Tỉnh táo trước 'Lan đột biến'

24/08/2020 3:25 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, các hoạt động giao dịch, mua bán, chuyển nhượng lan đột biến diễn ra tự phát, chưa có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, nên dễ xuất hiện nguy cơ biến tướng hoặc lợi dụng để rửa tiền.

Lan "đột biến" được rao bán lên đến hàng tỷ đồng. Ảnh: An Khuê

Cơn sốt tại Đông La, Hà Nội

Nhiều khách tìm đến Đông La (Hoài Đức, Hà Nội) - vựa hoa lan lớn nhất nhì miền Bắc hiện nay - để mua phong lan, trong đó có loài lan var (lan đột biến). Với nhiều tên gọi mĩ miều như Hồng mĩ nhân, Bạch tuyết cánh trắng, "người đẹp" Bình Dương, Á hậu, Tiên vũ, Quế lan hương... phong lan được giới mê cây cảnh ráo riết săn lùng, trong đó loài lan var (lan đột biến) đang khiến thị trường "lên cơn sốt". Đáng chú ý, có những giao dịch mua bán lan phi điệp đột biến gen lên tới vài tỉ, thậm chí vài chục tỉ đồng khiến không ít người bất ngờ và hoài nghi về giá trị thật.

Nhiều khách hàng tìm về xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội nơi có nhiều nhà vườn lớn chuyên trồng hoa lan, trong đó có dòng hoa phi điệp đột biến đang gây xôn xao dư luận với các thương vụ "khủng" liên tiếp diễn ra.

Giao dịch hoa lan cũng rất đa dạng, có thể là hàng đổi hàng, mua - bán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản... Các cuộc mua - bán lan đột biến có giá trị tiền tỉ là thật hay ảo và "cơn sốt" lan var này có thể kéo dài được bao lâu, hay chỉ là "bong bóng" sẽ mau chóng tan vỡ?

Ngay tại vựa hoa lan Đông La, vừa có thương vụ giá trị lên đến 20 tỷ đồng cách đây không lâu, sau khi giới chơi lan truyền tai nhau về giò phong lan phi điệp đột biến gen mang tên "Bạch Tuyết Á hậu".

Các giao dịch khác về lan đột biến với giá trị "khủng" khác có thể kể tới là vụ bán một kie (mầm con phát triển từ mắt của cây lan mẹ) "Huyền thoại bướm đại ngàn" với giá 15 tỉ đồng, hay một giao dịch "bí ẩn" về chậu lan Juliet đột biến với giá được cho là mấy chục tỉ đồng.

Không chỉ tại Đông La, thời gian gần đây, tại nhiều địa phương rộ lên phong trào chơi hoa lan đột biến, nhiều thương vụ mua bán có giá trị lên tới tiền tỷ, thậm chí chục tỷ đồng. Tuy nhiên, những thông tin về các giao dịch này thường mập mờ, giá trị hoa lan được định giá tự do, không có căn cứ. Đây chính là cơ hội cho các đối tượng lợi dụng “thổi giá”, lừa đảo những người chơi lan thiếu hiểu biết, ham làm giàu.

Phong trào chơi hoa lan, đặc biệt là những giống lan hiếm, lan đột biến gen thời gian gần đây khá phổ biến, thậm chí nhiều người còn cầm cố nhà, bán đất, đi vay tín dụng đen để đầu tư mạnh tay vào loại lan này.

Giàu lên, đổi đời nhờ lan đột biến thì không thể kiểm chứng, nhưng khá nhiều người lao vào kinh doanh mặt hàng này đã mất tiền tỷ, thậm chí sạt nghiệp. Theo một chuyên gia về sinh vật cảnh, lan đột biến có số lượng rất ít, giá lên đến trăm triệu, tiền tỷ là có nhưng đến hàng chục tỷ thì cần xem lại. Bởi có thể đây là hành động nâng giá ảo, nhằm mục đích tạo “sóng” và làm tăng giá trị lan đột biến một cách bất hợp lý.

Cảnh báo từ cơ quan an ninh

Gần đây, công an nhiều tỉnh đã liên tiếp lên tiếng cảnh báo người dân về dấu hiệu lừa đảo từ những cuộc mua bán hoa lan này. Công an tỉnh Bình Phước cho biết, thời gian qua một số huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh đã diễn ra những giao dịch, mua bán hoa lan “đột biến gen” với giá trị từ vài chục triệu đến hàng chục tỷ đồng. Hầu hết cuộc mua bán, trao đổi đều diễn ra công khai và được quảng bá, livestream rộng rãi trên các trang mạng xã hội.

Theo công an tỉnh Bình Phước, các đối tượng trong một nhóm thổi phồng giá trị của loại cây này, khi người mua tìm đến họ sẽ dẫn dụ để người mua đầu tư và sẵn sàng giới thiệu cho người mua lại (cũng là đối tượng trong nhóm) với giá cao hơn. Quá trình mua đi bán lại nhiều lần, đến khi giá đạt điểm, người nào không biết hoặc hám lợi chạy theo mua thì nhóm này rút, không mua lại nữa, hậu quả là người mua cuối cùng đã bỏ ra số tiền lớn để mua nhưng không bán được cho ai. Trường hợp khác, việc giao dịch, mua, bán, trao đổi chỉ là hình thức, diễn ra giữa các đối tượng trong cùng một nhóm, đến khi bán được cho người ngoài nhóm thì các đối tượng này ăn chia, hưởng lợi.

Trước đó, vào cuối tháng 7/2020, Công an tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản cảnh báo người dân về những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ trên địa bàn. Mới đây, Công an huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) đã tiến hành tạm giữ 11 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán lan Phi Điệp đột biến trên địa bàn. Công an Hòa Bình cũng vừa phá chuyên án bắt 5 đối tượng về hành vi lừa đảo trên.

Có thể thấy, việc mua bán hoa lan giá trị lớn nhưng không có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước đã tạo nên “bong bóng đầu tư” dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp, có dấu hiệu biến tướng theo mô hình đa cấp trái pháp luật, gây mất ổn định xã hội. Trước tình hình trên, lực lượng công an khuyến cáo người dân nếu thực sự có nhu cầu mua mặt hàng này cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, nơi bán trước khi mua; chủ động phòng, tránh âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh cây lan đột biến gen nhằm mục đích trục lợi. Khi phát hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng, kịp thời cung cấp thông tin với chính quyền địa phương và cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Theo thống kê của cơ quan chức năng, đã có hàng chục nạn nhân bị lừa đến từ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Đây là hiện tượng đột biến, rất hiếm trong tự nhiên. Người trồng lan muốn chọn được một loại đột biến mới thì họ phải mua rất nhiều cây lan để hi vọng có một loại lan khác biệt.

Lan đột biến rất hiếm là đúng, nhưng mức giá quá cao như hiện nay là ảo. Phi điệp đột biến có nguồn gốc từ lan rừng và đối tượng chơi loại lan này rất hạn chế, chứ không phải là một thị trường rộng lớn như cắt cành cho trang trí, sự kiện...

Hoa lan đột biến có thể nhân giống bằng tự nhiên hoặc nhân tạo. Nguồn cung sẽ tăng lên theo thời gian, qua đó sẽ làm giảm giá trị của chính loại hoa đó. Khi nguồn cung đủ lớn thì lan quý hiếm trở thành lan thông thường và chắc chắn giá trị sẽ tụt dốc rất nhiều, hậu quả cuối cùng người chơi lan sẽ phải gánh chịu.

An Khuê

Top