Tìm hướng phát triển bền vững cho chăn nuôi gà Mía

11/04/2017 2:43 PM

(Chinhphu.vn)-Do được đầu tư và từng bước xây dựng thương hiệu nên hiện nay, gà Mía ở Đường Lâm, Sơn Tây ngày càng phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ và cho thu nhập cao hơn so với chăn nuôi gà công nghiệp.

Chăn nuôi gà Mía cho thu nhập cao hơn các giống gà khác

Mang lại giá trị cao…

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hợi, chuyên viên Phòng Kinh tế Sơn Tây cho biết, trước đây gà Mía được chăn thả theo phương thức bán chăn thả ở các hộ gia đình ở Đường Lâm và các vùng lân cận, chất lượng giống không ổn định, sản phẩm cung cấp cho thị trường chưa nhiều. Nhưng do nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát triển chăn nuôi gà Mía, Sở NN&PTNT Hà Nội và các cấp chính quyền đã đầu tư và từng bước xây dựng thương hiệu cho gà Mía Sơn Tây. Hiện nay chăn nuôi gà Mía được tiêu thụ tại nhiều quán ăn, nhà hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Năm 2014, Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía được thành lập. Tới nay, hội có 25 thành viên với tổng đàn gà khoảng hơn 40.000 con, trong đó gà bố mẹ với khoảng 20.000 con, năng lực sản xuất khoảng 0,11 tấn thịt hơi/ngày. Gà trống có trọng lượng khi xuất bán thịt bình quân đạt 2,4-2,6 kg/con; gà mái có trọng lượng lúc xuất thịt bình quân đạt 1, 8-2,0 kg/con. Đây là giống gà bản địa thích nghi tốt với điều kiện ngoại cảnh, có khả năng tự kiếm ăn tốt, thích hợp với phương thức chăn nuôi truyền thống và đặc biệt có sức đề kháng tốt.

Hiện nay giống gà Mía một ngày tuổi của các nông hộ, trang trại có giá trị cao, vì chăn nuôi gà Mía đem lại hiệu quả cao hơn so với các giống gà khác. Giá bán gà thịt và gà giống Mía hơn hẳn các gà khác. Giá gà Mía thịt có thể chênh lệch so với các loại gà khác từ 10.000-20.000 đồng/kg.

Gà Mía có nguồn gen rất quý và đặt biệt là gà trống Mía có thể lai tạo được với các giống gà khác đẻ tạo ra con thương phẩm có giá trị cao như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà đồi Yên Thế…

Gà Mía là giống gà đặc sản của vùng đất Sơn Tây, do có vị thơm, ngon, vị ngọt đậm, dai, đặc biệt là da gà ăn rất ngon, nên loại gà này được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao. Ngày nay, thị trường có nhu cầu ngày càng lớn đối với thực phẩm chất lượng cao, buộc người chăn nuôi phải phát triển giống bản địa phương thức chăn nuôi tự do, có kiểm soát thức ăn đầu vào để sản xuất thực phẩm sạch và ngon hơn, đây là cơ hội lớn để phát triển giống gà Mía danh tiếng.

phát triển còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển gà Mía còn gặp rất nhiều khó khăn. Dù gà Mía dễ nuôi, có sức chống chịu bệnh tật tốt, mùi vị thơm ngon và giá bán cao nhưng khả năng sinh trưởng thấp và tiêu tốn thức ăn cao nên người dân thường lựa chọn những giống gà có năng suất cao hơn để nuôi.

Gà Mía cũng như nhiều loại gà bản địa quý hiếm khác đều được phân bố trên địa bàn hẹp chủ yếu ở Đường Lâm-Sơn Tây. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ tuyệt chủng to lớn, nhất là khi có đại dịch nguy hiểm (như dịch cúm gia cầm) xảy ra do yêu cầu của công tác chống dịch, buộc phải tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm trong ổ dịch, đặt các giống địa phương trước nguy cơ tuyệt chủng rất cao.

Một điều đáng lo ngại nữa là sự lai tạp với những giống gà nội có năng suất cao như Lương phượng, Kabir.. năng suất cao được đưa vào chăn thả với số lượng lớn, các giống gà bản địa như gà Mía sẽ bị lai tạp và mất dần thuộc tính ban đầu. Bên cạnh đó, do người chăn nuôi chưa ý thức được đầy đủ giá trị của giống gà địa phương nên dẫn tới xói mòn hệ gen gà Mía gốc. Tới nay, số lượng gà Mía còn hạn chế lại bị phân ly trên thị trường không còn rõ ràng.

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi nói chung và phải đối mặt với sự khốc liệt của gia cầm nhập khẩu với số lượng lớn, giá rẻ hơn nhiều so với gia cầm nuôi trong nước và gà Mía cũng không tránh khỏi bởi xu thế chung, giá gà giảm sâu trong khi chi phí thức ăn và nhân công giảm khiến người chăn nuôi lao đao, không còn mặn mà với việc bảo tồn nguồn giống bản địa.

Công tác phát triển chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía, người tiêu dùng còn chưa biết nhiều đến sản phẩm khuyến nông, đến sản phẩm gà Mía cũng không tránh khỏi nhiều khó khăn như chưa xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ gà Mía; hoạt động của Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía còn chưa hiệu quả, chưa gắn kết và quản lý được hoạt động của các hội viên trong hội, chưa xây dựng được cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh cũng như các cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VIETGAP…

Hướng đi lâu dài

Trước những vướng mắc này, đại diện Phòng Kinh tế Sơn Tây cho biết, để có hướng phát triển bền vững thì rất cần việc hình thành chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến tiêu thụ gà Mía, với sự tham gia của các tác nhân trong chuỗi chăn nuôi để đảm bảo lợi ích hài hòa của người chăn nuôi cũng như doanh nghiệp.

Đồng thời cần nghiên cứu chọn lọc dòng gà Mía có năng suất sinh trưởng cao để bảo tồn nguyên vẹn vốn gen di truyền và tuyển lựa, để duy trì và cải tạo nâng cao các giá trị của chúng. Song song hỗ trợ Hội Chăn nuôi gà Mía xây dựng và hoàn thiện quy trình chăn nuôi thống nhất, khoa học đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tư vấn hỗ trợ các hội viên lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, xây dựng các mô hình sản xuất con giống; hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho gà Mía Sơn Tây.

Phòng Kinh tế Sơn Tây cho rằng, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cần phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã, Hội Chăn nuôi gà Mía xây dựng và triển khai chuỗi chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía khép kín với các tác nhân tham gia từ khâu chăn nuôi tới giết mổ và tiêu thụ gà Mía. Tổ chức tập huấn cho các tác nhân tham gia chuỗi liên kết và tiêu thụ gà Mía về kỹ thuật chăn nuôi, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết và kiến thức về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Triển khai nhiều đợt thăm quan, học tập trao đổi kinh nghiệm tại các mô hình chuỗ thành công cho cán bộ quản lý, kỹ thuật, các tác nhân của chuỗi.

Xây dựng và triển khai quy trình chăn nuôi theo an toàn sinh học, cơ sở, vùng chăn nuôi đáp ứng đủ điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh; quy chế quản lý chuỗi và chất lượng sản phẩm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm, phù hợp với thực tiễn chăn nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà Mía cho các nông hộ, mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi gà Mía chất lượng.

Đặc biệt, cần kết nối với các hộ sản xuất trong chuỗi chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm. 

Tú Mai

Top