, nâng công suất một số nhà máy sử dụng nguồn nước mặt sông Đà, sông Hồng, sông Đuống. Triển khai thực hiện Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục hoàn chỉnh Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung chỉ đạo phát triển các khu vực mới của đô thị theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, bền vững đảm bảo hài hòa mối liên kết giữa đô thị và nông thôn, tạo điều kiện, động lực thúc đẩy phát triển khu vực ngoại thành, hình thành những vùng chuyển tiếp, vành đai xanh giữa đô thị và nông thôn phù hợp với từng khu vực phát triển.

Các quận, huyện, thị xã và các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 17.236 công trình (đạt 100% công trình), qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 323 trường hợp có vi phạm chiếm tỷ lệ 1,87%; đã xử lý dứt điểm 226/323 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 70% và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền: 97/323 trường hợp, chiếm tỷ lệ 30%. UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 1.393 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 6,9 tỷ đồng.

Tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã phải đẩy mạnh quán triệt, triển khai chương trình một cách thực chất, quyết liệt, định lượng và có sản phẩm cụ thể, đặc biệt là trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh.

Trong đó, Sở Xây dựng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phải tham mưu, xây dựng kế hoạch danh mục cụ thể hóa chỉ tiêu của Chương trình, định lượng rõ các việc, từ cơ chế chính sách tới các việc cụ thể, có kế hoạch kiểm tra việc thực hiện của các địa phương, đơn vị. Ngoài ra, các quận huyện rà soát, đánh giá lại toàn bộ các chỉ tiêu để xác định những vướng mắc khó khăn, đề xuất Ban Chỉ đạo tháo gỡ, đảm bảo thực hiện đạt tiến độ và chất lượng trong năm 2022.

Gia Huy

Top