Tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết

09/09/2022 8:10 AM

(Chinhphu.vn) - Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, cũng là cao điểm dịch sốt xuất huyết có nguy cơ lây lan, để chủ động phòng chống dịch bệnh, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan diện rộng. Hiện Hà Nội đã triển khai 875/1.159 (đạt 75%) chiến dịch diệt bọ gậy; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi được 37.226/43.937 hộ được khoanh vùng trong khu vực nguy cơ (đạt 84,7%).

Tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Phun hóa chất diệt muỗi, bọ gậy. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Sở Y tế, tính đến 5/9, toàn thành phố ghi nhận 1.877 ca mắc sốt xuất huyết. Số mắc ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã; 378/579 xã, phường, thị trấn. Số mắc có xu hướng tăng nhanh trong những tuần gần đây. Từ đầu năm cộng dồn ổ dịch ghi nhận là 182 tại 27 quận, huyện. Hiện tại còn 55 ổ dịch đang hoạt động.

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội phối hợp với trung tâm các quận, huyện, thị xã triển khai các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết như bố trí nhân lực, thành lập đội phản ứng nhanh kịp thời điều tra véc-tơ, xử lý môi trường khi phát hiện ca bệnh; đảm bảo đủ kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch...;

Đặc biệt chủ động giám sát phát hiện bệnh nhân sốt xuất huyết tại cộng đồng và cơ sở y tế, trong đó 87,5% bệnh nhân sốt xuất huyết do trạm y tế và trung tâm y tế phát hiện; đồng thời duy trì hoạt động giám sát tác nhân gây bệnh (lấy mẫu xét nghiệm). Kết quả 13,2% bệnh nhân sốt xuất huyết được lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán bằng kỹ thuật MAC-ELISA hoặc PCR (kết quả 10 mẫu dương tính PCR (3 mẫu tuýp D1 và 7 mẫu tuýp D2); 9 mẫu dương tính MAC- ELISA, 56 mẫu âm tính, 92 mẫu chưa có kết quả).

Theo Sở Y tế, các ổ bọ gậy vẫn chủ yếu ghi nhận ở các dụng cụ chứa nước như phế liệu, xô, chậu, bể chứa nước lớn, cây cảnh, hố nước đọng, thùng phuy; triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường – diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết toàn thành phố, kết quả tổng số chiến dịch đã triển khai toàn thành phố 875/1.159 (đạt 75%); tổ chức chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết đã thực hiện 31 chiến dịch, tổng số lượt hộ được phun là 37.226/43.937 hộ được khoanh vùng trong khu vực nguy cơ đạt 84,7%;

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố phân luồng, thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc sốt xuất huyết. Đồng thời dự trù thuốc, trang thiết bị sẵn sàng điều trị cho người bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, giảm biến chứng và giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng kiểm tra phòng chống sốt xuất huyết tại nhà dân. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo dự báo, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới do bắt đầu bước vào mùa dịch theo chu kỳ hằng năm, số mắc tăng nhanh theo từng tuần (bắt đầu tăng từ tháng 7, tăng nhanh trong tháng 8-9, thường đạt đỉnh vào tháng 10); dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát sau 4 – 5 năm (năm 2017 dịch bùng phát, sau 5 năm là năm 2022).

Vì vậy, nhằm quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội phối hợp với các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện hoạt động chủ động phòng chống sốt xuất huyết. Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cũng triển khai hướng dẫn trạm y tế, đội xung kích... giám sát hoạt động xử lý ca bệnh, ổ dịch theo đúng quy định, kịp thời và đầy đủ các hoạt động. Đặc biệt là tham mưu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai các hoạt động cao điểm chủ động phòng, chống sốt xuất huyết trong tháng 9. 

Thực hiện diệt bọ gậy hằng tuần; phun hóa chất diện rộng tại khu vực có bệnh nhân và có chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng; tăng cường giám sát phát hiện bệnh nhân tại cộng đồng và các bệnh viện được phân cấp để kịp thời nắm bắt tình hình dịch, phát hiện sớm, điều tra xử lý ca bệnh. 

Tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, ngoài hoạt động giám sát côn trùng thường xuyên yêu cầu 100% các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch phải được giám sát côn trùng để đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng chống phù hợp...

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Vì vậy, theo các chuyên gia y tế, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, mỗi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy, loăng quăng, thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh, ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày… để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

Người dân cũng cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn, điều trị kịp thời...

Thiện Tâm

Top