Tổ chức đợt cao điểm vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết
(Chinhphu.vn) - Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội yêu cầu các quận, huyện tổ chức đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh.
Cụ thể, trong tuần qua (từ ngày 19/7 đến ngày 26/7), số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng cao, với 125 trường hợp mắc, bệnh nhân phân bố tại 25 quận, huyện.
Trong đó, một số địa phương ghi nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết như: Đan Phượng, Phúc Thọ, Hà Đông, Đống Đa, Thạch Thất, Hoàng Mai. Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 1.408 trường hợp mắc, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, trong tuần cũng ghi nhận 10 ổ dịch sốt xuất huyết tại: Đan Phượng, Hà Đông, Hoài Đức, Quốc Oai, Phúc Thọ, tăng 1 ổ dịch so với tuần trước. Như vậy từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 49 ổ dịch, còn 20 ổ dịch đang hoạt động.
Ngoài ra, tuần qua Hà Nội cũng ghi nhận 28 ca mắc tay chân miệng, giảm 1 trường hợp so với tuần trước. Tính từ đầu năm 2024, Hà Nội ghi nhận 1.710 ca mắc, không có ca tử vong.
Để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trên địa bàn thành phố, CDC Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện tổ chức giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh và ổ dịch. Tổ chức giám sát khu vực ổ dịch đang hoạt động tại huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Thanh Trì; giám sát hoạt động phòng chống bệnh dại tại huyện Chương Mỹ.
Tiếp tục tổ chức giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động, khu vực nguy cơ tại các địa phương như: xã Liên Hiệp huyện Phúc Thọ, xã Trung Châu huyện Đan Phượng, phường Nhân Chính quận Thanh Xuân, thị trấn Phú Xuyên huyện Phú Xuyên, thị trấn Phùng huyện Đan Phượng; đồng thời giám sát chủ động ổ dịch trên chó dại tại huyện Sóc Sơn.
Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức đợt cao điểm ra quân tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và truyền thông về phòng chống sốt xuất huyết theo chỉ đạo của UBND Thành phố; tăng cường giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp, trên hệ thống phần mềm Thông tư 54 và tại cộng đồng.
Ngoài ra, tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có ca bệnh, ổ dịch, không để ổ dịch diễn biến kéo dài; đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống một số bệnh như: Sốt xuất huyết, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng… Với các bệnh có vaccine cần khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Thiện Tâm