Tiếp tục triển khai mô hình ‘Dân vận khéo’ trên mọi lĩnh vực

31/07/2024 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - Phong trào 'Dân vận khéo' tại Hà Nội được triển khai ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Từ đầu năm 2024 đến nay, từ cấp Thành phố đến cơ sở đã có trên 24.250 mô hình dân vận khéo được đăng ký.

Tiếp tục triển khai mô hình ‘Dân vận khéo’ trên mọi lĩnh vực- Ảnh 1.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chủ trì hội nghị sơ kết công tác dân vận của Đảng bộ Thành phố - Ảnh: HNP

Sáng 31/7, Thành uỷ Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết công tác dân vận của Đảng bộ Thành phố 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động của hệ thống dân vận Hà Nội được đánh giá cơ bản đồng bộ, hiệu quả; vị thế, vai trò, uy tín của công tác dân vận và cán bộ dân vận tiếp tục được nâng lên. Kết quả công tác dân vận góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thành ủy chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 1/10/2021 "về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước" và các chỉ thị, nghị quyết về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng đối với một số lĩnh vực hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Thành ủy tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và. Theo đó, các quận, huyện, thị ủy triển khai tổ chức Hội thi "Dân vận khéo" từ thôn, tổ dân phố tạo thành phong trào thi đua sôi nổi và được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Đến nay, tổng số mô hình "Dân vận khéo" năm 2024 từ cấp cơ sở đến cấp Thành phố được đăng ký là trên 24.250 mô hình.

UBND đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Ban hành Kế hoạch "Chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh năm 2024" và "Triển khai xác định chỉ số Chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội năm 2024". Các cơ quan hành chính đã triển khai 289 cuộc thanh tra và qua đó đã phát hiện, xử phạt hơn 53 tỷ đồng đối với các trường hợp vi phạm hành chính.

HĐND đã tổ chức 5 phiên họp định kỳ, 2 phiên họp chuyên đề, ban hành 68 văn bản để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm; đã xem xét thông qua 16 Nghị quyết; ban hành 17 nghị quyết, trong đó thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hoạt động giám sát được đẩy mạnh, tập trung vào những vấn đề dân sinh bức xúc, những địa bàn, lĩnh vực được cử tri và Nhân dân quan tâm.

MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng TP phối hợp tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. 6 tháng đầu năm 2024, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã phối hợp giám sát 10.665 cuộc; tổ chức 803 cuộc góp ý phản biện; tổ chức 2 hội nghị tiếp xúc, đối thoại cấp TP; 35 hội nghị cấp quận, huyện, thị xã và 525 hội nghị cấp xã, phường.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận từ TP đến cơ sở.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ yêu cầu, trong 6 tháng cuối năm 2024, hệ thống dân vận Thành phố cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao, hoàn thành tốt kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Trong đó, Ban Dân vận Thành ủy, Ban Dân vận các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy tham mưu với cấp ủy chủ động triển khai công tác phối hợp xây dựng Văn kiện phục vụ Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII và văn kiện Đại hội đảng bộ các cấp.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục tham mưu chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác nắm tình hình nhân dân, đặc biệt là ở những địa bàn dễ nảy sinh vấn đề phức tạp.

Quan tâm chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Đồng thời có nhiều mô hình mới thu hút, tập hợp hội viên, đoàn viên tham gia trong hệ thống dân vận, MTTQ và các đoàn thể.

Ban Dân vận Thành ủy, Ban Dân vận các quận, huyện, thị ủy, bộ phận làm công tác dân vận các đảng ủy trực thuộc đã chủ động tham mưu với Thành ủy và cấp ủy cùng cấp triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân vận của đảng bộ.

Phó Bí thư Thường trực yêu cầu tiếp tục triển khai mô hình "Dân vận khéo" ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực. Đưa việc thực sự trở thành một phong trào thi đua sôi nổi, thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Song song với đó phát động "Phong trào thi đua yêu nước" và tổ chức Hội thi "Dân vận khéo" năm 2024 thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024); 25 năm Ngày Bác Hồ viết bài báo "Dân vận"; 95 năm Ngày Dân vận của cả nước.

Bên cạnh đó, cần quan tâm tham gia tuyên truyền cho người dân hiểu và thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2025.

Gia Huy

Top