Tiếp tục xây dựng các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng

07/11/2019 12:27 PM

(Chinhphu.vn) - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, thời gian qua, Sở đã tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa; nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến hình ảnh văn hóa, du lịch Thủ đô...

Những con rối nước được du khách nước ngoài rất ưa chuộng

Cụ thể, Sở đã chú trọng, triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện; tham mưu Thành phố ban hành và tổ chức thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, gắn với đẩy mạnh phong trào thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, góp phần xây dựng môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn...

Sở cũng đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Trung bình mỗi năm, các đơn vị thuộc Sở tổ chức khoảng 2.500 sự kiện văn hóa, nghệ thuật độc đáo, có sức hấp dẫn cao, thu hút sự tham gia của người dân và khách du lịch. Trên địa bàn Thành phố đã hình thành một số sản phẩm văn hóa - du lịch nổi bật, như Không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; không gian phố bích họa Phùng Hưng; Lễ hội hoa Anh đào Nhật Bản; Chương trình hòa nhạc Vietnam Airline Classic - Hanoi Concert; Liên hoan phim quốc tế Hà Nội...

Ngoài ra, hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa cũng đẩy mạnh. Từ năm 2017 đến nay, có khoảng 400 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, du lịch của các tỉnh, thành phố và các tổ chức quốc tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

Đặc biệt, Sở đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao hiệu quả thu hút khách du lịch của các di tích trên địa bàn, như giữ gìn môi trường, cảnh quan di tích xanh, sạch, đẹp; tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, hướng dẫn viên; phối hợp với các đơn vị lữ hành trong kết nối tour, tuyến du lịch; xây dựng các trang thông tin điện tử, các ấn phẩm quảng bá về di tích... Chính vì thế, lượng khách du lịch đến với các điểm di tích của Thành phố ngày một tăng. Tính chung từ năm 2016 đến tháng 10 năm 2019, lượng khách du lịch đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám là trên 6 triệu lượt; đến di tích Nhà tù Hỏa Lò là trên 1,4 triệu lượt; đến Đền Ngọc Sơn là gần 4 triệu lượt...

Đánh giá những kết quả trên của Sở Văn hóa - Thể thao, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, sự phát triển của du lịch văn hóa trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của du lịch Thủ đô. Đặc biệt, thông qua các hoạt động văn hóa đã tạo dựng hình ảnh Thủ đô nghìn năm văn hiến. Tuy vậy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy lưu ý Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch cần gắn kết chặt chẽ hơn trong đánh giá, phân tích kỹ các chỉ tiêu về đối tượng khách du lịch đến Thủ đô, về chi phí và nhu cầu của du khách để có giải pháp hiệu quả. Đặc biệt, Sở cần chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa để thúc đẩy phát triển du lịch của Thành phố.

Để phát triển ngành văn hóa - thể thao, du lịch phát triển hơn nữa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu, trong thời gian tới, Đảng ủy, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao cần tiếp tục tạo ra các sản phẩm văn hóa đặc trưng của Hà Nội, dựa trên những giá trị di sản tự nhiên, nhân văn, cả vật thể và phi vật thể, nhất là những di tích lịch sử quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, những di tích lịch sử được UNESCO công nhận, các chương trình nghệ thuật truyền thống...

Đồng thời, tập trung đẩy nhanh thực hiện Đề án triển khai thực hiện phần trưng bày của Bảo tàng Hà Nội; phối hợp với các đơn vị thực hiện công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa để trở thành các điểm thu hút khách du lịch bền vững. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, quận, huyện, đặc biệt với Ngành du lịch trong công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch văn hóa. Tiếp tục tổ chức tốt Ngày văn hóa Thủ đô Hà Nội tại các tỉnh, thành phố trong nước, quốc tế. Tổ chức hiệu quả các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trên tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm để xây dựng nơi đây thành điểm du lịch văn hóa tiêu biểu, có sức hấp dẫn cao, thu hút du khách du khách trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, Sở cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch và triển khai thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố, góp phần phát huy hình ảnh Hà Nội là điểm đến du lịch an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn.

Huy Thành

Top