Tiếp tục mở rộng và nâng cấp nhiều Bệnh viện, Trung tâm y tế
(Chinhphu.vn) – Nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng nâng cấp cơ sở vật chất và bổ sung các trang thiết bị đồng bộ nhiều bệnh viện, trung tâm y tế của Thành phố.
![]() |
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. |
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến nay Hà Nội đã hoàn thành dự án bệnh viện Đa khoa Đức Giang với tổng mức đầu tư là hơn 860 tỷ đồng; dự án Cải tạo Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và xây dựng nhà điều trị nội khoa với tổng mức đầu tư 332 tỷ đồng.
Các dự án đang tiếp tục thực hiện là Dự án Nâng cấp Bệnh viện huyện Đông Anh với tổng mức đầu tư khoảng 415 tỷ đồng. Dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
Cùng với đó là dự án Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn với tổng mức đầu tư là 364 tỷ đồng. Sở Y tế cho biết hiện đang phấn đấu hoàn thành trong năm 2017.
Một số dự án cũng dự kiến được hoàn thành trong năm nay với mỗi dự án có khoản đầu tư khoảng từ 400 -500 tỷ đồng như Dự án Đầu tư nâng cấp BV Thanh Nhàn Giai đoạn II, dự kiến năm 2017 hoàn thành khối nhà 9 tầng. Năm 2018 hoàn thành toàn bộ dự án và thực hiện quyết toán dự án hoàn thành; Dự án Đầu tư nâng cấp Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội giai đoạn II, dự kiến hoàn thành cơ bản toàn bộ dự án trong năm 2017. Năm 2018 thực hiện quyết toán dự án hoàn thành.
Dự án Mở rộng và nâng cấp Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì đạt tiêu chuẩn Bệnh viện hạng II với tổng mức đầu tư 498 tỷ đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2019.
Dự án Xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội với tổng mức đầu tư 784 tỷ đồng, hiện đã thực hiện rà soát điều chỉnh thiết kế.
Bổ sung trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Thành phố, Hà Nội hiện cũng đang chuẩn bị đầu tư dự án Xây dựng bệnh viện nhiệt đới Hà Nội giai đoạn I với tổng mức đầu tư dự kiến 3.400 tỷ đồng.
Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cơ sở 2 giai đoạn I với tổng mức đầu tư dự kiến 2900 tỷ đồng dự án Cải tạo Bệnh viện Đa khoa Hà Đông với tổng mức đầu tư dự kiến 308 tỷ đồng; dự án Cải tạo nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây với tổng mức dự kiến 379 tỷ đồng.
Trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Hà Nội cũng dự kiến triển khai thực các dự án đầu tư cải tạo, sửa chữa khu nhà 3 tầng Bệnh viện Mắt Hà Đông; cải tạo nhà khoa Nhi, nhà khoa khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất; cải tạo, sửa chữa khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ; sửa chữa khoa kiểm soát nhiễm khuẩn và hệ thống xử lý nước thải - Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức; xây dựng tường rào khu điều trị phong Quốc Oai - Bệnh viện Da liễu; cải tạo chống xuống cấp Nhà 3 - Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội; sửa chữa cải tạo Khoa Nhi - Bệnh viện Tâm thần Hà Nội; sửa chữa cải tạo nâng cấp Khu xét nghiệm – Trung tâm pháp y Hà Nội; Cải tạo, sửa chữa khu điều trị, nhà ăn cho bệnh nhân - Bệnh viện PHCN; Cải tạo, sửa chữa khoa Dinh dưởng, khoa Khám bệnh, Khoa Sản, Đông Y, Khoa Dược, Phòng Vật Tư - Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức
Riêng đối với các dự án phục vụ Trung tâm kỹ thuật cao Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, được biết hiện nay dự án Trung tâm Kỹ thuật cao thuộc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiếp nhận vốn tài trợ khoảng 355 tỷ và đưa vào hoạt động từ tháng 01/2017…
Xã hội hóa để thu hút nguồn lực đầu tư
Nhằm tiếp tục xã hội hóa và xây dựng thêm bệnh viện để người nghèo được hưởng các dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện công được thuận lợi hơn, thời gian qua, Hà Nội đã tích cực nghiên cứu, vận dụng thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn về công tác đầu tư xã hội hóa của Chính Phủ, Bộ, ngành và UBND Thành phố; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;…
Hiện nay toàn ngành Y tế Hà Nội có 62 đề án xã hội hóa đang hoạt động tại 17/42 Bệnh viện và 8 Trung tâm y tế với tổng mức đầu tư khoảng gần 450 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế, Hà Nội hiện có 14 đơn vị xây dựng đề cương, đề án thu hút xã hội hóa với tổng nguồn vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng.
Năm 2017, Sở Y tế Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành chức năng tổ chức họp Hội đồng tư vấn thẩm định các đề án xã hội hóa của Ngành hướng dẫn các đơn vị: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ Sản, Bệnh viện Tim, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông lập đề cương xin chủ trương UBND Thành phố cho phép triển khai xây dựng Đề án xã hội hóa theo hình thức liên doanh liên kết với đối tác (nhà đầu tư) để đầu tư xây dựng thành lập mới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo nội dung Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế và đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương cho phép xây dựng đề án xã hội hóa y tế.
Ngành Y tế Thành phố hướng dẫn các đơn vị (6 đơn vị đã được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương:Bệnh viện Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Trung tâm 115, Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh) lập Đề án trình UBND Thành phố quyết định.
Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Tim, Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai triển khai thực hiện dự án theo qui định.
Sở Y tế Hà Nội hiện quản lý 41 bệnh viện công lập, khối y tế ngoài công lập có 34 bệnh viện, 2.931 phòng khám đa khoa, chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế. Tổng số giường bệnh là 13.347 giường bệnh. Bên cạnh đầu tư trang thiết bị, nâng cấp các cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, quản lý tốt chất lượng bệnh viện, thời gian qua, các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, ứng dụng và phát triển các kỹ thuật mới trong điều trị, chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân…
Minh Anh