Tìm thấy nhiều mảnh ngói thời Lê Sơ tráng men xanh

17/04/2018 4:10 PM

(Chinhphu.vn) - Kết quả khai quật thăm dò khu vực chính Điện Kính Thiên năm 2017 cho thấy đặc điểm chung của di vật phát lộ gần tương tự như di vật ở các đợt đào trước đây, nhưng đã tìm thấy nhiều mảnh ngói thời Lê Sơ tráng men xanh, men vàng, cùng với các mảnh ngói trang trí rồng đi kèm.

Hiện vật khảo cổ thời Lê Sơ-Ảnh: Diệp An

Sáng 17/4, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính Điện Kính Thiên năm 2017.

Trong năm 2017, Trung Tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã phối hợp tiến hành khai quật khu vực phía Đông Bắc di tích nền Điện Kính Thiên với tổng diện tích 960 m2. Mục tiêu nhằm nghiên cứu làm rõ thêm vị trí, quy mô cấu trúc và giá trị của Khu di sản thế giới Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long tại Khu vực chính Điện Kính Thiên.

Tại hội thảo, các nhà khoa học nhận định, sau gần một năm khai quật thăm dò và nghiên cứu chỉnh lý, bước đầu tính chất, niên đại, quy mô, chức năng và giá trị của các di tích đã xuất lộ tại hố khai quật Khu vực chính Điện Kính Thiên.

Theo đó, Đoàn khai quật đã mở một hố nằm chếch về phía Đông Bắc di tích nền chính Điện Kính Thiên, phía Đông Nam khu vực hành cung thời Nguyễn. Hố khai quật gồm 16 lớp đào (từ lớp mặt đến lớp thứ 16). Các lớp đào dày trung bình 20 cm, diễn biến khá phức tạp và về cơ bản bị phá hủy do có sự xâm thực của giai đoạn sau xuống các tầng văn hóa giai đoạn trước, chỉ còn một vài vị trí nhỏ ít bị phá hủy.

Về cơ bản địa tầng và tầng văn hóa của hố khai quật năm 2017 là tương tự như các hố khai quật từ năm 2011 đến nay với đủ các lớp từ thời Đại La qua thời Đinh-Tiền Lê, Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng, Nguyễn.

Dấu tích khảo cổ niên đại thời Lý-Ảnh: Diệp An

Cuộc khai quật cũng đã tìm thấy dấu tích một số kiến trúc có niên đại thuộc các thời Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng, gồm có móng cột, móng nền kiến trúc, sân nền… Các dấu tích kiến trúc này bị phá hủy hầu hết bởi một hố đào lớn có thể diễn ra vào khoảng thế kỷ 18 hoặc 19. Tính chất và niên đại của hố đào hiện còn đang được tiếp tục nghiên cứu. Ngoài ra, các di vật xuất lộ trong đợt khai quật lần này có nhiều loại hình khác nhau như: đồ đất nung, đồ gốm, đồ gỗ, đồ kim loại, trong đó, một số lượng lớn là gạch ngói.

Trong các loại vật liệu xây dựng, đặc sắc nhất là nhóm gạch ngói và vật liệu trang trí lợp mái cung điện có tráng men vàng (hoàng lưu ly) thuộc thời Lê Sơ (thời kỳ 15 đầu thế kỷ 17). Những di vật này cho phép hình dung rõ thêm về loại “ngói rồng” lợp cung điện trong khu vực chính Điện Kính Thiên cùa Hoàng đế Lê Sơ…

Về gạch, ngói, cuộc khai quật đã tìm thấy nhiều mảnh ngói thời Lê Sơ tráng men xanh, men vàng, cùng với các mảnh ngói trang trí rồng đi kèm. Đặc điểm là nhiều viên ngói kết nối với nhau tạo thành một con rồng cho nên có ý kiến gọi đây là loại “ngói rồng”, đầu ngói cũng được trang trí hình rồng. Về gốm sứ, hố đào này tìm thấy khá nhiều mảnh gốm men thời Lê Sơ, Mạc và Lê Trung hưng. Có nhiều mảnh gốm sứ có trang trí hình rồng thuộc thời Lê Sơ và thời Mạc. Đây là loại tư liệu rất tốt để nghiên cứu tính chất và đời sống Hoàng Cung Thăng Long thời Lê.

Theo các nhà khoa học, các dấu tích kiến trúc và hệ thống di vật đã phát hiện trong cuộc khai quật năm 2017 tiếp tục phản ánh diễn biến phức tạp của các di tích lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội dưới lòng đất. Cuộc khai quật năm đã đóng góp thêm nhiều tư liệu mới góp phần tìm hiểu kiến trúc Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Đông Bắc chính điện Kính Thiên và góp thêm tư liệu mới để phục vụ cho dự án nghiên cứu, khôi phục Chính điện Kính Thiên.

Diệp An

Top